Cả tòa án binh và bộ chỉ huy của đội quân viễn chinh đều không có khả năng lập lại trật tự trong "đạo quân tinh nhuệ" này.
Trì hoãn sự trừng phạt
Tuần trước, cảnh sát địa phương đã tạm giữ lần thứ hai quân nhân Mỹ Marvin Earl James 24 tuổi, vì hành vi không đứng đắn và gây mất trật tự công cộng. Trước đó, anh ta bị cáo buộc sử dụng vũ lực với một đại diện chính quyền.
Khi đó Marvin đang say rượu, đầu tiên anh ta quấy rối một cô gái lạ trong bãi đậu xe và cố gắng hôn cô. Cô gái sau khi chống lại người lính lì lợm, khiếu nại với cảnh sát. Marvin trốn thoát, nhưng mới chỉ cách hiện trường vài dãy nhà, anh ta lọt vào sự chú ý của cảnh sát. Quân nhân Mỹ chống trả và đẩy ngã người cảnh sát. Kết quả là người lính thủy đánh bộ bị bắt giữ đưa về đồn.
Vì tội danh hành hung cảnh sát, Marvin phải đối mặt với ba năm tù giam hoặc khoản tiền phạt 5000 USD. Người lính Mỹ cũng bị buộc tội có hành vi không đứng đắn ở nơi công cộng: theo luật pháp Nhật Bản, quấy rối tình dục một người lạ có thể bị từ sáu tháng đến mười năm lao động cải tạo.
Quân đội Mỹ đóng tại Okinawa thường xuyên nhận được các cáo buộc về việc các quân nhân của mình phạm tội. Tháng Hai, một tòa án Nhật Bản tuyên án 3 năm tù treo cho một người lính Mỹ vì hành hung tài xế taxi. Ba tháng trước, Jamison Michael Bisset, 20 tuổi, uống say ở quán bar và trở về căn cứ. Gọi xe taxi, trên đường đi Michael bất ngờ tấn công tài xế, quăng anh ta ra khỏi xe, cướp tay lái và tự lái xe chạy quanh thành phố. Sau đó người lính xấu tính còn đập nát chiếc xe vừa cướp được.
Jamison Michael Bisset hoàn toàn thừa nhận tội lỗi của mình và nhận bản án 3 năm lao động trong nhà tù Nhật Bản. Nhưng do bị cáo ăn năn hối cải, trước đó chưa bị truy tố hình sự nên bản án được hoãn 4 năm. Jamison có khả năng sẽ tránh được ngồi tù nếu không vi phạm luật pháp Nhật Bản một lần nữa.
Những kẻ hiếp dâm mặc quân phục
Sự không hài lòng với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã tích tụ trong người dân Okinawa trong nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, vấn đề không chỉ giới hạn ở những tội danh nhẹ hay hành vi côn đồ - những vị khách mặc quân phục thường phạm những tội ác nghiêm trọng, bao gồm cả giết người và hiếp dâm.
Năm 2016, Justin Castellanos thừa nhận mình đã phạm tội hiếp dâm. Theo lời khai, anh ta đã nhìn thấy người phụ nữ Nhật Bản ở trong khách sạn. “Cô ấy đang ngủ ngoài hành lang. Tôi chạm vào cô ta, không thấy cô ấy tỉnh giấc”, bị cáo khai tại phiên tòa. Anh ta kéo cô gái vào một phòng khách sạn và lạm dụng cô.
Đáng chú ý là tội ác đã được khám phá trong thời gian diễn các cuộc biểu tình của người dân đảo Okinawa chống lại các căn cứ Mỹ sau vụ sát hại cô gái 20 tuổi Rina Shimabukuro. Hung thủ là công dân Hoa Kỳ Shinzato Kenneth Franklin, một cựu lính thủy đánh bộ sống trên đảo cùng vợ và con gái.
Anh ta đi theo cô gái xa lạ trên đường phố, đánh vào đầu khiến cô choáng váng, cưỡng hiếp cô trong xe của mình và bóp cổ chết. Hung thủ giấu xác trong bụi cây ven đường. Cảnh sát đã xác định được nơi lần cuối ghi nhận tín hiệu GPS từ điện thoại di động của nạn nhân, và một đoạn video từ camera giám sát ngoài trời cho thấy kiểu dáng và biển số xe của kẻ giết người.
Bộ chỉ huy Mỹ đã ra lệnh giới nghiêm đối với các quân nhân: cần phải trở về doanh trại trước nửa đêm, cấm uống rượu và mua rượu bên ngoài căn cứ, hạn chế tổ chức các sự kiện giải trí.
Năm 2012, hai người lính thủy đánh bộ say rượu tấn công một phụ nữ, cưỡng hiếp và cướp của. Họ bị kết án 10 và 9 năm tù.
Năm 1995, 3 quân nhân Mỹ kéo một nữ sinh 14 tuổi vào xe, đánh và hiếp dâm tập thể, sau đó họ phải nhận các bản án từ 6,5 đến 10 năm tù.
Cuộc đối đầu kéo dài nhiều năm
Quân đội Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc. Hơn 70% các căn cứ nằm trên đảo Okinawa với khoảng 30 nghìn quân nhân Hoa Kỳ phục vụ, cùng vài chục nghìn thành viên gia đình của họ.
Người dân Nhật thường xuyên xuống đường biểu tình, đòi xóa bỏ các căn cứ quân sự. Tháng Mười Hai năm 1970, tại thành phố Koza đã xảy ra một cuộc bạo loạn thực sự trên đường phố. Hành động tự phát bắt đầu do lỗi của người Mỹ: 1 người lính say rượu ngồi sau tay lái và tông vào một người đi bộ. May mắn thay, nạn nhân sống sót, nhưng những người chứng kiến đã tóm gọn thủ phạm vụ tai nạn và gần như giam giữ anh ta.
Xảy ra các cuộc đụng độ giữa người dân thị trấn và quân đội. Tổng cộng, khoảng 5 nghìn người Nhật Bản và 700 quân nhân Hoa Kỳ đã tham gia vào xung đột. Cuộc đụng độ diễn ra trong vài giờ - khoảng 60 người Mỹ và khoảng 30 người dân địa phương bị thương, trong căn cứ Kadena hàng chục xe ô tô bị đốt cháy và một số tòa nhà bị phá hủy.
Ngày nay, hàng chục nghìn người vẫn đang tổ chức các cuộc biểu tình chống đối, không chỉ cố gắng kêu gọi chính quyền chú ý vào sự tùy tiện của quân đội Mỹ, mà còn yêu cầu chấm dứt việc xây dựng thêm các cơ sở quân sự mới, đặc biệt là căn cứ Hanoko. Để thực hiện dự án, người ta dự định bồi cát lên 157 ha vùng ven biển, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các rạn san hô.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của người dân địa phương ít được bộ chỉ huy Mỹ quan tâm đến. Quân đội Mỹ sẽ không rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản và tiếp tục củng cố lực lượng ở đó.