Tại Hà Nội, Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu xác định nguyên nhân tử vong, giải mã gen tìm chủng virus corona để truy vết nguồn lây, tìm F0 sau trường hợp chuyên gia Nhật Bản tử vong mắc Covid-19 ở khách sạn Somerset Westpoint.
Trong khi đó, từ ngày 16/2 đến 3/3, tức là trong thời gian giãn cách xã hội tại Hải Dương, thành phố Hải Phòng sẽ dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng.
Việt Nam thêm 40 ca dương tính SARS-CoV-2
Thông báo lúc 18h ngày 16/2 của Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 40 bệnh nhân mới mắc Covid-19 tại Hải Dương (38 ca), Hà Nội (1 ca) và Quảng Ninh (1 ca).
Bệnh nhân 2272 tại Quảng Ninh, là F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 16/2 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh viện số 2 Quảng Ninh đang điều trị cho bệnh nhân này.
Bệnh nhân 2273 tại Hà Nội, là F1 đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 15/2 cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đang điều trị bệnh nhân này.
Các bệnh nhân số 2274-2311 tại Hải Dương. Trong đó, 34 ca là F1 đã được cách ly trước đó và 4 người là chùm ca bệnh cùng gia đình, được phát hiện nhờ quy trình giám sát sốt, ho trong cộng đồng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra dịch tễ với các bệnh nhân này. Bệnh viện dã chiến số 2 (Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) điều trị cho số bệnh nhân trên.
Từ 27/1 đến 18h ngày 16/2, Việt Nam đã ghi nhận 719 bệnh nhân Covid-19 ngoài cộng đồng. 13 tỉnh, thành phố có dịch bao gồm Hải Dương (539 bệnh nhân), Quảng Ninh (60), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Về vị chuyên gia người Nhật Bản mắc Covid-19 và tử vong tại khách sạn ở Hà Nội, cả 432 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần đều cho âm tính, 113 mẫu chưa có kết quả.
Tại TP.HCM, lực lượng y tế sẽ tiến hành lấy ngẫu nhiên 200 mẫu xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày với hành khách từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng) khi tới Tân Sơn Nhất.
Tình hình dịch tại Hải Dương đang có chiều hướng phức tạp trở lại, đặc biệt là ở huyện Cẩm Giàng. Đây cũng là tỉnh ghi nhận nhiều người nhiễm bệnh nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh, có những trường hợp mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn lây.
Kể từ 0h ngày 16/2, Hải Dương thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Người vi phạm 5K sẽ bị xử lý nghiêm, được đưa đi cách ly tập trung và yêu cầu tự trả phí. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ công bố tên người vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng.
Hải Phòng tạm ngưng nhận công dân, hàng hóa từ Hải Dương
Ngày 16/2, tại cuộc làm việc với 5 huyện giáp ranh tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng - trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, đã yêu cầu TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng trong thời gian tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội từ ngày 16/2 đến 3/3.
Nếu có công dân tỉnh Hải Dương cố tình về Hải Phòng, trong trường hợp bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly tập trung của thành phố và phải trả chi phí cách ly.
Người đứng đầu thành phố cũng yêu cầu công dân Hải Phòng không đi đến tỉnh Hải Dương. Trong trường hợp cần thiết đi Hải Dương phải có giấy xác nhận của chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Sau khi trở về địa phương, phải vào cách ly tập trung tại khu cách ly của thành phố và phải chi trả chi phí cách ly.
Với các lái xe chở hàng đi Hải Dương, phải có giấy xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp lái xe nào nếu cố tình về nhà sẽ bị buộc vào nơi cách ly tập trung và phải chi trả phí cách ly.
Chủ tịch TP Hải Phòng cũng yêu cầu dừng các phương tiện chở người từ Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương. Các xe chở hàng hóa và chở khách đi các địa phương khác ngoài tỉnh Hải Dương phải đi và về theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 10.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị của TP Hải Phòng không được làm việc với người từ các địa phương có dịch về Hải Phòng.
TP Hải Phòng cũng tạm dừng hoạt động của các nhà hàng dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát, rạp chiếu phim từ 20h ngày 16-2 cho đến khi có thông báo mới.
Các trung tâm thương mại và siêu thị chỉ được phép bán các mặt hàng thiết yếu, không kinh doanh dịch vụ văn uống, cà phê, giải khát và vui chơi giải trí.
Lãnh đạo Hà Nội nói về quy định giãn cách xã hội, đóng cửa nhà hàng, quán cà phê
Chiều 16/2, đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đi kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Tây Hồ, nơi vừa ghi nhận trường hợp người đàn ông Nhật Bản tử vong mắc SARS-CoV-2.
