Một năm kinh tế buồn
Những ngày giáp Tết, anh Trần Văn Dương*, 21 tuổi, vẫn miệt mài đi lại ngược xuôi trên những con phố Hà Nội. Càng gần Tết, người về quê càng nhiều, chỉ còn những người làm nghề như Dương, những người lao công và một số nhân viên xã hội khác ở lại làm việc.
Anh Dương làm shipper cho NowFood đến nay đã 3 năm, chưa năm nào ở lại đến sát Tết, nhưng một năm Covid-19 khiến thu nhập của anh giảm hẳn, ở lại mấy ngày cũng thêm được một khoản.
Chia sẻ với Sputnik sau khi vừa giao đồ ăn đến tận nay khách hàng và lôi lọ xịt khuẩn mang theo xịt khắp tay, anh nói:
“Những ngày này ra đường không tránh khỏi chạnh lòng. Người ta đi mua đào quất, hoa nọ hoa kia, sắm sửa tất bật, mình thì vẫn làm việc, giao đồ đều đặn. Nói thật thì không thể không buồn được”.
Anh Dương là trụ cột chính trong gia đình, ba mẹ đều đã tuổi cao sức yếu, còn 2 em đang tuổi ăn học.
“Mình không cố thì ai cố thay được. Về Tết năm nào mình cũng cố tích góp một khoản dù không nhiều nhưng đủ để bố mẹ có thể ăn Tết không thua kém ai. Mình chưa làm xuyên Tết lần nào nhưng những ngày này thì cũng không có thưởng đâu”.
Nói chừng 10 phút, chiếc điện thoại thông minh của Dương báo tin có cuốc mới, Dương quay ra chào và nói:
“Mình nhận cuốc rồi. Thường thì sẽ nhận ngay để còn được điểm thưởng, mình mà nhận trễ thì công ty sẽ chuyển cho người khác. Mình còn trẻ nên phải nỗ lực kiếm tiền, về Tết muộn thì cũng là về, nhiều người ở vùng dịch còn không về được, thế đã là một may mắn rồi”.
Thu nhập chỉ bằng 1/3, 1/5 năm ngoái
Cùng làm việc trong những ngày giáp Tết, anh Lê Thanh Tuấn* có vẻ bình tâm, thoải mái hơn. Trong lúc ngồi chờ cuốc, anh chia sẻ về những khó khăn của nghề, đặc biệt trong suốt một năm Covid-19:
“Có thể những người giao đồ ăn không bị ảnh hưởng nhiều như GrabBike chứ như tôi là thấy rõ ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong hai đợt bùng dịch trước, nhất là đợt đầu hồi tháng 3, hàng quán đóng cửa hết, người dân không dám ra khỏi nhà, vậy thì làm gì có khách. Sau đó được vài tháng phục hồi thì đỡ hơn”, anh nói với Sputnik hôm 28 Tết.
Anh Tuấn nói rằng đợt thứ 3 Việt Nam phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đúng vào những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại, về quê nhiều, nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập.
“Cả năm trời túc tắc, cứ tưởng những ngày Tết sẽ rất đông khách. Nhưng đùng một phát dịch nổi lên, người dân mình cũng hạn chế đi lại hẳn. Ý thức cộng đồng của mình tốt, như thế cũng giúp cho Nhà nước trong công tác chống dịch, nhưng những người làm dịch vụ nói chung đều sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều”.
“Có hôm tôi nhận chở đào cho người ta từ Lạc Long Quân về Trần Thái Tông. Quãng đường không xa mà bao nhiêu cảm xúc dâng lên lẫn lộn, vừa nghĩ không biết bố mẹ ở nhà đã chọn được cây đào quất gì ưng ý chưa, vừa nghĩ đến cảnh đến 30 mới về mà cảm thấy chạnh lòng. Những ngày này thanh niên trai tráng ở nhà thì đỡ được cho bố mẹ nhiều việc”.
Anh Tuấn chia sẻ Grab có chương trình treo thưởng cho các đối tác tài xế làm việc xuyên Tết với mức lương thưởng đặc biệt cao. Nhưng với anh, Tết vẫn là ngày ý nghĩa, ngày người con xa nhà trở về sum vầy với anh em, bố mẹ, họ hàng, gửi đến nhau những lời chúc như động lực cho một năm mới.
“Không thể vì thưởng cao mà ở lại làm cả Tết được, lòng mình sao cho phép. Bố mẹ ở nhà trông mong cả năm trời, là con cái trên hết vẫn là chữ hiếu”.
May mắn vì vẫn có Tết
Cô Nguyễn Thị Thanh, quê ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nhân viên dọn dẹp ở Xuân La, Tây Hồ, chia sẻ với Sputnik về công việc những ngày giáp Tết:
“Có mấy người dọn cả tòa chung cư, sảnh vườn lớn nên Tết không thể về hết mà phải chia ca ra. Năm nay cô làm đến 30 thì năm sau cô làm mùng 1, 2, 3 Tết. 12 tiếng một ngày liên tục lau dọn, được nghỉ ăn cơm 45’, chỗ nào cũng có camera, họ sẽ kiểm tra qua đó”.
Cô Thanh cảm thấy mình may mắn vì vẫn có Tết. Theo dõi thời sự, cô cảm thấy cảm phục tinh thần những người dân Chí Linh (Hải Dương), Vân Đồn (Quảng Ninh) chấp nhận ở trong nhà, hạn chế ra ngoài và cả những người sẵn sàng ở lại Hà Nội vì an toàn của cộng đồng.
“Năm nay cô thấy được về là may mắn rồi. Ở nhà đã có chồng, con trai, con gái, con dâu san sẻ việc nhà, làm đỡ hết cho vợ, cho mẹ. Nhiều đêm thao thức suy nghĩ cũng rất buồn nhưng mọi người ở nhà động viên nên cô cũng yên tâm làm việc”.
“Những ngày này mọi người trong nhà đều về hết rồi, còn mình cô vẫn làm việc ở Hà Nội nên cũng thấy rất nóng ruột, mong mỏi đến ngày về. Nhưng đã ký hợp đồng với công ty, mình lúc nào cũng phải có trách nhiệm hoàn thành công việc”.
Cô Thông chia sẻ có người bạn làm lao công ngoài đường, còn vất vả hơn nhiều. Nhiều rác, nhiều xe cộ xung quanh, lúc nào cũng phải đẩy chiếc xe rác rất nặng, đường sá bụi bặm, ồn ào nhưng vì tinh thần làm việc thì ai cũng sẽ vượt qua.
“Về quê đón Tết” – 4 tiếng tưởng chừng đơn giản nhưng với nhiều người, đó là thời điểm ý nghĩa, thiêng liêng nhất trong năm, là “đích đến” sau nhiều nỗ lực, chông gai, gian khó, vất vả của 365 ngày.
* Tên nhân vật đã được thay đổi