Các ca Covid-19 nặng tiến triển tốt, 187 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2
Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến ngày 14/3, sức khoẻ các trường hợp bệnh nhân nặng và rất nặng ở Việt Nam đã có nhiều tiến triển, đặc biệt ca bệnh 1.536 (vốn nặng hơn cả bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh) đã tiến triển ngoạn mục. Các bệnh nhân cũng nhiều lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 1.536 đã dừng ECMO (tim phổi nhân tạo) 18 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn thở khó khăn nên phải duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.
Sau khi kết thúc ECMO, phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu khó hồi phục. Bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng.
Bệnh nhân 1.536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời, bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho hay: “Bệnh nhân 1.536 đã 6 lần âm tính SARS-CoV-2, dự kiến tuần sau, chúng tôi sẽ mời Tiểu ban Điều trị vào Đà Nẵng để công bố bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện người nhà bệnh nhân mong muốn được chuyển cụ bà về TP.HCM. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế và Bộ Y tế về vấn đề này. Sức khoẻ, sự an toàn của bệnh nhân là trên hết”.
Ngoài ca bệnh trên, bệnh nhân 1.823 (đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) cũng có nhiều tiến triển về sức khoẻ. Bệnh nhân được ngừng ECMO ngày thứ 2, hiện thở máy, tình hình huyết động và chức năng các cơ quan khác khá ổn. Bệnh nhân được duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở. Người này cũng đã 4 lần liên tục âm tính vói virus SARS-CoV-2, lần gần nhất là ngày 9/3.
Một bệnh nhân vốn rất nặng khác là ca bệnh 2.332 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Hiện bệnh nhân đã tự thở khí phòng, có thể tự đi lại, sinh hoạt, không cần sự trợ giúp của y bác sĩ.
Chiều 14/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết TP.HCM ghi nhận một ca nhập cảnh mắc Covid-19. Bệnh nhân là chuyên gia người Nhật đã được cách ly ngay.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Việt Nam, 187 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-3 lần.
Vắc-xin phòng Covid-19 thứ 2 của Việt Nam sẽ được tiêm thử nghiệm vào ngày 15/3
Sáng ngày 15/3, những người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covivac – vắc-xin phòng Covid-19 thứ 2 được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Hiện nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ tổng số 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covivac cho giai đoạn đầu, gồm 30 người ở mỗi nhóm tuổi (18-39 tuổi và 40-59 tuổi) và giới tính. Riêng các nhóm trẻ tuổi thậm chí còn thừa số người đăng ký so với yêu cầu.
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc-xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Các chuyên gia sẽ theo dõi tính an toàn trong 8 ngày sau tiêm liều 1 của những người đầu tiên, đánh giá, xem xét việc thử nghiệm có vấn đề đáng lo ngại hay không. Nếu mọi thứ trong tầm kiểm soát, vắc-xin mới được triển khai tiêm tiếp cho những người tiếp theo.
Việc tiêm chủng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đóng vai trò thử nghiệm chính.
Vắc-xin Covivac được Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người.