Trong tham luận với chủ đề “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định, Hà Nội là Thủ đô - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Kinh tế thủ đô vượt suy thoái, liên tục tăng trưởng
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền quân và dân Thủ đô đã triển khai kịp thời, thực hiện có hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Nhấn mạnh kết quả đạt được trong 5 năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Phong cho biết:
“Kết quả đạt được là quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Do đó, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện.Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước.Năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong 30 năm đổi mới và hội nhập.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Thu nhập bình quân thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng (gấp 1,36 lần năm 2016). Tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm у tế đạt 90,1%. Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 13 huyện và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,3%) và hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra.
Văn hóa - Cây cầu nối Hà Nội với thế giới
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn tự hào là thành phố nghìn năm văn hiến với số lượng di tích lịch sử và di sản văn hóa đồ sộ. Đây chính là yếu tố thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô, thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” - du lịch.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Hà Nội vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ông Nguyễn Văn Phong cho biết:
“Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Đồng thời, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô được nâng cao.”
Đến năm 2030: Hà Nội “Xanh - Thông minh - Hiện đại”
Trong tham luận của ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ, để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phong cho biết:
“Thứ nhất, Hà Nội sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ vệ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Trong đó, chú trọng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ ba, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Thứ năm, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.”
Bên cạnh đó, trong công tác lãnh đạo và điều hành, ông Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra tầm quan trọng trong việc thực hiện 3 khâu đột phá trên các lĩnh vực như: ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cũng bày tỏ mong muốn Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra thành công tốt đẹp.