Giờ đây, kim đồng hồ dừng lại ở giây thứ 100 trước con số 12 - gần với mốc này hơn bao giờ hết, như tin đưa của kênh truyền hình Thụy Sĩ SRF.
Khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden được đặt câu hỏi trước cuộc bầu cử, liệu ông có lo sợ xung đột hạt nhân hay không, im lặng một khoảng dài ông mới đáp lại như sau: "Có. Tình hình đang hết sức nguy kịch". Biden cũng lưu ý rằng ông lo ngại rằng "ai đó sẽ đánh giá sai tình hình và bất ngờ sử dụng bom hạt nhân".
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nước tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, thỏa thuận có hiệu lực kể từ tháng Giêng. Tuy nhiên, cho đến nay, chính những chính phủ sở hữu vũ khí hạt nhân đã không lắng nghe lời kêu gọi của ông và thay vì giảm bớt vũ khí, họ lại đang tích cực chế tạo vũ khí.
Bản thân Joe Biden cũng không ủng hộ việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Hoa Kỳ đang đầu tư hàng tỷ USD vào vũ khí hạt nhân hiện đại, và Nga cũng đang làm như vậy. Tuy nhiên, cả hai nước vào thời điểm cuối cùng đã gia hạn thỏa thuận vũ khí hạt nhân START-3. Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù tuyên bố không có ý định thống trị thế giới, cũng đang tích cực chế tạo vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan cũng đang làm như vậy, sau nữa là Triều Tiên.
Trong những năm tới, vòng tròn các cường quốc hạt nhân có thể mở rộng
Không loại trừ rằng Iran và Saudi Arabia sẽ tham gia vòng tròn này. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng chiến thuật gây áp lực tối đa với Tehran, do đó Iran đang tiến gần đến việc chế tạo bom hạt nhân hơn bao giờ hết. Hiện Washington đang phát đi tín hiệu cho Tehran biết rằng Washington muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng cả hai bên đều yêu cầu bên kia phải đi bước đầu tiên.
Trong trường hợp của Triều Tiên, thật ngây thơ khi tin rằng lãnh đạo đất nước này sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kết quả tốt nhất mà Washington có thể đạt được ở đây là thỏa thuận về việc chế kho vũ khí của Triều Tiên, theo nhận định của các chuyên gia.
Hai nước Hoa Kỳ và Nga cộng lại sở hữu 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Matxcơva và Washington có thể cho phép mình thực hiện các bước giải trừ vũ khí quan trọng mà không ảnh hưởng đến tiềm năng răn đe của họ. Dưới thời Biden, Mỹ có thể đưa ra sáng kiến thích hợp, và Nga cũng vậy, phóng viên SRF bày tỏ tin tưởng.
Cuộc chạy đua hạt nhân đang ở giai đoạn tích cực nhất
Ngoài ra, Mỹ muốn bằng mọi cách lôi kéo Trung Quốc tham gia thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí, nhưng Bắc Kinh kiên quyết từ chối các sáng kiến như vậy. Theo các chuyên gia, Trung Quốc làm như vậy cũng có cơ sở, vì nước này không có vũ khí hạt nhân tầm xa, nên Bắc Kinh đang tích cực xây dựng tiềm lực quân sự của vũ khí hạt nhân tầm trung. Càng được trang bị vũ khí mạnh, Trung Quốc càng hung hãn, và càng khiến cho Nhật Bản hay Hàn Quốc mong muốn sớm có vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tất cả những điều này sẽ được đem ra bàn bạc vào mùa hè tại hội nghị đặc biệt của Liên hợp quốc về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1970.