Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, việc phát thẻ đi chợ cho người dân được UBND các xã, phường có chợ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý chợ. Với mục đích phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết, các hộ kinh doanh cố định và bán cố định được cấp thẻ ra vào chợ có thời hạn cụ thể. Các hộ dân được cấp thẻ đi chợ theo ngày chẵn và lẻ, mỗi hộ 5 thẻ, tương ứng 15 ngày và tự điền địa chỉ, số điện thoại vào thẻ. Thẻ có giá trị sử dụng một lần/chợ bất kỳ tại TP Chí Linh. Sau đó, Ban quản lý chợ hoặc tổ quản lý sẽ thu lại thẻ, lưu theo ngày, phục vụ điều tra dịch tễ trong trường hợp cần.
Đây là biện pháp cũng từng được Đà Nẵng áp dụng trong đợt dịch tháng 7/2020. Theo ông Kiên biện pháp này là một trong những cách nhằm giãn cách xã hội, phòng chống Covid-19, nhưng vẫn tạo điều kiện để người dân buôn bán, kinh doanh. Chỉ những hộ kinh doanh buôn bán mặt hàng thiết yếu mới được mở cửa. Các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tạm thời vẫn đóng cửa đến khi có thông báo mới của tỉnh Hải Dương.
Ngoài ra, Ban quản lý chợ hoặc UBND xã, phường nơi có chợ cũng sẽ sắp xếp vị trí kinh doanh trong chợ đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định phòng dịch và đường ra chợ thông thoáng, tránh ùn tắc; bố trí lực lượng phun khử khuẩn hàng ngày tại chợ... Các trường hợp buôn bán vi phạm quy định về phòng, chống dịch sẽ bị lập biên bản và xử phạt.
Vào ngày 28/01, TP Chí Linh đã phát hiện ra ổ dịch tại Công ty Poyun, phường Cộng Hòa với hơn 70 ca nhiễm. Theo chỉ thị 15, TP Chí Linh phải phong tỏa, toàn tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội theo. Tuy nhiên đến tận ngày 15/02, dịch vẫn lan ra 11/12 đơn vị hành chính cấp huyện, với 499 ca bệnh, Hải Dương cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2.
Bí thư Hà Nội: 'thần tốc' tìm nguồn lây ca bệnh Nhật Bản
Trong khi đó tại Hà Nội, Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị liên quan sớm có câu trả lời về nguồn lây của bệnh nhân Nhật Bản để có phương án phòng, chống phù hợp. Chiều 16/02, Bí thư Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra khu vực khách sạn Somerset West Point (phường Quảng An, quận Tây Hồ), nơi đang phong tỏa do phát hiện hai người Nhật Bản mắc Covid-19 là BN2229 và BN2240.
Đặc biệt với trường hợp BN2229 người Nhật, đến nay chưa xác định được nguồn lây nhiễm và nguyên nhân tử vong. Trong khi, 2 trường hợp F1 của bệnh nhân này đã chuyển thành F0 (BN2234 và BN2240) khiến tình hình dich tễ trở nên phức tạp hơn. Chính vì thế, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn cấp truy vết kỹ càng, xét nghiệm để xác định chính xác nguồn lây nhiễm cho bệnh nhân là từ đâu, từ Nhật Bản, từ TP HCM, trên đường ra Hà Nội hay tại Hà Nội.
Đồng thời, ông Huệ đánh giá việc xác định chính xác nguồn lây là khó, "nhưng bắt buộc chúng ta phải trả lời" để có phương án phù hợp trong việc truy vết, khoanh vùng, phòng chống dịch. Ông giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phối hợp với TP HCM, Bộ Y tế, tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Bộ Khoa học và Công nghệ... để sớm có câu trả lời chính xác. Trong khi chưa xác định được chính xác nguồn lây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phải dự liệu ở trường hợp xấu nhất để có các giải pháp phòng ngừa kịp thời, chặt chẽ.
Bắc Ninh cấm cán bộ, công chức ra tỉnh ngoài vì việc riêng
Cũng từ ngày hôm nay 17/02, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước ở Bắc Ninh không được tham quan, du lịch, việc riêng ra tỉnh ngoài. Đối với các trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của người đứng đầu. Lãnh đạo các tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị mình. Quy định này được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra vào chiều ngày 16/02 và bắt buộc với cán bộ, công chức trên địa bản tỉnh, nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, ngoài yêu cầu trên, người từ tỉnh ngoài (thuộc khu vực có quyết định phong tỏa, giãn cách) đi vào Bắc Ninh cũng phải cách ly tập trung và trả phí. Bắc Ninh cũng tạm dừng tiếp nhận công nhân từ Hải Dương, chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2. Phương tiện vận tải hàng hóa đến từ Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố, tỉnh cho phép mỗi xe chỉ một lái xe được vào tỉnh, có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, hàng hóa, khai báo y tế.
Đối với trường hợp các công nhân quay trở lại làm việc từ các địa phương đang có ca dương tính ngoài cộng đồng, phải khai báo y tế và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với nCoV trong 3 ngày mới được làm việc, sau khi làm việc từ 3 đến 5 ngày sẽ lấy mẫu làm xét nghiệm lần 2. Trước đó ngày 15/02, tỉnh Bắc Ninh cho phép học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học đến hết ngày 21/2, chuyển sang dạy online. Ngoài ra tỉnh cũng dừng toàn bộ lễ hội đầu xuân như hội Lim, hội bà Chúa Kho...Bắc Ninh là tỉnh giáp ranh với ổ dịch Hải Dương và Hà Nội, hiện tại ghi nhận 5 ca Covid-19.