Nội dung này được đề cập trong công văn khẩn của Sở Nội vụ TP HCM vụ vừa gửi UBND các quận 2, 9, và Thủ Đức, liên quan bộ máy chính quyền TP Thủ Đức.
Theo đó, kỳ họp ngày mai bầu các chức danh HĐND, UBND TP Thủ Đức. Từ ngày 22/1, chính quyền quận 2, 9 và Thủ Đức kết thúc nhiệm vụ. Con dấu của các cơ quan, đơn vị và những phường thuộc 3 quận hết hiệu lực. Hoạt động chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền TP Thủ Đức thực hiện.
Trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) dự kiến là nơi làm việc của UBND - HĐND TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) là nơi làm việc của Thành ủy TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá) là nơi làm việc của MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức.
Theo phương án nhân sự được Sở Nội vụ trình UBND TP HCM, TP Thủ Đức có 657 người, gồm: một Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người.
Đối với nhân sự Thành ủy Thủ Đức, dự kiến ngày 23/1, Thành ủy TP HCM sẽ công bố và trao quyết định Bí thư và các Phó bí thư.
Thời gian qua, TP HCM đã nhập 3 Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) 3 quận thành Chi cục THADS TP Thủ Đức; bổ nhiệm chánh án, phó chánh án TAND TP Thủ Đức.
Việc lập TP Thủ Đức
TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (hiệu lực từ ngày 1/1/2021) trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2 và một triệu người. Sau 60 ngày, thành phố mới phải hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp.
Việc lập TP Thủ Đức được kỳ vọng góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thành phố mới dự kiến đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.