Hôm nay, ngày 1/2 Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc. Đại hội được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Có những điều gì mới, những điểm nhấn gì trong sách lược phát triển đất nước, trong vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, trong cơ cấu nhân sự lãnh đạo? Phóng viên Sputnik đã phỏng vấn ông Hồng Long - nhà phân tích, chuyên gia chính sách đối nội của Việt Nam về những vấn đề này.
3 điểm nhấn trong sách lược của Đại hội XIII
Sputnik: Thưa ông Hồng Long, theo nhận xét của ông thì trong sách lược phát triển đất nước mà Đại hội XIII đưa ra có gì mới, có những điểm nhấn gì đáng chú ý?
Nhà phân tích Hồng Long:
Như chủ đề của Đại hội XIII đã xác định là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, chúng ta có thể thấy sách lược hàng đầu là ĐOÀN KẾT.
Điểm mới thứ hai là SÁNG TẠO. Xét về kinh tế, Việt Nam đang tránh đi theo “vết xe đổ” của hai cường quốc công nghiệp: Thế hệ 1 là nước Anh và thế hệ 3 là Trung Quốc. Cả hai đều từng là “Công xưởng của thế giới” nhưng một khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do chiến tranh thế giới hay vì dịch bệnh thì những “công xưởng” ấy sẽ gánh chịu những hậu quả thiệt hại kinh tế rất lớn khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều. Nhận thức được điều này, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt trọng tâm vào sự SÁNG TẠO. Và vấn đề ở đây không chỉ là sự sáng tạo về công nghệ và kỹ thuật mà còn là sự sáng tạo về đối ngoại, là việc cùng với các đối tác tạo lập.những “sân chơi” mới, những “luật chơi” mới để thoát khỏi sự phụ thuộc vào những “luật chơi” do các “ông lớn” áp đặt.
Điểm mới thứ ba và cũng là điểm mới quan trọng nhất là đặt “HẠNH PHÚC NGƯỜI DÂN” vào vị trí trung tâm của tất cả sự phát triển, đổi mới và sáng tạo. Nếu như cách đây 35 năm, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt nam mới chỉ đặt vấn đề “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” thì tới Đại hội XIII, phương châm ấy được bổ sung 2 thành tố: “Dân giám sát, Dân thụ hưởng”. Và cũng xuất phát từ sách lược này mà chiến lược xây dựng cuộc sống “HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI DÂN” được đặt lên hàng đầu và là mục tiêu, có tính chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng Cộng sản việt Nam.
Những đổi mới đều vì lợi ích quốc gia – dân tộc
Sputnik: Vậy, vai trò của Đảng có điểm mới gì không?
Nhà phân tích Hồng Long:
Như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã ghi rõ tại Điều 4:
- Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
- Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, các văn kiện của Đại hội XIII còn nhấn mạnh vấn đề nguồn gốc của quyền lực trong xã hội, quyền lực Nhà nước khi viện dẫn Khoản 2 Điều 1 của Hiến pháp 2013, trong đó nêu rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Từ đó, có thể thấy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhân dân Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và nói đầy đủ là thể chế chính trị Việt nam không có gì thay đổi. Những đổi mới đều nhằm vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu mang lại năng lực, hiệu lực và hiệu quả cao nhất đối với lợi ích của nhân dân, của quốc gia-dân tộc.
Vấn đề nhân sự: cơ bản vượt qua tư duy “sứ quân”
Sputnik: Chúng ta thấy vấn đề nhân sự tại Đại hội XIII nhận được quan tâm nhất, được bàn luận nhiều nhất, không chỉ trong giới chuyên gia mà cả người dân. Ông có bình luận gì về cơ cấu nhân sự Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư?
Nhà phân tích Hồng Long:
Mặt khác, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhiệm kỳ XIII cũng tạo ra sự ổn định trong quá trình chuyển giao thế hệ. Và cả sự tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.
Và cuối cùng là những kết quả bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng tại Đại hội XIII đã cơ bản khác với thói quen cục bộ, địa phương, vùng miền mà ta vẫn hay gọi nôm na là tư duy cát cứ, tư duy “sứ quân”, vốn là một trong những mầm mống gây chia rẽ trong Đảng và trong xã hội. Qua kết quả bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng, có thể thấy sự cơ cấu không thể và không bao giờ được đặt lên trên vấn đề đoàn kết với hai chữ “TÂM” và “TẦM”.
Sputnik: Cảm ơn nhà phân tích Hồng Long đã có những chia sẻ thú vị với Sputnik.