An toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu
Ngày 8/3, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã có Công văn số 509/SVHTT-NSVH gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc mở cửa các di tích, danh thắng và triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, để bảo đảm phục vụ cho nhân dân tham quan và nhu cầu tâm linh tại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, nơi thờ tự trên địa bàn thành phố, các cơ sở di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố mở cửa hoạt động trở lại, đón khách tham quan từ ngày 8/3 (không bao gồm việc tổ chức lễ hội). Tuy nhiên, các đơn vị phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo “Thông điệp 5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khai báo y tế – Khoảng cách – Không tụ tập đông người) của Bộ Y tế.
Văn bản cũng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng phương án chi tiết vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo nhu cầu văn hóa tâm linh tại các cơ sở di tích, danh thắng cảnh phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trường hợp nếu du khách đông, không đảm bảo phương án phòng, chống dịch cần tạm thời đóng cửa tới khi các điều kiện được đảm bảo thì mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, Sở VH&TT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tổ chức cưới, hỏi, sinh nhật, tiệc mừng gọn nhẹ, không kéo dài thời gian, không ăn uống tập trung đông người, thực hiện việc tang văn minh, chỉ tổ chức trong một ngày.
Trước đó, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết:
“Trong thời gian tạm đóng cửa, chúng tôi vẫn thường xuyên vệ sinh khử khuẩn toàn bộ di tích. Việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng được Ban quản lý quan tâm, từ việc trang bị đồ phòng dịch cho nhân viên đến việc hướng dẫn du khách rửa tay, khử khuẩn… sẽ được thường xuyên thực hiện”.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, ngày 7/3, trung tâm đã phun thuốc khử trùng toàn bộ không gian di tích. Việc này đã được duy trì hằng tuần trước đó để bảo đảm các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại, ngay khi có quyết định của cơ quan chủ quản.
Tại Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình), các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã được hoàn tất vào trước thời điểm mở cửa đón khách trở lại vào sáng 8/3. Hệ thống máy cung cấp dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế được trang bị ở ngay cổng vào di tích. Toàn bộ người ra vào di tích phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang, duy trì giãn cách.
Hà Nội bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện công cộng
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã bỏ quy định giãn cách với hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố (các tuyến vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt) từ 0 giờ ngày 8/3 và không hạn chế số lượng hành khách trên xe.
Để phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 2/2021, thành phố Hà Nội quy định giảm 50% số hành khách trên phương tiện vận tải hành khách công cộng và số lượng hành khách giảm xuống còn 20 người/chuyến. Hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thành phố đang từng bước nới lỏng quy định giãn cách.
Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị liên quan vẫn phải thực hiện tốt “Thông điệp 5K”. Trên phương tiện phải có trang bị dung dịch sát khuẩn tay để hành khách sử dụng (ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy. Thực hiện việc khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và sau khi kết thúc chuyến đi.
Các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện thực hiện truyền thông, tuyên truyền, vận động hành khách sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 để bảo vệ mình cũng như cộng đồng.