Người Mỹ không thể phủi bỏ hết trách nhiệm về những tội ác chiến tranh đã gây ra ở Việt Nam, nhất là hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Vụ kiện mà bà Trần Tố Nga theo đuổi không chỉ để đòi hỏi cho công lý, sự công bằng cho chính mình, cho nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.
Phiên tòa lịch sử đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Sau chiến tranh, có thể nói, dù đã bình thường hóa quan hệ, nỗ lực hàn gắn nỗi đau nhưng Mỹ còn nợ Việt Nam rất nhiều, nhất là chính những công ty, tập đoàn hóa chất đã tiếp tay cho tội ác của binh lính Hoa Kỳ, gieo rắc cái chết da cam cho đất nước, con người nơi đây lại phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm liên quan.
Nhiều nghiên cứu, dư luận, chuyên gia quốc tế đánh giá và chỉ ra tác động nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ tư ở Việt Nam với ít nhất hơn 100 nghìn trẻ em chịu dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Những ngày qua, kể từ khi Tòa đại hình thành phố Evry, ngoại ô Paris, Pháp bắt đầu diễn ra phiên tòa xét xử các công ty sản xuất chất độc da cam dioxin vì hoạt động tàn phá trong chiến tranh Việt Nam, tên tuổi bà Trần Thị Nga, 78 tuổi, Việt Kiều Pháp, một lần nữa lại làm dậy sóng dư luận trong nước và quốc tế.
Vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga, đại diện tiếng nói của một trong những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chịu bao nỗi đau, di chứng nặng nề của hóa chất giết người mà Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được truyền thông các nước tiếp tục đăng tải.
Tại Pháp và nhiều nước, các hãng tin lớn đều dẫn thông tin về vụ kiện người phụ nữ Pháp gốc Việt, đòi công lý với 14 công ty sản xuất và bán chất độc da cam được lính Mỹ rải trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có Dow Chemical và Bayer-Monsanto.
Trong phiên tòa xét xử hôm 25/1, rất đông người ủng hộ bà Nga đã có mặt cùng cả đại diện giới chính trị Pháp. Tòa cho phép bà Trần Tố Nga và luật sư (nguyên đơn) có một tiếng rưỡi để tranh tụng. Phía bị đơn - các tập đoàn, công ty hóa chất Hoa Kỳ - với gần 20 luật sư có 4 tiếng đồng hồ để phản biện.
Sau 6 năm, 19 phiên thủ tục, cuối cùng phiên tòa cũng diễn ra. Báo chí Pháp gọi vụ kiện của bà Trần Tố Nga là “lịch sử”.
Hàng loạt bài viết mô tả quá trình đâm đơn, theo đuổi vụ kiện dai dẳng, gian khổ của cá nhân bà Nga cũng như nêu bật những hậu quả khủng khiếp mà chất độc da cam dioxin để lại, hủy hoại thiên nhiên, rừng, môi trường Việt Nam, gây nhiều bệnh tật, di chứng cho hàng triệu người dân vô tội ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tờ L’Humanité bình luận về công cuộc đòi công lý và sự công bằng của bà Trần Tố Nga là “câu chuyện về tội ác chiến tranh của Mỹ cuối cùng cũng được đưa ra xét xử sau 55 tại Pháp”.
Tờ báo liệt kê những mất mát, nỗi đau khôn nguôi, hậu quả khủng khiếp của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và thế giới, như cuộc đấu tranh gian khó của bà Trần Tố Nga.
L’Humanité cho rằng, phiên tòa hôm 25/1 là hành động pháp lý và sự công nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các sản phẩm hóa chất diệt cỏ do các công ty, tập đoàn Hoa Kỳ sản xuất và các bệnh lý nghiêm trọng của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam để có thể yêu cầu bồi thường.
Phiên tòa của bà Trần Tố Nga dù là dân sự nhưng là biểu tượng khẳng định cuộc đấu tranh chính đáng nhằm đòi công lý, bồi thường cả vật chất và tinh thần cho các nan nhân chất độc màu da cam.
