Ngày 27/2/1955 vào 66 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bức thư ý nghĩa căn dặn ngành y 3 điều: “phải thật thà đoàn kết”, “thương yêu người bệnh” và “xây dựng một nền y học của ta”. Từ đó, ngày 27/02 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Truyền thống vẻ vang
Năm 1945, Bộ Y tế của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không lâu sau, theo lời phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành y tế cách mạng đồng hành cùng cả nước tham gia cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Dù nhiệm vụ phục vụ chiến đấu với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành y tế non trẻ vẫn đảm bảo việc chăm sóc thương bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh.
Thời kỳ này, ngành y tế đã sản xuất được các loại vaccine phòng bệnh tả, đậu mùa, thương hàn, dại; các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ, các loại thuốc tê để chữa trị vết thương chiến tranh. Năm 1950, Việt Nam lần đầu sản xuất được kháng sinh penicillin. Năm 1961, lần đầu sản xuất được vaccine sabin phòng bại liệt và vaccine BCG phòng bệnh đậu mùa.
Những năm tháng đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh tàn phá miền Bắc, ngành y tế trở lại hoạt động trong tình trạng thời chiến. Không chỉ đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền Bắc, ngành còn không ngừng chi viện cho miền Nam cả về nhân lực (sinh viên y khoa) và vật lực (thuốc men, dụng cụ y tế).
Những thành tựu ấn tượng
Sau khi đất nước thống nhất, ngành y tế tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hệ thống y tế nhà nước và tư nhân đều phát triển mạnh. Có thể liệt kê một số thành tựu quan trọng nổi bật như sau:
- Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước từ trung ương đến các xã, không còn xã trắng về y tế. Khám chữa bệnh Nhà nước bắt đầu thu một phần phí, xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế, cho phép mở rộng bệnh viện tư, phòng khám tư, hiệu thuốc tư. Chính sách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo được quan tâm.
- Kiểm soát và ngăn chặn nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Việt Nam xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán và ứng phó giải quyết dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như: bệnh đậu mùa vào năm 1978, bệnh bại liệt vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, và từ năm 2002 không có bóng bệnh dịch hạch. Chương trình tiêm chủng rộng rãi đã giúp giảm số đáng kể số người mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, sởi… Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả, đã được khống chế, không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Không chỉ khống chế các dịch bệnh trong nước, Việt Nam là một trong số quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Năng lực giám sát xét nghiệm được nâng cao giúp Việt Nam ngăn chặn thành công một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-Cov và mới nhất là Covid-19…
- Làm chủ nhiều công nghệ - kỹ thuật cao. Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng như thận, tim, gan, tụy, phổi, tiến hành hơn 1.500 ca ghép mỗi năm với tỷ lệ thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ngày 16/10/2018, Ngân hàng Mô đầu tiên của Việt Nam đã khai trương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoàng Thu Trang từ Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, tự hào kể với Sputnik những thành tựu nổi bật của ngành y:
“Năm 2020, lần đầu tiên Viet Nam ghép ruột thành công từ người cho sống được thực hiện tại Bệnh viện Quân ý 103. Tháng 2/2020, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống…”.
Nhiều kỹ thuật chuyên môn cao được thực hiện thành công tại các bệnh viện trung ương như ghép tạng, nội soi, phẫu thuật bằng robot, thụ tinh trong ống nghiệm… Một số kỹ thuật đã được chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Năm 2020, cuộc đại phẫu thuật tách cặp song sinh dính Trúc Nhi - Diệu Nhi là một thành công ấn tượng, có thể xếp trong “top 10” trên thế giới về các cặp song sinh dính tương tự về độ khó và phức tạp.
Việt Nam cũng đang nỗ lực vươn lên trong bảng xếp hạng các nước sản xuất vaccine trên thế giới. Năm 2016, Việt Nam sản xuất thành công vaccine phối hợp phòng sởi-rubella (MR) chất lượng cao. Năm 2020, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus SARS-CoV-2 và là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Năm 2021 vẫn sẽ là một năm khó khăn cho ngành y tế
Một năm đã trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, Bác sĩ Tạ Đình Đô từ Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ với Sputnik về những khó khăn đại dịch gây ra cho ngành y:
“Sau một năm Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19 thì tình hình dịch hiện tại vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục được phát hiện, xuất hiện thêm những ổ dịch trên khắp cả nước. Nguyên nhân do chưa có vaccine để tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng cùng với sự xuất hiện của các biến chủng virus mới với tính chất lây lan mạnh hơn. Điều này thực sự là một thách thức đối với ngành y tế. Tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay trong viện để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. Các nhân viên y tế ngoài việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân còn thực hiện công tác sàng lọc Covid-19 cho bệnh nhân và người nhà của họ. Bệnh viện cũng cử các y bác sỹ, chuyên gia phòng, chống dịch chi viện cho các địa phương điểm nóng như Hải Dương. Có lẽ năm 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn và thử thách cho nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai nói riêng và cho toàn ngành y tế và xã hội nói chung”.
Cùng chia sẻ những khó khăn tương tự, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoàng Thu Trang từ Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương nói với Sputnik:
“Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện luôn trong tình trạng sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Để giảm thiểu phơi nhiễm, nhiều bệnh viện đã hoãn các thủ thuật và phẫu thuật theo chương trình dẫn đến công suất hoạt động của bệnh viện bị sụt giảm”.
Bác sĩ Trang cho biết do cùng lúc vừa đảm bác công tác khám chữa bệnh thường xuyên và công tác phòng, chống dịch nên một số cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2.
“Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Nếu dịch kéo dài, sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm sức khỏe cho nhân viên y tế cũng như đảm bảo tính liên tục trong công tác khám chữa bệnh”.
Bác sĩ nói trong danh mục dự trữ quốc gia mới chỉ có thuốc phòng, chống dịch bệnh mà chưa có một số trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu nên nếu dịch lan rộng, số người mắc nhiều sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ y tế. Trên thực tế, ngành y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang y tế.
Thế giới đánh giá cao
Đến nay, tỷ lệ ca mắc và tử vong vì Covid-19 của Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới. Trong khi tại một số nước như Mỹ, Anh, Australia, Nga… tình hình dịch bệnh vẫn diễn tiến khá nghiêm trọng. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia chống dịch hiệu quả nhất thế giới. Việt Nam lại là nước có thu nhập trung bình thấp, cơ sở hạ tầng và đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế. Bác sĩ Trang thuộc Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương nói.
“Một số ca bệnh Covid-19 nặng đứng trước bờ vực tử vong đã được cứu sống, đặc biệt là ca bệnh rất nặng là phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91). Việt Nam đã thật sự ghi điểm, tiếp tục được truyền thông quốc tế ngợi ca như một “điểm sáng” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Đến ngày 26/2, vaccine Nanocovax do Việt Nam sản xuất đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với kết quả tích cực và bắt đầu tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Bác sĩ Trang nói thêm:
“Có được những thành công này là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với sự chung tay của tất cả các ban ngành. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Việt Nam sẽ sớm dập tắt được đợt bùng phát lần này”.