Việc gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc đào trồng nằm trong kế hoạch thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa. Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sơn La - ông Hà Mạnh Hùng cho biết:
"Sau khi kiểm kê diện tích đào trồng trên toàn tỉnh, Sơn La có khoảng 5.000ha diện tích trồng cây đào. Chúng tôi cũng chỉ cấp tem xác nhận truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho các hộ có nhu cầu và cho cây đào trồng trên đất vườn, đất đồi nương được giao cho hộ dân quản lý, sử dụng. Đối với cây đào (nếu có) trên đất lâm nghiệp, sẽ quản lý theo Luật Lâm nghiệp".
Tỉnh Sơn La có hơn 5.000 ha trồng đào, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chăm sóc trên đất nông nghiệp hoặc vườn nhà. Thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào là sự chủ động vào cuộc của tỉnh Sơn La trong việc tìm hướng tiêu thụ thuận lợi cho cây đào trồng. Việc triển khai dán tem truy xuất cho cây đào để phân biệt nguồn gốc đào rừng với đào trồng, tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập.
Chính vì thế, tỉnh này đã lựa chọn cây đào để truy xuất nguồn gốc trong dịp Tết năm nay, giống như các loại sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác trên địa bàn. Hôm qua (21/1), 1.000 tem mã vạch xuất xứ đã dán lên cây đào và đã được kích hoạt để đào Sơn La lưu thông trên thị trường.
Nhà nước hỗ trợ người trồng đào
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sơn La, toàn bộ số tem cấp trong giai đoạn này được cấp phát miễn phí cho người dân:
"Nên hiểu đây là hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước đối với sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương, nó giống như hình thức chỉ dẫn địa lý, xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm chứ không phải là phương án để phân biệt đào rừng - đào trồng".
Trung tâm Mã vạch Quốc gia là đơn vị cung cấp toàn bộ tem gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các hộ dân. Hiện tại Sơn La đã tiếp nhận 100.000 tem mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Hơn 5.000 hộ trồng đào đã đăng ký nhận tem tại Chi cục Đo lường chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh). Cán bộ của sở sẽ thực hiện các bước kiểm kê, xác nhận thông tin khai báo, sau đó cấp tem, hướng dẫn người dân dán tem cho đào.
"Do cây đào sinh sống ở môi trường ngoài trời, chịu mưa nắng... do đó, chúng tôi hướng dẫn bà con dán tem lên thân cây, sau đó lấy băng dính dán vòng mấy lớp để bảo quản tem. Khi đưa qua máy quét, tem vẫn hiển thị mã vạch đã được cấp code".
Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, năm trồng đào… Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ và lưu thông một cách thuận lợi.