Bộ Y tế cho biết, chiều 19/2, Việt Nam ghi nhận thêm 15 bệnh nhân Covid-19 mới, trong đó có một trường hợp được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Tất cả đều ở Hải Dương.
Hơn 83% ca mắc coronavirus ở Việt Nam dịp này không hề có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng Covid-19. Trong số các bệnh nhân nCoV đang điều trị, có ca tiên lượng tử vong là ca bệnh số 1536.
Liên quan đến tình hình “ngăn sông, cấm chợ” dẫn đến việc giao thương, vận chuyển, hàng hóa ra vào địa phương khó khăn, nhất là tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”, Ban Chỉ đạo đề nghị không thể coi cả tỉnh Hải Dương là vùng dịch, không thổi phồng dịch bệnh, gây hoang mang.
Việt Nam thêm 15 ca Covid-19 mới
Ngày 19/2, bản tin 18h của Bộ Y tế cho biết, chiều nay, Việt Nam có thêm 15 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới lây nhiễm trong nước, tất cả đều ở tỉnh Hải Dương.
Thông tin về các trường hợp nhiễm coronavirus mới (các ca bệnh từ 2348 – 2362), Bộ Y tế cho hay, có 13 ca là F1, đã được cách ly trước đó. Trong số này có một trường hợp được phát hiện trong khu phong tỏa. Bộ Y tế nêu rõ, những trường hợp này không gây nguy hiểm đối với cộng đồng).
Đặc biệt, chiều nay, tại Hải Dương cũng có một ca bệnh mới được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Các cơ quan chức năng khẳng định công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục thực hiện.
Hiện tại, có 7 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh, một bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và 7 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương).
Hải Dương hiện có 5 ổ dịch lớn gồm thành phố Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP.Hải Dương. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ ba tại địa phương này phức tạp và nghiêm trọng hơn hẳn những đợt dịch trước của Việt Nam.
Ngành y tế Việt Nam nhận định, vì biến chủng virus corona nay đã khác, virus SARS-CoV-2 đột biến với tốc độ và thời gian lây lan nhanh hơn nên số ca nhiễm cũng tăng nhanh hơn.
Tính đến 18h chiều nay, Việt Nam đã có tổng cộng 1463 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, trong đó cả nước ghi nhận thêm 770 ca mắc nCoV mới từ 27/ đến nay. Có 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện đang có dịch gồm Hải Dương (590 bệnh nhân), Quảng Ninh (60), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hưng Yên (2) và Hà Giang (1).
Bệnh nhân Covid-19 1536 tiên lượng tử vong
Chiều 19/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tham gia buổi Hội chẩn quốc gia bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng trên toàn quốc qua hình thức trực tuyến.
Cùng tham dự buổi hội chẩn có PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh; GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, GS.TS. Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cùng với gần 100 chuyên gia, cán bộ y tế khác.
3 bệnh nhân nặng được hội chẩn là 3 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Cả 3 bệnh nhân này đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Trong số đó, bệnh nhân 1536 (79 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) được nhận định là trường hợp rất nặng, tiên lượng tử vong do tuổi đã cao. Bệnh nhân đã có hơn 10 năm điều trị tăng huyết áp và tiểu đường. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã huy động mọi phương pháp điều trị cũng như các loại thuốc tốt nhất cho bệnh nhân này.
Được biết, bệnh nhân 1536 từ Mỹ về Việt Nam, nhập viện vào ngày 15/1. Theo chẩn đoán, bệnh nhân mắc viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, kèm theo bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường type 2, suy tim. Bệnh nhân còn bị biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu. Các y bác sĩ đã chỉ định can thiệp ECMO đối với bệnh nhân này.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 1823, 65 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày thứ 12. Bệnh nhân này bị tiểu đường, diễn biến suy hô hấp từ ngày 7/2. Đến 9/2, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và can thiệp ECMO. Hiện bệnh nhân đã thở máy đến ngày 11 và chạy ECMO ngày thứ 6.
Bệnh nhân 1823 có đờm đặc, run cơ nhiều, bụng mềm, chướng vừa, xuất huyết dưới da bụng. Bệnh nhân có 5 lần xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tiên lượng nguy kịch.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương). Bệnh nhân hiện được cho thở máy xâm nhập, có hiện tượng tăng bạch cầu, tiên lượng rất nặng. Đây là ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, là F2, tự cách ly tại nhà. Được biết, F1 của bệnh nhân cách ly tập trung đã âm tính 3 lần.
Về diễn biến bệnh trạng, ngày 17/2, bệnh nhân có sốt cao kèm khó thở, được chuyển vào Trung tâm Y tế Kinh Môn xét nghiệm. Ngày 18/2, bệnh nhân được chuyển viện Bệnh viện dã chiến số 2.
Các chuyên gia tham dự hội chẩn đã thảo luận kỹ về các trường hợp trên để đưa ra ý kiến chuyên môn với từng trường hợp như vấn đề xét nghiệm, cấy vi sinh, huyết học, liều lượng sử dụng thuốc, dinh dưỡng….
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện Việt Nam đang có 714 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trên cả nước. Trong số đó, 83,3% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng; 14,2% trường hợp có biểu hiện nhẹ. 15 bệnh nhân tiên lượng nặng, chiếm 2,1%. Một bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập. Hai ca khác được nhận định nguy kịch, phải can thiệp ECMO.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đề nghị cán bộ y tế bám sát hoạt động, khuyến cáo của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn. Ông cũng yêu cầu toàn thể cán bộ y tế nỗ lực, tận tâm, đảm bảo thời gian và đáp ứng chuyên môn với từng cơ sở y tế tại Hải Dương. Cục quản lý Khám, chữa bệnh và Tiểu ban Điều trị sẽ quản lý, theo dõi việc cử cán bộ đến chi viện cho tỉnh.
Vì sao không thể coi cả tỉnh Hải Dương là vùng dịch?
Chiều 19/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, ở tỉnh Hải Dương tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng chủ yếu cũng chỉ tập trung ở huyện Cẩm Giàng.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ Công tác chống dịch của Bộ Y tế tại tỉnh Hải Dương cho biết, ngay từ đầu ổ dịch Công ty POYUN đã được đóng băng, khóa chặt.
Theo đó, toàn bộ công nhân của công ty đã được đưa đi cách ly ngay trong đêm, ngày hôm sau đã cách ly xã hội thành phố Chí Linh.
“Những ngày gần đây các ca nhiễm mới ở TP. Chí Linh đều là các trường hợp F1, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng”, PGS.TS Trần Như Dương nêu rõ.
Đại diện Bộ Y tế cũng lưu ý, ổ dịch lớn thứ hai của tỉnh là ở Cẩm Giàng, nguồn lây hiện chưa được làm rõ. Mặc dù vậy, tỉnh Hải Dương cũng đã nhanh chóng phong tỏa toàn huyện, cách ly doanh nghiệp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
“Hải Dương đang tập trung toàn lực để dập dịch trên địa bàn này”, vị lãnh đạo khẳng định.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, các lực lượng chống dịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ trên xuống dưới, đều gồng mình chống dịch, không ngừng nghỉ, dù rất mệt mỏi.
Nhờ đó, tỉnh đã truy vết, cách ly tổng cộng trên 14.000 F1 để tách nguồn lây khỏi cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm trên 160.000 mẫu, gần đây đều lấy trên 10.000 mẫu/ngày. PGS.TS Trần Như Dương đánh giá đây là một sự nỗ lực rất lớn.
Khẳng định tình hình dịch bệnh tại thành phố Chí Linh được hoàn toàn kiểm soát, ổ dịch ở Cẩm Giàng “cơ bản được kiểm soát”, TP. Hải Dương cần tiếp tục theo dõi, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng thông tin về việc gần đây số ca dương tính với nCoV của tỉnh chủ yếu là các trường hợp F1, đã được cách ly tập trung, không gây lo ngại cho cộng đồng.
