Gần 1 năm chờ vé máy bay về nước để làm thủ tục kết hôn
Chị Vũ Thị Vân, du học sinh Việt Nam ở Incheon (Hàn Quốc), quen chàng trai Hàn Quốc Lee Jong Hyun 3 năm trước. Trong một lần chị Vân đi siêu thị về xách đồ nặng, anh Jong Hyun, sống gần nhà, đã trông thấy và ra xách hộ. Đấy chính là cơ duyên giúp cho cặp đôi trai Hàn – gái Việt có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, làm quen và trở thành người yêu của nhau.
Cuối tháng 12/2020, sau gần một năm chờ đợi chuyến bay về Việt Nam để làm thủ tục kết hôn, chị Vân nhận được vé máy bay do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cấp và về nước trên chuyến bay giải cứu.
“Đợt bùng dịch bên Hàn hồi tháng 3, mình đã xin bảo lưu về Việt Nam vừa để làm thủ tục kết hôn, vừa để tránh dịch nhưng vé bị hủy. Chỉ còn cách đăng ký vé máy bay ở chỗ Đại sứ quán nhưng cũng phải chờ tới 4 tháng vì lượng người đăng ký đông”, chị Vân nói với Sputnik.
Về nước ngày 21/12, chị Vân thực hiện cách ly tập trung ở Đồng Nai 14 ngày, sau đó về Hải Dương cách ly tiếp tại nhà 14 ngày theo quy định phòng, chống dịch của Việt Nam.
Cô gái quê ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương không thể ngờ, không lâu sau đó, Cẩm Giàng trở thành điểm nóng nhất về dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tính đến sáng 6/2, huyện này đã có 10 bệnh nhân Covid-19. Các ca nhiễm liên quan đến hàng chục quán karaoke, các bữa tiệc và lịch trình di chuyển phức tạp của nhiều bệnh nhân.
Trước đó, chị Vân (sinh năm 1993) cho biết dự định về Việt Nam khoảng nửa năm, vì thời gian đăng ký làm visa kết hôn phải mất đến 4-5 tháng.
“Mình và bạn trai (sinh năm 1988) rất muốn được về Việt Nam cùng nhau lần này để anh Hyun có thể ra mắt gia đình mình luôn. Nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp, Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho người Hàn Quốc sang thăm thân nên mình đành phải về nước một mình”.
Tuy nhiên, liên quan đến tình hình dịch Covid-19, chị Vân cho biết thủ tục xin visa kết hôn của chị có thể kéo dài hơn.
“Bạn trai mình rất lo lắng dù biết rằng Việt Nam chống dịch rất cẩn thận, nhanh chóng, nhưng ở chỗ mình đã xuất hiện ca nhiễm, lại cách không xa điểm nóng Chí Linh nên anh Hyun ngày nào cũng nhắn tin nhắc mình hạn chế ra đường, tốt nhất là ở nhà”.
Về tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc, chị Vân chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, trung bình một ngày có thêm khoảng 200-300 ca mắc Covid-19, Incheon thì khoảng vài chục ca. Còn đợt cuối tháng 12 khi mình mới về thì phải 1.000 ca/ngày”.
Tặng đồ ăn Hàn Quốc nhân ngày Valentine
Valentine và Tết đều xác định không được ở bên nhau, nên anh Lee Jong Hyun đã chuẩn bị quà bên Hàn để gửi về Việt Nam cho người yêu.
“Dù xác định trước rồi nhưng mình vẫn rất buồn, ngày quan trọng lại không được ở bên nhau. Anh Hyun thì sống một mình vì bố mẹ mất rồi. Những năm trước, Tết, Valentine nào bọn mình cũng ở bên nhau, thường thì lái xe đi chơi, ăn uống rồi mua sắm”.
Chị Vân cảm nhận Tết bên Hàn so với ở Việt Nam khá mờ nhạt, vì ngày Trung Thu mới là ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc. Thường thì Trung Thu sẽ được nghỉ 5 – 7 ngày, Tết thì 3 – 4 ngày còn Noel thì chỉ 1 ngày.
Chị cho biết ngày Valentine năm nay hai người sẽ dành nhiều thời gian gọi điện video cho nhau để tâm sự.
“Mình nhận được quà Valentine trước mấy ngày rồi. Bất ngờ là anh ấy không chỉ gửi socola, đồ ăn vặt, mà còn cả mì tôm Hàn Quốc. Vì bên đó mình cũng thích ăn mì tôm”.
Chị Vân không cảm thấy có quá nhiều khác biệt văn hóa khi yêu một người Hàn Quốc.
“Mình thì tiếng Hàn chưa phải quá giỏi nên cũng có những lúc muốn diễn đạt ra ý tứ mà không được. Nhưng mình vẫn đang cố gắng học tiếng Hàn hàng ngày, anh Hyun cũng bắt đầu học tiếng Việt. Ngoài ngôn ngữ thì mọi thứ rất ổn. Mình cũng thích đồ ăn Hàn Quốc. Anh Hyun là người chu đáo, tốt bụng, hiền lành, ga lăng và cũng không gia trưởng như những gì mình từng nghe về con trai Hàn Quốc. Mọi việc trong nhà gần như anh ấy đều tham gia và chia sẻ với mình dù công việc khá bận rộn”.
