Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Đại hội XIII vừa qua đã khắc phục được chuyện vận động phiếu bầu, lobby, nhắn tin, xuyên tạc. Các đại biểu không “giao lưu”, quà cáp nhưng vẫn hồ hởi, phấn khởi. Đồng chí không tiếp tục vào Ban Chấp hành Trung ương, có thảng thốt chút, rồi sau đó qua rất nhanh, không có gì nặng nề.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, với mức tăng trưởng như hiện nay, hoàn toàn có cơ sở để Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao (2030-2045) và sau 2045 sẽ vượt qua mức 12.525 USD. Việt Nam không có lý do gì để không lập nên kỳ tích như “thần kỳ Nhật Bản” hay “kỳ tích sông Hàn”.
Văn kiện Đại hội XIII: Kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân
Sáng nay, 3/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 1/2021. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những thông tin đáng chú ý về kết quả Đại hội XIII.
Hội nghị lần này diễn ra theo hình thức trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Thông tin nhanh về những kết quả đã đạt được tại Đại hội XIII vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, rút ngắn được gần 2 ngày so với kế hoạch.
“Đây là một trong những đại hội thành công nhất trên các mặt về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc. Quan trọng hơn cả, Đại hội đã khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia hùng cường, người dân được hưởng hạnh phúc”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng lần này đã thành công với 3 thành tựu. Đó là xây dựng văn kiện, công tác nhân sự và công tác tổ chức.
Liên quan đến văn kiện Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho hay, Tiểu ban Văn kiện đã rất dày công, tổng hợp, chọn lọc, các văn kiện đều được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, được chuẩn bị từ năm 2018, có sửa đổi, bổ sung, tiếp thu ý kiến nhiều lần.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngay từ khi triển khai xây dựng những báo cáo trình Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Tiểu ban văn kiện, tổ biên tập quán triệt những vấn đề có tính nguyên tắc để xây dựng văn kiện như tính kế thừa và phát triển, ổn định và đổi mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.
Theo ông Thắng, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện Đại hội đã được tổng hợp ý kiến của Đại hội Đảng các cấp, lấy ý kiến của các đoàn thể, các đại biểu quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và công bố lấy ý kiến của toàn dân.
“Qua quá trình lấy ý kiến đã có 1.400 trang ý kiến chắt lọc, phong phú, sâu sắc, thực tiễn đóng góp hoàn thiện văn kiện, 80 báo cáo kiến nghị rất dày dặn, toàn diện, trách nhiệm. Văn kiện Đại hội là sản phẩm, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, các ý kiến đóng góp đều rất sâu sắc, trách nhiệm, giúp những người làm công tác biên tập có dư địa để chuẩn hóa, hoàn thiện qua nhiều khâu, nhiều vòng, với nhiều nội dung mới.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã có lưu ý, đây là những vấn đề có tính lý luận về cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới và yêu cầu chúng ta tiếp tục hoàn thiện, làm rõ và sâu sắc hơn vấn đề này”, ông Thắng bày tỏ.
Nhân sự Ban Chấp hành Trung ương XIII: Chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ
Thông tin về công tác nhân sự Đại hội, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, quy trình và công tác cán bộ được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu cũng đã góp phần làm nên thành công của Đại hội.
Bắt đầu từ năm 2014, theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng ta đã có kế hoạch đào tạo cán bộ khóa XIII.
“Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mà tôi với tư cách giám đốc được giao nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng nội dung chương trình cho các lớp quy hoạch cấp chiến lược. Vừa rồi, trong số 80 ủy viên trúng cử lần đầu, có 61 đồng chí lần đầu tham gia Trung ương là được học lớp ấy”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Thông tin tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đại hội đã bầu 200 Ủy viên khóa XIII, trong đó 120 Ủy viên khóa XII tái cử và 80 Ủy viên trúng cử lần đầu.
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cũng nhắc lại, công tác nhân sự được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về chất lượng chứ không chỉ đáp ứng về điều kiện, tiêu chuẩn.
“Công tác cán bộ được thực hiện theo quy trình 5 bước rất chặt chẽ. Mỗi đồng chí vào Trung ương đều phải qua quy trình 10 bước với các trường hợp mới và 8 bước với nhân sự tái cử”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nên Đại hội XIII vừa rồi “chỉ bầu một lần là xong”, đủ Ban Chấp hành Trung ương với 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Ngay tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII đã bầu được 18 ủy viên Bộ Chính trị. Trong đó có 15 đồng chí thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử và có ba người lần đầu tham gia vào Bộ Chính trị. Ngoài ra, còn có 5 đồng chí mới lần đầu được Trung ương bầu vào Ban Bí Thư. Ủy ban Kiểm tra Trung ương do đồng chí Trần Cẩm Tú làm Chủ nhiệm cũng chỉ “bầu một lần là xong”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, nhân sự lần này được làm rất tốt, việc giới thiệu. bổ sung hay không đều được làm rất bài bản, dân chủ, chặt chẽ.
Một điểm rất mới ở đại hội lần này trong công tác nhân sự đó là chỉ bầu một lần là xong, khắc phục được tình trạng vận động, gặp gỡ, nhắn tin…như đã từng xảy ra.
