Síp đã mua hệ thống phòng không S-300 của Nga hồi giữa những năm 1990, tuy nhiên, do phản ứng gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận với Athens, những tổ hợp này được bố trí trên đảo Crete của Hy Lạp, sau đó quyền sở hữu cũng chuyển giao cho Hy Lạp.
«Loại tên lửa S-300 này có trong kho vũ khí của hệ thống thuộc NATO. Và vì nó được sử dụng theo hình mẫu Crete, chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất tương tự trong chương trình nghị sự đàm phán. Chúng tôi và phía Hoa Kỳ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề với S-400», - Bộ trưởng Akar nói với các nhà báo và tuyên bố của ông dẫn trên kênh truyền hình Haberturk.
Ông cho biết thêm là trong kho vũ khí của nhiều nước trước đây vốn thuộc Khối Warszawa sau đó gia nhập NATO hiện vẫn còn các vũ khí của thời kỳ Xô-viết.
Chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ
Việc chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 mới nhất của Nga, vốn gây ra khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, đã bắt đầu vào giữa tháng 7 năm 2019.
Washington yêu cầu từ bỏ thỏa thuận để mua các hệ thống Patriot của Mỹ, đe dọa trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ việc bán các máy bay chiến đấu F-35 mới cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt theo CAATSA (luật "Chống kẻ thù của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt"). Ankara từ chối nhượng bộ và tiếp tục đàm phán về việc mua một lô S-400 bổ sung. Theo người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga một lần nữa cho thấy Washington không có khả năng cạnh tranh sòng phẳng.