Đại biểu Quốc hội ông Vũ Trọng Kim vừa chia sẻ về chủ trương tại sao việc sớm kiện toàn lãnh đạo Nhà nước ở kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV lại phải diễn ra trong thời điểm hiện tại.
Theo ông Kim, chủ trương này được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao sau khi bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 2 vừa kết thúc. Trung ương cũng đồng thời bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung cao. Về vấn đề những nhân sự cấp cao được giới thiệu và bầu đều có số phiếu tập trung cao, ông Vũ TRọng Kim cho biết:
“Công tác nhân sự nhiệm kỳ này được chuẩn bị, triển khai rất bài bản, chặt chẽ, dựa theo những nguyên tắc, cơ sở được Trung ương đề ra. Trong đó, phương hướng công tác nhân sự nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự vào từng vị trí”.
Ngoài quy trình làm nhân sự đầy đủ các bước và chặt chẽ, việc này còn thể hiện tính dân chủ cao. Đặc biệt, công tác nhân sự lần này nhận được sự ủng hộ của dư luận, nhân dân nên kể cả bầu ở Đại hội hay đưa ra các hội nghị Trung ương, các nhân sự cho vị trí lãnh đạo cụ thể đều có số phiếu tập trung cao.
‘Kiện sớm bây giờ là hợp lý’
Theo thông lệ trước đây, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước thường được thực hiện vào tháng 7 - tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa mới. Tuy nhiên từ khóa XII, việc này được triển khai sớm từ tháng 3. Giải thích về vấn đề này, ông Kim cho biết thời gian ‘Kiện toàn bộ lãnh đạo Nhà nước' bây giờ là hợp lý với 3 lý do chính.
- Về thẩm quyền, Quốc hội khóa nào cũng có quyền lực trong việc bầu hay phê chuẩn nhân sự lãnh đạo Nhà nước. Vì thế, Quốc hội hiện tại đủ quyền hạn làm nhiệm vụ này, không nhất thiết chờ khóa mới.
- Hiến pháp quy định Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Khi Đại hội xong, nhân sự lãnh đạo của Đảng có sự thay đổi nên phải cử cán bộ đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống chính trị để đảm bảo sự lãnh đạo liên thông, liên tục. Do có sự thay đổi các cá nhân phụ trách nên cần sớm kiện toàn để đảm bảo thực quyền của Đảng đối với Nhà nước.
- Chúng ta có 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sau khi thay đổi bộ máy của Đảng thì người đứng đầu nhánh quyền lực nào cũng phải được phân công nhiệm vụ mới. Khi Đảng đã bầu ra người thuộc cơ quan lãnh đạo thì họ phải được trao quyền mới cầm quyền được. Việc này cần sớm tiến hành để đảm bảo sự liên tục trong thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực. Kiện toàn sớm các chức danh giúp sự lãnh đạo không bị gián đoạn, không bỏ trống quyền lực.
Được bầu trong tháng 3 nhưng chưa chắc “chắc ghế”
Đối với tính cần thiết của quy trình với nhân sự lãnh đạo Nhà nước lặp lại ở kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa mới (giữa năm 2021). Ông Kim cũng cho hay, có những vị trí yêu cầu người được bầu phải là đại biểu Quốc hội, ví dụ lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội. Chính vì thế, một số chức danh dự kiến trong tháng 7 sẽ được bầu lại. Nếu ai không được cử tri, nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội thì đồng nghĩa với việc họ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ vị trí lãnh đạo.
Nói cách khác từ nay đến khi có Quốc hội mới được xác định là giai đoạn chuyển tiếp, quá độ. Các vị trí chủ chốt phải đảm bảo sự tín nhiệm của nhân dân khi bầu cử khóa mới. Ông Kim nhấn mạnh:
‘Điều đó có nghĩa là một số chức danh lãnh đạo được bầu lần này nhưng chưa chắc anh đã “chắc ghế”, tới đây nếu không được bầu làm đại biểu Quốc hội thì anh không thể giữ vị trí lãnh đạo nữa’.
Đây cũng là một trong những lý do tại sao cần kiện toàn sớm vào cuối tháng 3, vì không thể bỏ trống sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và cả xã hội. Thực tế hiện nay một số vị trí lãnh đạo cấp cao không tái cử, thậm chí là không tham gia các cuộc họp của Trung ương, Bộ Chính trị nên rất khó nắm bắt đường lối, chủ trương, nghị quyết để thực hiện vai trò lãnh đạo. Vì thế, phải phân công nhân sự vào từng vị trí và không được bỏ trống quyền lực, bởi khi ấy quyền lực sẽ không được thực thi hiệu quả.
Ngoài ra, thời kỳ quá độ và chuyển tiếp không thể kéo dài vì Đảng phải đảm bảo thực quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.