Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản nói lên ý kiến này và lưu ý rằng, Bộ tứ QUAD đang xây dựng chuỗi thu mua đất hiếm để chống lại sự thống trị của Trung Quốc. Các quốc gia Đối thoại An ninh Tứ giác (gọi tắt là QUAD) có ý định hợp tác tài trợ cho các dự án phát triển và công nghệ sản xuất mới. Ban đầu, họ sẽ tập trung đưa ra công nghệ lọc chất thải phóng xạ với chi phí thấp, thu xếp để tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp khai thác và lọc dầu, theo Nikkei Asia.
Bộ tứ có thể sử dụng tối đa khả năng của họ không chỉ để gây áp lực quân sự-chính trị lên Trung Quốc, mà còn để kiềm chế về kinh tế, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Công nghệ Chính trị, ông Nikita Maslennikov cho biết:
“Hoa Kỳ từ lâu muốn lập liên minh kiểu NATO tại Thái Bình Dương. Không ai từ bỏ kế hoạch này. Vì vậy, Bộ tứ có thể được xem như một công cụ quân sự - chính trị giấu sẵn trong túi. Nếu nói về khả năng kiềm chế Trung Quốc về mặt kinh tế, Bộ tứ sẽ sử dụng tối đa công cụ này. Tuy nhiên, thế giới đang phải tuân theo các quy tắc kinh tế mới trong thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Trong chu kỳ phát triển kinh tế toàn cầu vừa qua, Trung Quốc đã chơi rất tốt, nhưng, các quy tắc cũ không còn hiệu quả, và cho đến nay ít ai có thể đưa ra các quy tắc mới. Do đó, trong điều kiện mới, những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc về kinh tế chỉ là tác nhân gây kích động cảm xúc".
Kiềm chế Trung Quốc
"Kiềm chế Trung Quốc" là từ vựng của ngày hôm qua, thậm chí ngày kia, chuyên gia Nikita Maslennikov tin chắc như vậy. Không phải những biện pháp kiềm chế Trung Quốc, mà những ý tưởng mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đây là hướng xây dựng một hệ thống quy tắc toàn cầu mới cho cộng đồng kinh tế và chính trị. Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc đối với hành động của các nước trong nhóm Bộ tứ QUAD, chuyên gia nói:
“Trung Quốc có thể đáp trả các nỗ lực ngăn chặn quân sự-chính trị bằng cách mở cửa trở lại thị trường, khởi xướng một chương trình nghị sự kinh tế mới, mời các thành viên Bộ tứ xây dựng các quy tắc chung về thương mại quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để hợp tác đầu tư. Và điều này bằng cách nào đó có thể thay đổi ý tưởng của Bộ tứ về việc Trung Quốc phải được kiềm chế. Có lẽ, họ sẽ nhận thức được rằng, ngược lại, cần phải hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau xây dựng một hệ thống quy tắc toàn cầu, bởi vì các biện pháp kiềm chế là chính sách đã lỗi thời không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt đạo đức".
Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 90% thị phần trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Bắc Kinh sản xuất gần 60% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Đồng thời, vào năm 2020, Hoa Kỳ đã chiếm 16% sản lượng đất hiếm toàn cầu, Úc - 7% và Ấn Độ - 1%. Dựa trên dữ liệu này có thể đưa ra kết luận rằng, hoạt động của Bộ tứ QUAD trên thị trường này không phải là thách thức đối với Trung Quốc, mà trước hết là hoạt động thương mại bình thường để kiếm lợi nhuận. Do đó, khó có thể coi thỏa thuận gần đây giữa nhà sản xuất kim loại đất hiếm ASM của Australia với các đối tác Hàn Quốc là một dự án chống Trung Quốc. Công ty Úc sẽ xây dựng một nhà máy ở Hàn Quốc để sản xuất một số khoáng sản đất hiếm và vật liệu quý hiếm quan trọng từ các mỏ ở Úc. Cũng không nên chính trị hóa dự án chế biến quặng kim loại đất hiếm từ Úc tại Hoa Kỳ, đặc biệt là Nhật Bản cũng đang xem xét tham gia dự án này.