Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến khó lường, do đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2020, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thiên tai. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam còn chưa cao...Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rằng:
“Những thách thức ấy đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, mất cảnh giác”
Theo Tổng bí thư, động lực phát triển đất nước phải dựa trên tinh thần yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh:
“Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”
Mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nhiệm vụ này phải được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý rằng:
“Chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ cho nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc quan trọng của đất nước”
Các dấu mốc đó là đến năm 2025, Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.