Đây là kết luận của các nhà khoa học từ Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) và Viện Hóa hữu cơ Thái Bình Dương mang tên G. B. Elyakov, kết quả nghiên cứu đã được bộ phận báo chí của Đại học FEFU công bố.
Paraquat là hợp chất diệt cỏ có độc tính cao đối với động vật và con người. Loại chất này được sử dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ để xử lý cây trồng và diệt trừ cỏ dại. Đồng thời ở hàng chục quốc gia, bao gồm cả Nga, việc sử dụng hóa chất độc hại bị cấm do xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc chết người khi sử dung thuốc diệt cỏ.
Loại nấm này được phân lập từ loại san hô mềm thu thập được ở Biển Đông trong một chuyến thám hiểm trên tàu nghiên cứu Viện sĩ Oparin. Các nhà khoa học Primorie cùng với một nhóm đồng nghiệp nước ngoài đã phát hiện ra rằng hợp chất phân lập từ nấm mốc Penicillium dimorphosporum có thể bảo vệ tế bào khỏi tác động của chất paraquat.
“Trong quá trình nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi đang tìm hiểu chi tiết hơn về cách các phân tử tự nhiên này bảo vệ tế bào. Có thể chúng hoạt động như chất chống oxy hóa, và có lẽ chúng cũng có thể bảo vệ tế bào khỏi các chất độc hại khác”, - bà Olesya Zhuravleva, phó tiến sĩ hóa học, trưởng phòng thí nghiệm hợp chất hoạt tính sinh học tại Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông cho biết.
Ngoài ra, nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng các phân tử hoạt tính của nấm biển có thể tăng cường tác dụng của một số loại thuốc đã biết. Các nhà khoa học dự định sẽ nghiên cứu vấn đề này một cách chi tiết ở những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là tìm hiểu cơ chế bảo vệ tế bào thần kinh của các chất hoạt tính được phân lập, cũng như khả năng kết hợp chúng với các loại thuốc khác.