"Vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, - Giáo sư Kolotov nói. - Xuất hiện sự căng thẳng trong ván cờ địa chính trị, vốn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, trên cùng một bàn cờ có một số tay chơi cùng tham gia, cả trong khu vực và toàn cầu. Điểm mấu chốt là thành công của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước do Hà Nội thực hiện hoàn toàn không phù hợp với Bắc Kinh, vốn nhìn thấy mối đe dọa với lợi ích của chính họ đằng sau sự vững mạnh của Việt Nam. Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo Bắc Kinh "xuất binh" theo hướng Tây Nam, thực hiện cuộc đảo chính quân sự ở Campuchia".
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã quay sang hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở chống lại Liên Xô, và dàn dựng các cuộc khiêu khích vũ trang ở cả biên giới phía bắc và phía nam của mình. Việc đàn áp các lực lượng thân Trung Quốc tích cực diễn ra ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và khi nói đến thí nghiệm đẫm máu nhất của Trung Quốc - ở Campuchia, thì các nước phương Tây tỏ ra thực sự o bế chế độ Pol Pot. Có thể nói một cách chắc chắn chính sách của Trung Quốc lúc bấy giờ mang tính chất phá hoại rõ rệt và gây thiệt hại lớn cho phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.
Campuchia dưới thời Pol Pot về cơ bản đã trở thành một quốc gia nằm dưới sự bảo hộ của Trung Quốc, và người dân phải trả giá đắt cho cuộc thử nghiệm này. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Bắc Kinh là đe dọa nước Việt Nam thống nhất từ phía nam. Các cuộc khiêu khích vũ trang của Pol Pot, tấn công vào các khu định cư ở biên giới Việt Nam, giết hại dân thường đã buộc Việt Nam phải đưa quân đội sang Campuchia để chấm dứt chế độ đẫm máu.
Bắc Kinh cố gắng một cách vô ích để "trừng phạt" Việt Nam
"Sau đó, ở Bắc Kinh, người ta quyết định trừng phạt Việt Nam, sắp xếp "buổi trình diễn" chứng tỏ việc không nên chống lại lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Trung Quốc vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 cho thấy không có bài học nào được dạy ở đây cả".
Trước đó, tháng 11 năm 1978, tại Moskva, các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước. Điều 6 của văn bản quy định hai bên sẽ tham vấn với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Trong trường hợp một trong hai nước trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai bên sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa. và thực hiện các biện pháp hiệu quả thích hợp đảm bảo hòa bình và an ninh quốc gia.
Theo điều khoản của Hiệp ước, một nhóm chỉ huy quân sự Liên Xô được khẩn cấp gửi đến Hà Nội, và Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp nhận các lô vũ khí hiện đại. Tàu chiến Liên Xô tập trung hiện diện ở khu vực Biển Đông, qua đó ngăn cản Hạm đội Phương Nam Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược. Trên lãnh thổ Mông Cổ giáp giới Trung Quốc, diễn ra rầm rộ cuộc tập trận của 29 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn không quân của Lực lượng vũ trang Liên Xô.
Chính Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học
Cuộc chiến tranh gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Cũng cần lưu ý đến luận điểm lưu hành trên các trang tuyên truyền của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã thắng trong cuộc chiến năm 1979. Ngược lại, Hà Nội tin rằng chính Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học, và khẳng định lại việc Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành quốc gia hạng hai, cần phải lắng nghe chăm chú những lời dạy dỗ từ Bắc Kinh.
Sau cuộc chiến đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng là sự căng thẳng đối đầu. Nhưng dần dần, do Liên Xô suy yếu, cùng với việc lên nắm quyền ở Trung Quốc của một thế hệ lãnh đạo mới, định hướng lại chính sách Trung Quốc xây dụng nền kinh tế thiên về xuất khẩu, bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước phương Tây và với những nước láng giềng gần gũi nhất, quan hệ Trung - Việt bắt đầu thăng bằng dần trở lại. Tình hình hiện nay có đặc điểm là trong những lĩnh vực mà Trung Quốc và Việt Nam không có mâu thuẫn gì lớn, thì hai nước hợp tác rất hiệu quả. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tất nhiên, quan hệ mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam vô cùng có lợi cho cả hai nước. Và điều hữu ích nhất là bỏ qua những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ để cùng tiến lên, phát triển quan hệ với nhau và với các nước khác trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không bỏ qua luật pháp quốc tế. Nhưng dư âm nặng nề từ những sự kiện tháng 2 - 3 năm 1979 vẫn còn đó, - chuyên gia Nga kết luận.