Báo Đức: Nỗ lực cuối cùng đòi lại công bằng cho nạn nhân da cam Việt Nam
Không chỉ ở Pháp, ở Việt Nam, nhiều hãng tin, báo chí Đức như, Spiegel, Junge Welt đều đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga và ủng hộ nền công lý, sự thật được trả lại.
Bài viết trên tờ Junge Welt của Đức cho biết, phiên tòa có thể là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm mang lại công bằng pháp lý cho các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam.
Phiên tòa bắt đầu hôm thứ Hai tại Paris, với việc nhà báo Trần Thọ Nga, người đã sống ở Pháp vài năm, theo đuổi vụ kiện chống lại các công ty sản xuất chất độc màu da cam. Chất độc này đã được Quân đội Hoa Kỳ rải xuống miền nam Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1971.
Mục đích của việc sử dụng gần 80 triệu lít chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác là nhằm phá hủy các khu rừng nhiệt đới, nơi những người chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam vận hành các hầm trú ẩn, trạm y tế và cơ sở quân sự.
“Quân đội Mỹ muốn dọn đường để truy lùng và giết hại những người lính tham gia giải phóng miền nam. Ngoài các khu rừng, việc sử dụng hóa chất độc hại còn nhằm phá hoại mùa màng của những người dân được cho là ủng hộ mặt trận giải phóng dân tộc. Điều này, có thể được coi là chiến tranh hóa học theo luật pháp quốc tế, đã và đang tiếp tục gây ra những hậu quả tàn khốc”, tờ báo Đức nhấn mạnh.
Những người bị ảnh hưởng trực tiếp có dấu hiệu nhiễm độc đặc trưng, và sau đó là ung thư. Những người được sinh trong thế hệ sau phải chịu đựng những biến chứng kinh hoàng tồi tệ nhất.
“Họ bị ảnh hưởng bởi dị tật và các bệnh khác thậm chí cho đến thế hệ thứ tư. Chính phủ Hoa Kỳ vẫn từ chối nhận trách nhiệm về việc này. Ngay cả các tập đoàn sản xuất hóa chất này vẫn cho rằng họ "chỉ sản xuất theo chỉ đạo của chính phủ", Junge Welt nhắc lại.
Tờ báo cũng bày tỏ, quy trình tố tụng hiện đang được tiến hành không phải là nỗ lực đầu tiên để buộc các nhà sản xuất thuốc diệt cỏ phải chịu trách nhiệm.
Năm 2009, yêu cầu của Hội nạn nhân Việt Nam, nhân danh hơn bốn triệu nạn nhân chất độc màu da cam, đã bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ trong một bản án đầy tai tiếng.
Bà Trần Tố Nga: Tôi không thù hận, nhưng công lý phải được thực thi
Trong khi đó, bà Trần Tố Nga, 78 tuổi, đã kiên trì theo đuổi vụ kiện chống lại 14 công ty sản xuất chất độc màu da cam. Trong cuộc "Chiến tranh chống Mỹ" - như cách gọi ở Việt Nam - bà là phóng viên trẻ của Thông tấn xã Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bà đã có tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam. Đến nay, bà mắc một số bệnh được cho là có liên quan đến phơi nhiễm dioxin. Con gái đầu của bà chết vì bệnh tim, hai con gái và cháu khác của bà cũng mắc bệnh liên quan đến dioxin.
Bà Nga theo đuổi quá trình tranh tụng này bằng quỹ riêng của mình và với sự giúp đỡ của những người ủng hộ. Bà có ba luật sư tham gia hỗ trợ.
“Tôi không cảm thấy thù hận. Tôi chỉ muốn tội ác được thừa nhận và công lý được thực thi. Ngay cả khi mệt mỏi, tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu vì hàng triệu nạn nhân khác”, bà Nga nói.
Nếu vụ kiện này thắng, nó sẽ đặt ra một tiền lệ pháp lý cho các công ty sản xuất chất độc hóa học. Nó cho thấy mối liên hệ giữa việc hủy hoại môi trường và sự vi phạm các quyền của con người, cũng như để lại hậu quả nghiêm trọng qua nhiều thế hệ.
