Trả lời thẩm vấn về dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai khi nắm được thông tin về dự án, PVC có công văn xin tham gia xây dựng, sau đó PVB thông báo đấu thầu công khai. Tuy nhiên do các đơn vị kỹ thuật của PVC báo cáo không đạt một số tiêu chí mà hồ sơ yêu cầu đưa ra nên bị cáo Thanh ký văn bản đề nghị PVB thay đổi một số chỉ tiêu cho phù hợp. Ông lý giải:
"Thực tế thời điểm đó không có bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đủ các yêu cầu đưa ra. Tôi có báo cáo lên tập đoàn về việc không thể làm với mức giá 59 triệu USD mà phải tầm trên 80 triệu, sau đó tôi phải làm kiểm điểm".
Thậm chí ông Thanh còn cho biết nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo PVN thì PVC sẽ không làm dự án Ethanol Phú Thọ. Đối với hành vi dùng tiền dự án mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, bị cáo Thanh khai không bàn bạc với Đỗ Văn Hồng để mua đất. Ông Thanh cho biết:
"Năm 2010, khi ông Hồng làm Công ty PVC Kinh Bắc thực ra chỉ là công ty liên kết, ông có nói chuyện định đầu tư resort ở Tam Đảo để bán, kinh doanh. Tôi có nói họ đầu tư đi tôi mua một căn. Sau đó ông Hồng làm chứ không có liên quan gì đến tôi cả, tại vì không phải xin ý kiến tôi. Trong quá trình làm, không biết vì sao lại bảo tôi chỉ đạo mồm cho ai ứng tiền là hoàn toàn không có chuyện đấy".
Đổ hết trách nhiệm cho vợ
Bị cáo khai đến năm 2016, khi lên Tam Đảo chơi biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án nên mới nói vợ mình huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu. Tại tòa, lời khai bị cáo Thanh cho thấy những người góp tiền mua là vợ mình cùng ông Đỗ Chí Thanh (phó tổng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), ông Trịnh Xuân Tuấn (em ruột bị cáo) và một phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông Thanh phát biểu:
"Tôi không quan tâm chuyện đấy từ đấy đến tận bây giờ. Với vị trí của tôi, tôi có lấy tiền của ông Hồng thì việc gì phải nợ. Bảo mày đưa tao 5 tỉ không ai biết".
Còn về việc thành lập Công ty Mai Phương để chuyển nhượng lòng vòng khu đất trên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai do vợ mình đứng ra mua bán nên "có bảo lập công ty mà làm". Ông vẫn tiếp tục chối bỏ trách nhiệm và đề cập đến vợ mình:
"Sau đó vợ tôi có thành lập Công ty Mai Phương, bố tôi đứng tên".
Khi được viện kiểm soát hỏi Công ty Mai Phương nhận chuyển nhượng từ Công ty Kinh Bắc bao nhiêu tiền, ông Thanh trả lời:
"Tôi không biết, mua bán thì vợ tôi và anh Hồng, tôi chỉ biết không có nợ nần gì”.
Theo cáo trạng, để thực hiện việc chuyển nhượng khu đất, Trịnh Xuân Thanh đã thành lập Công ty Mai Phương và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu. Còn ông Đỗ Văn Hồng chịu trách nhiệm ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400m2 cho Công ty Mai Phương. Thế nhưng, lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT PVC và có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc, nên Trịnh Xuân Thanh chỉ trả tiền mua thửa đất trên 20,8 tỉ, còn 3 tỉ không trả.
Hiện nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỉ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương. Tiếp đó, sau khi nhận chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc, ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ Công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga.
Đến tháng 6-2016, vợ Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm (trú Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng.