Ngày 6/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, trú tại thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (28 tuổi, trú tại thôn Bản Muỗng, xã Mông Ân, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trước đó, từ nguồn tin của quần chúng và các tài liệu trinh sát, Phòng An ninh điều tra phát hiện một đường dây chuyên sản xuất và bán các loại giấy tờ giả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh, thành phố.
Sau một thời gian nắm tình hình, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP.HCM và bắt Nguyễn Văn và Hoàng Văn Đức.
Khám xét tại ngôi nhà số 856/4 Quang Trung, phường 8, Quận Gò Vấp, TP.HCM (nơi các đối tượng thuê để sản xuất các loại văn bằng), chứng chỉ, lực lượng Công an thu giữ gần 4.000 con dấu, hơn 5 tấn phôi các loại giấy tờ như Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bằng Thạc sĩ, Bằng tốt nghiệp Đại học. Ngoài ra, thu giữ nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ.
Tại Cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận đã lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) và các trang web để rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết phôi thật, giá rẻ.
Khi khách có nhu cầu đặt mua, các đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của khách hàng để in vào các loại văn bằng rồi giả mạo chữ ký hiệu trưởng các trường, sử dụng các loại dấu giả để in.
Mỗi loại chứng chỉ, hai đối tượng bán từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng, các loại bằng có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Các nghi can thường gửi văn bằng, chứng chỉ qua bưu điện và các công ty chuyển phát nhanh cho khách hàng ở xa hoặc thuê xe ôm để chuyển cho khách hàng ở gần.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Bộ luật Hình sự 2015
Theo Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Riêng Khoản 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, cũng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đều bị xử lý như nhau. Ngoài hình phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 341 của Bộ luật này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.