Sáng nay, 25/1 Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc. Đại hội sẽ diễn ra tới ngày 2/2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Đại hội XIII.
Vấn đề đảm bảo an ninh cho Đại hội đảng lần thứ XIII được thực hiện như thế nào và có điểm gì mới? Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu về vấn đề này.
Trực 24/24, sẵn sàng phản ứng nhanh
“Càng tiến tới đại hội toàn quốc thì số lượng thông tin sai sự thật, xấu độc tăng lên. Một số tháng gần đây thì nó tăng lên khoảng 50% so với những tháng đầu năm 2019”, - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ngày 22/1, khi trả lời báo chí về tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng trước thềm Đại hội XIII. Ông cũng nhấn mạnh việc xử lý thông tin tốt hơn năm năm trước, nhờ có hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, việc xây dựng hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, …
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không gian mạng trở thành “môi trường nóng”, có vai trò đặc biệt quan trọng không kém vô tuyến truyền hình những năm giữa thế kỷ XX, vô tuyến truyền thanh những năm cuối thế kỷ XIX cũng như báo chí những năm đầu thế kỷ XVIII. Với sức mạnh toàn cầu của mình, các nền tảng công nghệ internet đã bị lợi dụng triệt để cho các “trò chơi” chiến tranh tâm lý”, cạnh tranh ảnh hưởng chính trị, tâng bốc ai đó hoặc hạ bệ ai đó. Thậm chí, internet còn là môi trường lan truyền vô số những thông tin sai sự thật, những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, lừa gạt nhằm nhiều mục đích khác nhau từ kinh tế đến chính trị và quân sự. Theo giới quan sát và phân tích, với sự phổ biến của internet trên toàn cầu, những thông tin xấu độc, xuyên tạc sự thật… có tốc độ lan truyền gấp hàng hàng chục triệu lần so với tốc độ lan truyền của những thông tin xấu độc, xuyên tạc sự thật tại các quán bia và trà đá vỉa hè ở Việt Nam cách đây khoảng 20 năm.
Trong các kỳ Đại hội trước đây của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều thế lực thù địch cũng đã lợi dụng các phương tiện truyền thông như đài phát thanh (BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt .v.v…), những xuất bản phẩm từ nước ngoài, băng ghi hình, đĩa ghi hình và các phương tiện mang thông tin khác để truyền bá vào Việt Nam những thông tin chống lại Nhà nước Việt Nam, đầu độc bầu không khí thông tin chính trị-xã hội Việt Nam. Nhưng đến nay thì internet với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, Zalo .v.v… đã trở thành môi trường thuận lợi cho việc lan truyền những thông tin sai trái và xấu độc đó.
Điều đó không có nghĩa là chỉ đến kỳ Đại hội lần thứ XIII các cơ quan chức năng của Việt Nam mới mạnh tay xử lý các tin bài xấu độc đó. Kể từ khi Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng tới nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên tục xử lý hàng triệu tin, bài xấu độc, trong đó có không ít tin, bài nhằm công kích Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII cũng như các kỳ, cuộc sự kiện quan trọng khác chỉ là những dịp để các thế lực thù địch gia tăng các thủ đoạn tuyên truyền chống phá trên các nền tảng mạng xã hội.
“Tiến tới đại hội XIII chắc sẽ có những diễn biến mới khó tránh. Bộ TTTT, Bộ công an, Bộ quốc phòng thì đã có các phương án và hiện nay đều trực 24/24 hết, và sẵn sàng phản ứng nhanh”, - Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại cuộc họp báo nói trên.
Bên cạnh vấn đề đề cập ở trên, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII còn nhằm mục tiêu bảo vệ những bí mật quốc gia chiếu theo Luật Bảo vệ bí mật quốc gia của Việt Nam. Đó là việc ngăn chặn sự lộ, lọt các thông tin thuộc danh mục được bảo mật ra bên ngoài nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ các bí mật khác.
9 phương án cụ thể về xử lý các tình huống
Ngày 22/1, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, trong số các kế hoạch, phương án đã được chuẩn bị, có 9 phương án cụ thể về xử lý các tình huống khủng bố, tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự; an toàn phòng cháy; an ninh thông tin truyền thông và an ninh mạng ở các khu vực khác nhau. Vậy 9 phương án cụ thể là gì ?