Không có chuyện vận động hành lang, nhắn tin, xuyên tạc
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tại Đại hội XIII vừa qua cũng có nhiều người được giới thiệu, tuy nhiên, thực hiện theo đúng quy chế bầu cử thì số lượng các đồng chí “rút” cũng nhiều.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ Đại hội Đảng bộ các cấp đến kỳ Đại hội lần này, quá trình bầu rất đúng phương án nhân sự đặt ra.
Ông Thắng nhấn mạnh đến các yếu tố như “dân chủ, khách quan nhưng cũng rất tập trung và có tổ chức.
“Quan trọng nhất là đã khắc phục được chuyện như đi vận động, lobby, nhắn tin, xuyên tạc các thứ là không có. Đó là điều rất đáng mừng”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cũng cho rằng, công tác nhân sự tại Đại hội XIII lần này, cho thấy niềm tin của nhân dân với Đảng.
“Đây là nét rất mới, mang lại thành công lớn của Đại hội”, ông Thắng nói.
Các đồng chí không vào Trung ương chỉ “thảng thốt một tí” rồi qua rất nhanh
Trao đổi về công tác tổ chức, các đoàn về dự Đại hội XIII đều được sắp xếp bố trí sinh hoạt riêng, nên hoàn toàn không có hiện tượng giao lưu, quà cáp, rượu chè, đặc biệt các trưởng đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc quán triệt tinh thần này tới các thành viên trong đoàn.
“Cái này theo tôi là một kinh nghiệm rất hay. Vai trò của đồng chí trưởng đoàn rất quan trọng, quán triệt một lần, anh em tự giác”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Vị lãnh đạo cũng bày tỏ, mặc dù các đại biểu về dự Đại hội không có giao lưu, qquà cáp, song đều mang một tâm thế thoải mái, hồ hởi – “không khí rất là vui”.
“Đồng chí được, không được, đồng chí không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương có thảng thốt một chút, sau đó qua đi rất nhanh, không có gì nặng nề”, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, Đại hội rất thành công như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - thành công ấy là cơ sở rất quan trọng, để toàn Đảng, toàn dân có tâm thế bước vào một giai đoạn phát triển mới, với những thành công cho nhiệm kỳ mới.
Việt Nam có thể lập nên những kỳ tích như Nhật Bản hay Hàn Quốc?
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng nhắc lại mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam chính là nhân dân, người dân phải được hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước.
Ông Thắng chia sẻ, khi đề ra thu nhập trung bình cao (4.035 - 12.525 USD) nhưng nhiều người nói là “hoang đường”. Nhưng chúng ta 'nói có sách, mách có chứng'.
Theo đó, hiện nay thu nhập bình quân ở Việt Nam là 3.300 USD, và với mức tăng trưởng như hiện nay hoàn toàn có cơ sở để vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để vươn tới mức 4.045 USD vào 2025.
“Còn đến 2030 và 2045 chúng ta sẽ vào nước thu nhập trung bình cao, dự kiến sẽ vào 8.000 - 9.000 USD. Và sau năm 2045 chúng ta hoàn toàn có khả năng vượt qua mức 12.525 USD”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Để thực hiện, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, “chúng ta có lợi thế của người đi sau, ta sẽ “dựa vào” người khổng lồ đi trước”.
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhắc lại lời hiệu triệu của Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng về khát vọng, quyết tâm để Việt Nam lập nên những kỳ tích phát triển mới, mà còn hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích mới – Việt Nam không có lý do gì không thể lập nên những kỳ tích như đối với Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Cùng với đó, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đề cập đến vấn đề thể chế đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững dựa vào bản sắc văn hóa, con người.
Ông nhắc lại, kinh tế rất quan trọng, sức mạnh của kinh tế không thể phủ nhận, nên vẫn phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức người dân sẽ được hưởng lợi, thụ hưởng những thành quả. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế cùng với đó là hoàn thiện pháp luật đồng bộ.
“Vì chủ trương của ta có làm gì thì cũng thượng tôn pháp luật, nên phải hoàn thiện pháp luật gắn với thể chế sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “rất có uy tín” trong Đảng, trong dân
Cũng trao đổi nhanh về những kết quả của Đại hội XIII vừa qua, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân khẳng định sáng 3/2 rằng, công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa mới được tiến hành công khai, dân chủ, khoa học và chặt chẽ.
Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, Ban Chấp hành khóa XIII đều là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Đây là những đồng chí có tư duy đổi mới, sáng tạo, có khả năng quy tụ, đoàn kết, thống nhất và huy động sức mạnh tổng hợp”, ông Quân cho biết.
Đáng chú ý, theo lời của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “rất có uy tín” trong Đảng.
“Với số phiếu gần như tuyệt đối, và thống nhất rất cao, thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, đồng chí Hoàng Bình Quân cho biết.
“Đây là thể hiện mong muốn của toàn Đảng, toàn dân ở Việt Nam, vì chúng tôi có một người đứng đầu rất có uy tín ở trong Đảng, ở trong dân”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định.