“Chưa đầy 5% còn lại là các ca được phát hiện trong khu vực phong toả (cũng đã được khoanh vùng và triển khai xét nghiệm diện rộng), chỉ có 3 ca là phát hiện qua giám sát trong cộng đồng và cũng đã được khoanh vùng”, ông Cầu nêu rõ.
Tại cuộc họp, liên quan đến việc “ngăn sông, cấm chợ”, vận chuyển hàng hóa (kể cả của doanh nghiệp FDI) cũng được phản ánh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thực tế lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”.
Cùng với đó, việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hóa thiết yếu). Thứ trưởng Hưng cũng nêu rõ, các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lưu thông hàng hóa, nông sản tại Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế…vì vậy cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu rõ.
PGS.TS Trần Đắc Phu phát biểu cho rằng, phải nhận thức đúng đắn về tình hình dịch ở Hải Dương.
“Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất”, ông Phu nói.
Từ đó, vị chuyên gia đề nghị, việc thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, mà cũng không được thổi phồng lên, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.
Trước tình hình này, các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để tránh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương.
“Nhưng điều này không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này”, Thứ trưởng Tuyên khẳng định.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên cổng Thông tin điện tử những vùng dịch người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế.
Điển hình như đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh, không thể “ngăn sông cấm chợ”.
Ngừng việc thu tiền điện trong thời gian giãn cách xã hội ở Hải Dương
Tại tỉnh Hải Dương, ngày 19/2, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã ra thông báo về việc ngừng việc thu tiền điện trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, đơn vị này cho biết hiện đã đóng các quầy thu, ngừng thu tiền tại các quầy thu tiền điện và tại trụ sở.
Ngoài ra, Điện lực Hải Dương cũng cho biết không thực hiện ngừng cấp điện cho các khách hàng khi không thực hiện thanh toán tiền điện trong thời gian cách ly xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công ty đề nghị người dân và khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện qua tài khoản, ví điện tử, giao dịch trực tuyến. Trong trường hợp người dùng không có tài khoản hoặc không thể thanh toán không dùng tiền mặt thì có thể thông qua người thân, bạn bè thực hiện thanh toán hộ.
Đơn vị này thậm chí còn khuyến khích một tài khoản thanh toán cho nhiều hóa đơn tiền điện của khách hàng.
Vaccine Covid-19 Việt Nam sinh miễn dịch mạnh ngang ngửa vaccine nước ngoài
Sáng nay, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) đã họp thẩm định kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen.
Phó giám đốc Học viện Quân y Hoàng Văn Lương cho biết, ở cả 3 hàm lượng 25mcg, 50mcg và 75mcg, vaccine Nanocovax đều sinh miễn dịch rất tốt, tương đương vaccine của các nước.
Khả năng trung hoà virus sau tiêm mũi 1 đạt trên 85%, tùy theo từng nhóm, gần 100% nhóm liều sau tiêm mũi thứ hai 7 ngày sinh miễn dịch tốt.
“Vaccine sinh ra miễn dịch, từ miễn dịch đó có trung hoà virus hay không, kể cả trung hoà thì hiệu quả phải sát. Muốn đo hiệu quả thực tế phải tung vào cộng đồng có dịch, ví dụ có 1.000 người tham gia thử nghiệm, 50% tiêm vắc xin, 50% tiêm giả dược, sau đó phải thống kê có bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu ca không nhiễm ở 2 nhóm để đối chứng, lúc đó mới tính được”, GS Lương phân tích thêm.
Từ đó, Học viện Quân y đề xuất tiếp tục tiêm 3 nhóm liều ở giai đoạn 2 với 560 tình nguyện viên. Đồng thời, cần có nhóm tiêm giả dược để đối chứng.
Trong giai đoạn 2, cùng tham gia với Học viện Quân y còn có thêm Viện Pasteur TP. HCM phối hợp thử nghiệm.
Ngay đầu tuần sau, Học viện Quân y sẽ bắt đầu khám sàng lọc cho hơn 400 tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó có thể triển khai tiêm những mũi đầu tiên vào ngày 24-25/2.