Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 do công ty tư vấn nổi tiếng Brand Finance công bố, Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí 50 của năm 2020 lên bậc 47 trong năm 2021 và đứng thứ 9 trong số các quốc gia châu Á. Brand Finance đã tiến hành khảo sát 75.000 người, gồm các chuyên gia, người dân của hơn 100 nước để đánh giá về quyền lực mềm của 105 quốc gia trên thế giới.
Người thắng và kẻ thua
Theo quan điểm của các tác giả, “quyền lực mềm” là khả năng gây ảnh hưởng để khiến người khác trên trường quốc tế (các quốc gia, tập đoàn, xã hội, v.v.) làm theo những gì mình muốn, nhưng không cưỡng bức, ép buộc. Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ 5 tiêu chí: tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; danh tiếng tổng thể của quốc gia; hiệu suất trên 7 trụ cột của “quyền lực mềm” (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị). Năm nay, một chỉ số khác đã được thêm vào đó - khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch COVID-19.
Và chỉ số này đóng một vai trò rất lớn trong việc phân bổ các quốc gia trong bảng xếp hạng. Ví dụ, Mỹ đã đánh mất vị trí siêu cường toàn cầu về quyền lực mềm, từ vị trí số 1 vào năm 2020 đã tụt hạng xuống thứ 6 do phản ứng chậm trong ứng phó đại dịch COVID-19. Đây là số điểm giảm lớn nhất trong bảng xếp hạng. Việc cựu Tổng thống Donald Trump do dự thừa nhận quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch, vốn đã bị chỉ trích trong và ngoài nước, đã đưa Hoa Kỳ vào vị trí thứ cuối cùng - thứ 105, trong bảng xếp hạng về cuộc chiến chống lại COVID-19. Còn New Zealand, nước đã có thành tích chống dịch COVID-19 tốt nhất, tăng sáu bậc trong bảng xếp hạng lên vị trí thứ 16. Ba nước dẫn đầu danh sách này là Đức, Nhật Bản và Anh.
Việt Nam có đủ khả năng tiếp tục tăng Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu. Hà Nội đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ; trong năm 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn, Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm CPTPP và EVFTA, nhờ đó Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trong tất cả các quan hệ kinh tế khu vực và nội vùng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu. Việt Nam là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm 2019 đạt gần 200%. Trong bối cảnh sản xuất trên toàn thế giới sụt giảm do đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng GDP dương gần 3%.
Quyền lực mềm theo kiểu Việt Nam
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Natalya Shafinskaya, Trợ lý Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA) trực thuộc Tổng thống LB Nga, người đã có 10 năm công tác ở Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, cho biết:
“Đối với Việt Nam, quyền lực mềm là cơ hội để vận động, sử dụng tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu, mà người Việt Nam trở nên vượt trội trong lĩnh vực này. Tăng trưởng kinh tế và sự ổn định chính trị giúp nâng cao vị thế địa chính trị của Việt Nam, và thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như một quốc gia có khả năng đẩy lùi các mối đe dọa nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân quảng bá thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp và công nghệ Việt Nam. Một ví dụ về điều này là sự ra đời của ô tô Vinfast và điện thoại thông minh Vsmart. Các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam góp phần thúc đẩy sự thành công của đất nước họ. Một trong những “vũ khí” chính của sức mạnh mềm là tiềm năng du lịch của Việt Nam. Hàng triệu du khách nước ngoài, trong đó có hàng trăm nghìn người Nga, đến với Việt Nam và thấy được một đất nước tuyệt vời, hiện đại, đang phát triển năng động.
Tôi cho rằng, để phát huy quyền lực mềm, Việt Nam cần phải tận dụng tích cực hơn nữa nền văn hoá đặc sắc, lâu đời của mình: tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa, tổ chức chiếu, giới thiệu phim Việt Nam ở nước ngoài. Một công cụ quan trọng của quyền lực mềm là đông đảo cộng đồng người Việt ở nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với quê hương và có thể thúc đẩy thành công lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài”.
Ảnh hưởng của các nước khác có lợi không?
Cần lưu ý rằng, nhờ sự lãnh đạo thông thái, Việt Nam tránh khỏi các ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cả trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa, không giống như nhiều nước láng giềng ở Đông Nam Á, - bà Natalya Shafinskaya nói tiếp. Các nhà chức trách Việt Nam cảnh giác với các dự án của Trung Quốc, cho dù nó liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường hay việc thành lập Học viện Khổng Tử tại các vùng của đất nước.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của văn hoá phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ, có chiều hướng gia tăng, và đây là một vấn đề đáng quan tâm. Ngoài Internet, hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Mỹ khi trở về nước mang theo những giá trị phương Tây và định hình dư luận. Các nhân sĩ, những người làm công tác văn hóa rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian, lo lắng trước việc các truyền thống văn hoá phương Tây xâm nhập Việt Nam, họ cho rằng, nhà nước nên sử dụng khả năng của mình để giải quyết vấn đề này. Chuyên gia Nga chắc chắc rằng, Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khó khăn - phát huy sức mạnh mềm và bảo vệ đất nước khỏi ảnh hưởng quá mức của nước ngoài.