Thông báo với Bí thư Vương Đình Huệ, ông Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, sau khi có thông tin về bệnh nhân người Nhật Bản tử vong ở khách sạn Somerset Westpoint, phường Quảng An, Quận Tây Hồ đã phối hợp với các ngành chức năng khoanh vùng, cách ly, điều tra nguyên nhân tử vong.
Ông Tuấn cho hay, Quận cũng khẩn trương truy vết, xác định các trường hợp F1, F2 để thực hiện cách ly kịp thời. Tính đến nay đã ghi nhận 2 F1 của ca bệnh 2229 dương tính với Covid-19.
Toàn quận Tây Hồ hiện có 94 trường hợp F1 cũng liên quan đến hai bệnh nhân này. Bên cạnh đó, quận còn có 355 trường hợp F2, 267 trường hợp F3 và 260 trường hợp về từ vùng dịch hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin cho hay, tính từ 25/1 đến nay, Hà Nội đã có 35 ca mắc SARS-CoV-2.
Ông Hiền cũng cho biết, lực lượng y tế, chức năng cũng xét nghiệm gần 50.000 mẫu liên quan đến các trường hợp F1, F2, các trường hợp đi về từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh và toàn thể cán bộ, nhân viên sân bay Nội Bài.
Nói về trường hợp bệnh nhân Covid-19 người Nhật đã tử vong, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, Sở Y tế đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệm 422 người liên quan đến khách sạn Somerset Westpoint và 88 mẫu tại Công ty Mitsui Việt Nam, đều cho kết quả âm tính.
“Sở sẽ phối hợp với TP Hồ Chí Minh để rà soát lại toàn bộ quá trình cách ly đối với bệnh nhân người Nhật tử vong, phối hợp với tổ thông tin truy vết của Bộ Khoa học và Công nghệ để tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, phối hợp với Bộ Y tế, Viện vệ sinh Dịch tễ để xác định nguyên nhân tử vong cũng như phân tích chủng virus”, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
Giải thích cụ thể hơn về yêu cầu đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè từ 0h ngày 16/2, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo, phòng chống Covid-19 của Hà Nội cho biết, thành phố chỉ yêu cầu chỉ đóng cửa các quán ăn đường phố, ngồi ngoài vỉa hè.
“Còn các cơ sở, nhà hàng kinh doanh ăn uống trong nhà đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch (đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn, có tấm che) thì vẫn được hoạt động và khuyến khích hình thức bán mang về nhà”, ông Dũng khẳng định.
Làm rõ nguồn lây Covid-19 liên quan chuyên gia Nhật tử vong
Phát biểu hôm nay, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, quận Tây Hồ, quản lý khách sạn phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định về việc phong tỏa, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh việc quan trọng hàng đầu là phải khẩn cấp truy vết kỹ càng, xét nghiệm để xác định chính xác bệnh nhân số 2229 lây từ nguồn nào theo tinh thần “phải chạy đua với thời gian để trả lời những câu hỏi này”.
“Tôi đề nghị các đồng chí phải chạy đua với thời gian để trả lời những câu hỏi này. Ngoài ra, phải theo dõi sức khỏe toàn bộ những người liên quan, người lưu trú tại khách sạn đang thực hiện cách ly, bảo đảm thật tốt điều kiện ăn uống, chăm sóc y tế cho từng trường hợp”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Bí thư Huệ, trước hết thành phố cần làm việc với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và liên hệ chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân tử vong, giải mã gen xác định chủng virus để từ đó giúp xác định nguồn lây, truy vết được F0 để tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch.
“Tuy nhiên, trong khi chưa xác định được chính xác nguồn lây thì phải dự liệu ở trường hợp xấu nhất là phát sinh tại Hà Nội để có chiến lược, sách lược phù hợp. Bất luận trong trường hợp nào cũng phải làm kỹ lưỡng, thận trọng nhưng cũng phải thần tốc”, Bí thư Hà Nội nói.
“Đối với tất cả các trường hợp trở về Hà Nội từ tỉnh Hải Dương, cần phải khai báo y tế theo mẫu in trên giấy, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe và được tổ dân phố, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng theo dõi, đối với các trường hợp đã từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/1 cần lấy ngay mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe theo quy định”, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Cùng với đó, kể từ 0h ngày 16/2/2021, thành phố chỉ đạo tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới.
Cùng với đó, các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán internet, bar, karaoke, club, tiệm massage theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội.