Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông
Vấn đề về Biển Đông những ngày qua thu hút sự quan tâm của quốc tế khi hãng tin AFP ngày 09/02 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, cho biết nước này đã điều tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude đến tuần tra ở Biển Đông, đi cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine. Tại họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến Bộ Ngoại Giao (BNG) chiều ngày 25/02, khi nhận được câu hỏi từ Sputnik yêu cầu bình luận về vụ việc trên, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đáp:
“Tôi xin khẳng định,duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trên Biển Đông phù hợp với công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cho rằng, hoạt động của tất cả các quốc gia trên Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này”.
Trước đây, Pháp đã tiến hành một số cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, gia nhập các nước như Anh và Mỹ trong việc đối phó các hoạt động của Trung Quốc tại đây. Tháng 9/2020, 3 nước Pháp, Anh và Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản bác yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine COVID-19
Ngay sau khi lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên tới Việt Nam, ngày 25/2 Bộ Y tế đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về việc cấp phép cho vaccine, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng được tiêm vaccine COVID-19. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về việc liệu chính phủ Việt Nam có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho người nước ngoài sau khi lô vaccine COVID-19 đầu tiên về tới Việt Nam hay không, Người phát ngôn BNG cho biết:
“Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Văn phòng chính phủ sớm trình Nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine và các đối tượng được ưu tiên. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 Việt Nam, sáng ngày 24/2 vừa qua, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất đầu tiên về các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước…; Người mắc các bệnh mãn tính;Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ".
Việt Nam tích cực đàm phán nhập khẩu Sputnik V
Cũng tại họp báo thường kỳ ngày 25/2, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik việc xem xét khả năng nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 của Nga:
“Hiện Việt Nam đang đàm phán với nhiều nhà sản xuất, nhiều nguồn cung cấp vaccine trên thế giới trong đó có COVAX Facility của AstraZeneca (Anh), Pfizer của Mỹ; với Nga đàm phán mua vaccine Sputnik V để triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Ngày 24/2 vừa qua lô vaccine đầu tiên của Anh đã cập bến Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tập trung nguồn lực cao triển khai nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước theo đúng tiến độ. Bộ Y tế cho biết Việt Nam mong muốn được tiếp cận Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, phù hợp, bảo quản như theo điều kiện của các vaccine thông thường mà Việt Nam đang có".
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 25/02, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế Việt Nam đang tích cực đàm phán với Nga. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vaccine của Nga, phía nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Người Việt tin tưởng vaccine Sputnik V của Nga
Đánh giá về việc nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga, PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết:
"Nếu Vaccine Sputnik-V của Nga đáp ứng được tiêu chí an toàn, hiệu quả và bền vững thì việc Việt Nam nhập được vaccine này là một ưu thế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe cộng đồng . Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, vaccine là phương pháp hỗ trợ còn bản thân chúng ta phải có ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh bằng cách tuân thủ các khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra".
Trong cuộc khảo sát hơn 12.000 người ở 11 quốc gia trong đó có Việt Nam từ ngày 9/10 - 19/10/2020 của YouGov, 73% số người được hỏi sẵn sàng tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Cứ 5 người biết đến vắc xin Sputnik V của Nga, có 4 người bày tỏ mong muốn được tiêm vắc xin này. Riêng tại Việt Nam, Nga được xếp hàng đầu về độ tin cậy trong số các nước sản xuất vắc xin với 36% phiếu bầu, khảo sát của YouGov cho thấy. 94% số người tham gia khảo sát bày tỏ thái độ tích cực đối với việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Sputnik V cũng có độ nhận biết khá cao với người Việt Nam với hơn 55% người được hỏi nói có biết đến loại vắc xin này của Nga.