Chị Vân mong muốn sớm hoàn tất thủ tục kết hôn, đồng thời Việt Nam và Hàn Quốc sẽ khống chế được đại dịch trong năm nay để hai bên có thể đi lại đất nước của nhau và tổ chức đám cưới.
Đã quá quen với việc yêu qua màn hình
Trong đợt thực tập ngành học thạc sĩ tại Việt Nam, anh Quentin Desmet (sinh năm 1998), quốc tịch Pháp, tình cờ gặp gỡ cô gái Việt Nam Dứa Hải Yến (sinh năm 1996). Qua nhiều lần trò chuyện, đi chơi, hai bên tìm ra nhiều điểm tương đồng và chính thức trở thành một nửa của nhau.
“Anh Desmet vô vùng thích Việt Nam, sau đó lại yêu mình, nên đã quyết định quay lại Pháp hồi tháng 1/2020 để xin sang Việt Nam nghiên cứu tiếp từ tháng 4-10/2020, nhưng tháng 3 dịch bắt đầu bùng phát, sau đó lan ra khắp châu Âu. Từ đấy đến nay, bọn mình vẫn chưa gặp lại nhau”, Yến nói với Sputnik.
Chị Yến cho biết người yêu mình đã quyết định bay sang Lào vì khi đó nước này chưa có ca mắc Covid-19, cùng với khả năng Việt Nam sẽ mở đường bay cho Lào đầu tiên, nhưng kết quả không như những gì cặp đôi mong đợi.
“Bọn mình cứ tự nhủ tháng 5 sẽ mở cửa, rồi lại chờ đến tháng 6, tháng 7… nhưng dần dần cũng không nghĩ đến nữa vì tình hình dịch bệnh của cả thế giới ngày càng trầm trọng. Pháp có lúc đứng thứ 3, thứ 4 những nước có nhiều ca mắc, ca tử vong nhất thế giới. Lệnh phong tỏa được áp đặt liên tục, mọi nơi. Việt Nam thì hết Đà Nẵng giờ lại đến Chí Linh, Vân Đồn, bọn mình đã quen với việc không được ở cạnh nhau”.
“Bọn mình đã quá quen với việc yêu qua màn hình. Thi thoảng, bọn mình ai đi mua sắm lại gọi video để chọn đồ cho nhau nhưng năm nay chắc không thực hiện được. Vì Valentine năm nay trùng vào ngày Tết, nên mình rất bận rộn chuẩn bị cơm nước, đi chúc họ hàng, nên hai đứa chỉ dự định gọi điện video cho nhau thật lâu rồi cùng nhau xem một bộ phim tình cảm”.
Ước sức khỏe nhân ngày Valentine
Yến cho biết vì quen nhau lâu rồi nên thói quen tặng quà cũng bớt rườm rà, chị cũng không phải người quá chú trọng quà cáp, màu mè. Cộng thêm việc, ngày Valentine bên Pháp không phải một ngày quá đặc biệt, các cặp đôi thường chỉ đi ăn nhà hàng, đi xem phim hoặc đi chơi.
“Dù bị xa cách bởi dịch bệnh, nhưng với mình điều đó cũng không đáng buồn. Bọn mình luôn tìm mọi cách làm cho nhau vui vẻ, để luôn cảm thấy có nhau. Mình là một người ăn chay, anh ấy cũng thế, rồi nhiều thói quen sinh hoạt khác hoặc quan điểm sống cũng khá giống nhau. Tình cảm hai đứa ngày một tăng lên nên dường như khoảng cách cũng không cản trở được gì”.
Chị Yến cho biết bạn trai tin tưởng và đánh giá cao cách ứng phó dịch của Việt Nam. Anh nhận xét chính phủ Việt Nam hành động rất nhanh chóng, quyết liệt, khoanh vùng, dập dịch tốt nên khống chế được dịch, không để lan rộng như Pháp.
“Với bọn mình, bây giờ ngày nào cũng có thể coi là Valentine vì vẫn yêu thương nhau, lo lắng cho nhau như vậy, thậm chí là ngày một nhiều lên. Dịch bệnh nguy hiểm thế này, Valentine hay ngày nào ngủ dậy cũng chỉ mong người kia không chẳng may tiếp xúc với ca mắc hay mắc bệnh, vì nhiễm bệnh rồi không được ở bên nhau thì không biết thế nào”.
Chị Yến cho biết chị và anh Desmet hiện giờ chỉ mong cả hai có sức khỏe tốt, tập trung phát triển công việc và sớm đến ngày gặp lại nhau.
“Trước đây, chưa có dịch bệnh, bọn mình có khá nhiều dự định, mơ ước. Chẳng hạn cưới nhau, đi du lịch nhiều nơi hay mua một chiếc xe van để đi xuyên Việt, rồi là sang châu Âu đi xuyên châu Âu. Nhưng giờ, mình chỉ mong anh ấy đi tàu điện ngầm đi làm không bị nhiễm bệnh, hoặc anh ấy mong mình bay từ TP.HCM về Hà Nội ăn Tết không bị cách ly. Ước mơ chỉ nhỏ nhoi vậy thôi”.
Những cặp đôi bị chia cách vì dịch Covid-19 như chị Vân – anh Hyun, chị Yến – anh Desmet không ít. Dù mỗi người một đất nước, mỗi người một châu lục, thì giờ phút này, họ đều có chung một mong muốn: thế giới sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch để cuộc sống và sức khỏe của con người được đảm bảo và quay trở lại như trước.