Nguồn tin của Sputnik bình luận rằng, nội dung các phương án bảo vệ an ninh và an toàn ở bất kỳ qốc gia nào luôn là vấn đề tối mật của quốc gia. Ngay cả ở Hoa Kỳ, các phương án bảo vệ Lễ nhậm chức của tân tổng thống Joe Biden cũng được giữ bí mật tuyệt đối. Thế giới chỉ biết rằng có 35.000 vệ binh quốc gia cùng với hàng vạn cảnh sát và hàng nghìn nhân viên mật vụ cùng nhiều phương tiện, khí tài hiện đại đã được huy động để bảo vệ cho buổi lễ này. Còn việc phân công phân nhiệm vụ, các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống có thể xảy ra thì chỉ có những nhân vật cao cấp chịu trách nhiệm tổ chức bảo vệ buổi lễ đó mới được biết.
Ở Việt Nam cũng vậy. Phát biểu của Thiếu tướng Tô An Xô cho thấy Việt Nam đã chuẩn bị tối đa các phương án ứng phó để bảo vệ an ninh, an toàn tới mức cao nhất cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Một số nhà phân tích cho rằng, số 9 là con số có giá trị cao nhất trong dãy số có một chữ số. Vì vậy không nên hiểu rằng Việt Nam chỉ có 9 phương án ứng phó mà còn có thể có nhiều hơn thế các phương án ứng phó với những tình huống dự kiến có thể xảy ra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này.
Sự phối hợp đồng bộ, quy mô của các lực lượng bảo vệ
Có phải việc đảm bảo an ninh cho Đại hội Đảng XIII chưa từng có không? Vì sao cần phải huy động đa lực lượng và nhiều như vậy? Có những điểm gì mới trong việc đảm bảo an ninh lần này khác với lần trước?
Phỏng vấn các nhà phân tích và chuyên gia Việt Nam, phóng viên Sputnik nhận được câu trả lời thẳng thắn là việc Việt Nam huy động một lực lượng và phương tiện có quy mô lớn như vậy để bảo vệ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam không có gì là bất thường.
Từ đầu thế kỷ XXI và đặc biệt là từ sau vụ khủng bố 11-9-2000 tại Mỹ tới nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung tăng cường lực lượng, phương tiện để bảo vệ cho các sự kiện quan trọng, từ các hội nghị quốc tế đặc biêt quan trọng như G7, G20, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM cho đến các sự kiện thể thao như FIFA WORLD CUP, OLYMPIC .v.v… Năm 2003, Việt Nam đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện để bảo vệ an toàn tối đa cho SEA GAMES lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức. Thậm chí, để phòng chống cháy nổ, chính quyền thành phố Hà Nội đã cho đóng cửa tất cả các cây xăng trên một số tuyến đường từ nội thành Hà Nội ra sân vận động Mỹ Đình trong ngày khai mạc SEA GAMES 22. Tiếp đó, tại các kỳ Hội nghị ASEAN, các diễn đàn ASEM, APEC… cho đến cuộc gặp nguyên thủ quốc gia Mỹ - Triều và nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khác, Việt nam đều huy động tối đa lực lượng và phương tiện để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các sự kiện đó.
Việc Việt Nam tổ chức diễn tập các công tác bảo vệ các kỳ họp quan trọng còn là việc làm thường xuyên, định kỳ để rèn quân, sẵn sàng chiến đấu tới mức cao nhất để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để bị bất ngờ trước mọi tình huống.
Nguồn tin của Sputnik khẳng định, công tác bảo vệ an ninh, bảo đảm an toàn cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII nói chung không có gì khác so với các kỳ đại hội trước cũng như so với nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khác được tổ chức tại Việt Nam, kể cả việc bảo đảm an ninh cho cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều diễn ra đầu năm 2019. Nhưng bằng cảm nhận có thể thấy được điểm mới của lần bảo vệ này là sự phối hợp đồng bộ, quy mô của các lực lượng bảo vệ được công khai ở mức tối đa có thể công khai được. Những động thái đó nhằm nâng cao niềm tin của nhân dân vào tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trong nước và quốc tế, đồng thời khẳng định khả năng đảm bảo an ninh tối đa của Việt Nam.