Trao đổi với phóng viên của tờ FranceInfo, bà Nga cho biết, cả thế giới đều biết đến câu chuyện về chất độc màu da cam.
“Bồi thường cho tôi, với những công ty đa quốc gia này, không là gì. Nhưng đằng sau tôi, còn có hàng nghìn nạn nhân. Tôi chiến đấu cho gia đình mình, đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi cũng tranh đấu cho những nạn nhân chất độc màu da cam để đặt ra một án lệ liên quan tới chất độc màu da cam”, bà Trần Tố Nga nói.
Theo ước tính của Tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam, có tất cả hơn 3 triệu người dân phải gánh chịu những hệ lụy từ chất độc màu da cam.
“Đó là vì một số chất độc nhiễm vào trong đất, mạch nước ngầm được dùng để cung cấp cho nhiều khu vực nông thôn và thành phố lớn”, - ông André Bouny, người từng viết cuốn sách về chất độc màu da cam, cho biết.
Vì lẽ đó, “phiên tòa này mang ý nghĩa lịch sử vì nó sẽ đặt ra tiền lệ cho tất cả các nạn nhân chất độc màu da cam khác”, ông Bouny nhận định.
Bà Trần Tố Nga sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Phiên tòa tại Evry là lần đầu tiên kể từ khi bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên làm việc lần thứ nhất vào tháng 4/2014. Trải qua 19 phiên thủ tục, thẩm phán mới quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020, nhưng lại tiếp tục bị hoãn cho đến nay vì dịch Covid-19.
“Tôi đã gần 80 tuổi rồi. Những luật sư đại diện cho các công ty hóa chất đã tìm mọi cách để trì hoãn phiên tòa nhưng tôi sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng”, bà Nga chia sẻ.
Bà cho biết, thông qua pháp luật, bà mong muốn được công nhận về những vấn đề mà bà, gia đình và nhiều người khác đang gặp phải do chất độc da cam. Bởi vì cho đến nay, mới chỉ có cựu binh Mỹ, Hàn Quốc, Australia nhận được bồi thường vì hậu quả của chất hóa học diệt cỏ, theo hãng tin France 24.
Việc một quốc gia độc lập nhìn nhận về vấn đề này thì đó cũng là sự nhìn nhận cho tất cả các nạn nhân. Tuy nhiên, trong quá trình tranh tụng, các công ty hóa chất biện hộ rằng, việc sử dụng chất độc hóa học là quyết định của quân đội Mỹ nên không thể bắt họ chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, bà Nga và các luật sư cho rằng, các nhà sản xuất cũng phải chịu trách nhiệm vì chính họ đã đánh lừa chính phủ Mỹ về mức độc hại thật sự của các chất hóa học đó.
“Vì chất độc da cam, tôi đã mất đi một người con vì những dị tật ở tim. Tôi có hai con gái bị dị tật bẩm sinh. Cháu gái tôi cũng bị”, người phụ nữ chia sẻ.
Bà Trần Tố Nga khẳng định không bỏ cuộc, kiên trì bền bỉ theo đuổi công lý đến cùng. Phiên tòa, đối với bà, là sự khởi đầu, nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều của dư luận để đòi hỏi cho công lý cho chính mình và cho nạn nhân chất độc màu da cam, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới.
Phát biểu về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt, ông Jean-Pierre Archambault cho rằng, phiên tòa hôm 25/1 là bước tiến quan trọng trong quá trình theo đuổi công lý của bà Nga.
Ông thẳng thắn nhận xét những lời biện hộ của các luật sư bảo vệ quyền lợi của các công ty đa quốc gia Mỹ thật đáng rùng mình.
“Họ cho rằng đó là hành động theo lệnh chính phủ Mỹ, do đó họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho việc đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ nguy hiểm, khiến hàng triệu nạn nhân vẫn phải chịu đựng những di chứng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm. Cuộc đấu tranh của bà Tố Nga sẽ còn tiếp tục và bà sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi”, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt khẳng định.