Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 21 về mua và sử dụng vaccine chống Covid-19, theo đó Việt Nam sẽ mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Người dân Việt Nam đều bày tỏ rất tin tưởng vào tính an toàn và hiệu quả của vaccine “Made in Vietnam” – Nanocovax. Chế phẩm của Việt Nam sinh được miễn dịch với cả biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Anh.
Chính phủ Việt Nam ra Nghị quyết về vaccine Covid-19: 150 triệu liều tiêm cho dân
Ngày 26/2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 21 về mua và sử dụng vaccine chống Covid-19.
Đáng chú ý, Nghị quyết 21 của Chính phủ nêu rõ, cơ chế mua vaccine thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.
Nghị quyết nêu rõ, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại công văn số 50 ngày 19/2/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ thống nhất giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo Nghị quyết mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký thì số lượng vaccine chống Covid-19 của Việt Nam sẽ cần là vào khoảng 150 triệu liều.
“Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn”, Nghị quyết số 21 khẳng định.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết vừa ban hành, Thủ tướng cũng làm rõ nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.
Trong đó, Việt Nam ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 gồm, các cán bộ, nhân viên, người làm việc trong các cơ sở y tế, các đối tượng tham gia phòng chống dịch. Điển hình như thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên. Lực lượng vũ trang như Quân đội và Công an cũng cần được tiêm.
Ngoài ra, nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài. Các cán bộ hải quan, phụ trách công tác xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế cũng được ưu tiên.
Bên cạnh đó, các nhóm ưu tiên tiêm và được miễn phí còn gồm có người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước.
Giáo viên, cán bộ công tác ở các cơ sở giáo dục – đào tạo, người người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người cũng sẽ được tiêm vaccine chống Covid-19.
Các nhóm đối tượng ưu tiên khác gồm người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi, người sinh sống tại các vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng ưu tiêm tiêm miễn phí cho nhóm đối tượng người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
“Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch”, Nghị quyết cũng lưu ý.
Địa bàn nào được tiêm trước vaccine Covid-19?
Đối với vấn đề mua và sử dụng vaccine Covid-19 ở Việt Nam, Nhà nước ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện đang có dịch bệnh do coronavirus gây ra.
Cùng với đó, tại các tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên tiêm trước cho những đối tượng ở vùng đang có dịch.
Thủ tướng nêu rõ trong Nghị quyết rằng cần căn cứ khả năng cung ứng vaccine Covid-19, Việt Nam sẽ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.
Ngân sách cho 150 triệu liều vaccine Covid-19 lấy từ đâu?
Theo Nghị quyết 21 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành, ngoài nguồn Ngân sách Nhà nước, Việt Nam cũng chú trọng đến các nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nghị quyết số 21 nêu rõ, Ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước. Cụ thể, ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý.
Trong khi đó, ngân sách trung ương đảm bảo cho các đối tượng do các cơ quan trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định cụ thể như các tỉnh miền núi, Tây Nguyên sẽ được Trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.
Đối vác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại sẽ có một số lưu ý. Theo đó, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên sẽ chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.
Trong khi đó, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Các trường hợp còn lại là những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì Trung ương sẽ hỗ trợ 50% từ ngân sách nhà nước.
Nghị quyết cũng nêu rõ, các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, Việt Nam còn có thêm các nguồn viện trợ (điển hình như Covax), tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Đồng thời, các nguồn “xã hội hóa” hay những nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả cũng sẽ được chấp nhận.
Nghị quyết số 21 của Thủ tướng Việt Nam có hiệu lực từ ngày ký ban hành, tuy nhiên không đề cập cụ thể thời gian bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 bao phủ cho người dân.
Người dân tin tưởng vaccine “Made in Vietnam”
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, cùng với nguồn vaccine nhập khẩu từ AstraZeneca, Việt Nam hiện cũng đang chờ nguồn vaccine Covid-19 từ chương trình Covax.
Đặc biệt, ngày 25/2 vừa qua, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu thêm hai vaccine Covid-19 nữa là Sputnik V của Nga và Moderna của Mỹ để sử dụng cho nhu cầu cấp bách, phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Bên cạnh hai nguồn viện trợ từ chương trình Covax và nhập khẩu vaccine chống coronavirus của nước ngoài, các chế phẩm vaccine Covid-19 “Made in Vietnam” vẫn đang tiếp tục trong quá trình thử nghiệm và ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, người dân Việt Nam bày tỏ “rất tin tưởng” vaccine do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Hoàn toàn có cơ sở khi các tổ chức quốc tế, giới quan sát từng nhận định không phải Việt Nam ngẫu nhiên chiến thắng đại dịch Covid-19. Cùng với sự hành động, quyết sách đúng đắn, kịp thời và mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, người dân Việt Nam luôn đoàn kết và tin tưởng hoàn toàn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là phương Tây phải chật vật chống lại làn sóng tẩy chay vaccine (antivax) – cuộc chiến về ‘niềm tin’, thì ở Việt Nam, câu chuyện hoàn toàn ngược lại.
Trao đổi tại buổi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Nanocovax trên người giai đoạn hai với sự tham gia của gần 40 tình nguyện viên tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nhiều người dân phát biểu bày tỏ tin tưởng vào vaccine chống Covid-19 của Việt Nam.
TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học – Công nghệ. Bộ Y tế cho biết để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm trên người lần thứ hai, đặc biệt quan trọng này, các tình nguyện viên đều được khám sàng lọc kỹ lưỡng.
Sau khi được tiêm và theo dõi sức khỏe sau tiêm, một tình nguyện viên tên N.M.T (sinh năm 1969) cho biết không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào đối với sức khỏe.
Ông T. cảm thấy “rất tin tưởng và an tâm” với vaccine Covid-19 “Made in Vietnam”. Các tình nguyện viên cũng bày tỏ hy vọng rằng kết quả thử nghiệm thành cong của vaccine Nanocovax có thể được đưa vào sử dụng để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Theo ghi nhận tại hiện trường tiêm, bà Đ.T.N (75 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết bản thân cùng 20 người đồng hương khác đi từ 7h sáng để tham gia khám sàng lọc, nếu đủ điều kiện sẽ ngay lập tức tham gia tiêm chủng.
“Những người tiêm trước đều an toàn, vì thế nên chúng tôi không lo lắng gì”, người phụ nữ chia sẻ.
Vaccine Covid-19 Việt Nam chống được biến chủng virus tại Anh
Theo lãnh đạo Học viện Quân y, đợt tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 Nanocovax giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu là Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đồng thời, dự kiến đợt này sẽ có khoảng 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, độ tuổi từ 18 – 60. Theo GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, qua đăng ký hai ngày gần đây, có tới 200 người, trong đó có cả người cao tuổi và có bệnh lý nền (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1…không quá nặng) tham gia xin thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Nhà chức trách Việt Nam cho biết, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu, có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng.
Tuy nhiên, việc tiêm chủng vẫn phải đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
GS.TS Đỗ Quyết cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách như hiện nay, Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cùng các đơn vị thử nghiệm đã rút ngắn thời gian thử nghiệm. Đến tháng 5 năm nay sẽ có báo cáo sơ bộ kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Trong số các tình nguyện viên tham gia tiêm hôm nay đều là nhóm đủ tiêu chuẩn để tiêm và tiêm cả 3 liều (25mcg, 50mcg, 75mcg), đồng thời sẽ có các trường hợp được tiêm giả dược.
“Lần thử nghiệm này sẽ có sự tham gia của người có bệnh lý nền, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gan…phải chứng minh tính an toàn với người cao tuổi. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi tình huống, luôn đặt tính an toàn lên cao, bảo vệ tính mạng cho các tình nguyện viên”, GS.TS Đỗ Quyết nhấn mạnh.
Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cũng thông tin cho biết, dự kiến tháng 5/2021 tới đây, sẽ có báo cáo sơ kết đánh giá giữa chừng ở giai đoạn 2 để tìm ra liều tối ưu nhất.
Đối với vaccine của Việt Nam, khi bước sang giai đoạn 3 chỉ tiêm duy nhất mức liều đó.
“Nếu mọi thứ diễn ra tốt thì tới tháng 5 sẽ chuẩn bị sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3 số lượng người tham gia thử nghiệm khoảng 10.000-15.000 người”, Giám đốc Học viện Quân y cho hay.
Đáng chú ý, với giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Nanocovax của Việt Nam cho thấy, có kháng thể chống lại chủng virus SARS-CoV-2 của Anh (B.1.1.7). Đơn vị nghiên cứu và thử nghiệm cho hay, giai đoạn 2 này sẽ chú trọng đánh giá kháng thể, đồng thời tìm kháng thể của người tham gia thử nghiệm chống lại biến chủng virus corona Anh và Nam Phi.
“Theo đánh giá sơ bộ, kháng thể sinh ra có thể chống lại virus biến chủng tại Anh. Tuy nhiên, ở giai đoạn 3 sẽ đánh giá sâu hơn về vấn đề này”, Trung tướng Đỗ Quyết nêu rõ.
Trao đổi về vấn đề tiêm giả dược, PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, giả dược là thành phần của rất nhiều vaccine đã tiêm cho cộng đồng.
“Giả dược được sử dụng lần này là tá dược nhôm. Bản thân giả dược an toàn và không ảnh hưởng tới cơ thể”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
PGS.TS Chử Văn Mến bổ sung thêm, mục đích của việc có thêm nhóm tiêm giả dược là để làm đối chứng với nhóm tình nguyện viên có tiêm vaccine, nhằm đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine.
Ngoài ra cũng sẽ giúp tối ưu hóa liều, tìm ra liều sinh đáp ứng miễn dịch tốt nhất.
“Đây cũng là những mục tiêu chính của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Để đảm bảo tính khoa học, trong quá trình tiêm, cả tình nguyện viên hay các y, bác sĩ sẽ không biết được liều tiêm đó là vaccine hay giả dược”, PGS. TS Chử Văn Mến phân tích.
Theo báo cáo của Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen, Nanocovax của Việt Nam an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi.
Có một số biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong tiên lượng của các chuyên gia y tế. Tất cả đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hay các biện pháp y tế khác.
Đáng chú ý, hiệu quả kháng thể của vaccine Covid-19 Việt Nam tăng gấp 4 lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus.