Trong thực đơn của các nhà hàng xuất hiện món súp lạ thường với mì và thịt bò cộng với thêm cả dứa. Đây là nỗ lực khiêm tốn để hỗ trợ các hộ nông dân trồng dứa ở Đài Loan.
Ngày 26 tháng 2, chính quyền Trung Hoa đại lục đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan. Giải thích lý do lệnh cấm, họ viện dẫn rằng «có hiện diện của côn trùng bệnh» trong dứa Đài Loan, có thể gây hại cho nông nghiệp của đại lục. Lệnh cấm nhập khẩu dứa vào Trung Quốc bắt đầu hiệu lực từ ngày 1 tháng 3. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) chỉ trích quyết định này và giải thích rằng hòn đảo luôn tuân thủ nghiêm túc mọi tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Theo lời bà nhận xét, lệnh cấm này của Bắc Kinh không thể được xem là «quyết định thương mại thông thường».
Bà Thái Anh Văn cũng đăng trên mạng xã hội lời kêu gọi cộng đồng cư dân địa phương hãy ủng hộ nhà nông.
Our 🍍 pineapples 🍍 are the world's finest, & we are working to sell them to even more countries so everyone can enjoy delicious #Taiwanese fruit. They are sure to put a smile on your face. pic.twitter.com/ghH7DfTUx2
— 蔡英文 Tsai Ing-wen (@iingwen) March 2, 2021
«Dứa của chúng ta ngon nhất thế giới và chúng tôi đang nỗ lực quảng bá bán thứ sản vật ngon lành này đến nhiều nước hơn nữa, để mỗi người đều có thể thưởng thức trái cây ngon của Đài Loan. Những sản vật ngon bổ này chắc chắn sẽ khiến bạn nở nụ cười hài lòng», - bà Thái cam đoan.
After Australian wine, unfair Chinese trade practices are now targeting #Taiwanese 🍍pineapples🍍. But that won’t stop us. Whether in a smoothie, a cake, or freshly cut on a plate, our pineapples always hit the spot. Support our farmers & enjoy delicious Taiwanese fruit! pic.twitter.com/QnVJzyNiDL
— 蔡英文 Tsai Ing-wen (@iingwen) February 26, 2021
«Sau rượu vang Australia, hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc hiện đang nhắm vào những trái dứa từ Đài Loan. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản được chúng tôi. Cho dù đó là sinh tố dứa, bánh ga-tô dứa hay dứa tươi cắt lát trên đĩa, dứa Đài Loan sẽ luôn là lựa chọn tuyệt hảo», - một văn bản khác đăng trên tài khoản chính thức của nhà lãnh đạo Đài Loan nêu rõ.
台湾産パイナップルを応援してくださる日本の皆さん、ありがとうございます!台湾にいらしたら必ずと言っていいほどパイナップルケーキを購入されるでしょうが、台湾産パイナップルはフルーツとしてそのまま食べるのも最高なんですよ!ぜひ食べてみてください! pic.twitter.com/L2WUnIOaUB
— 蔡英文 Tsai Ing-wen (@iingwen) March 3, 2021
«Xin cảm ơn các quý vị người Nhật đã dành sự ủng hộ cho dứa Đài Loan! Bất cứ khi nào đến Đài Loan hầu như quý vị đều mua bánh ga-tô dứa, nhưng dứa Đài Loan ăn tươi vẫn là trái cây tốt nhất», - bà Thái nói bằng tiếng Nhật.
Theo tin đưa của các phương tiện truyền thông địa phương, các chính trị gia Đài Loan đã cố gắng thể hiện sự ủng hộ của họ đối với nhà nông trên đảo. Các chính khách từ đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền và Quốc dân đảng đối lập đều lên đường tới các trang trại để chụp và đăng những bức ảnh cùng với dứa.
Còn các chủ nhà hàng, đến lượt mình, cũng bỏ công nghiên cứu chế biến những món ăn lạ thường từ dứa. Tôm viên trong dứa, salat dứa với vừng lạc và hạt dẻ chỉ là một vài trong số nhiều món ăn đang được các nhà hàng, khách sạn trên đảo đưa ra mời chào thực khách.
Như Bloomberg lưu ý, không phải là các đầu bếp đã ngay lập tức tạo ra được món ăn ngon từ dứa. Có người cần đến 10 lần thử, ai đó thậm chí phải tốn công thử và nêm nếm nhiều lần hơn mới thành.
Trung Hoa đại lục không thừa nhận rằng lệnh cấm dứa Đài Loan hàm chứa động cơ chính trị, còn đại diện Cục các vấn đề Đài Loan ở Bắc Kinh thì tuyên bố rằng quyết định này là «biện pháp thông thường về an toàn sinh học, hoàn toàn hợp lý và cần thiết».
Cách đây không lâu, Trung Quốc đã ngừng hoặc cắt giảm nhập khẩu thịt bò, than, lúa mạch, hải sản, đường và gỗ từ Australia sau khi chính quyền nước này ủng hộ lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch coronavirus mà dư luận cho là bắt đầu từ Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Như báo chí địa phương lưu ý, bất chấp những tuyên bố hay kêu gọi ồn ào, lệnh cấm với dứa có lẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến nhà nông Đài Loan. Chính quyền đã cam kết trợ cấp 35 triệu USD để giúp đỡ các chủ nông trại. Nhà chức trách Đài Loan tuyên bố đã nhận được đơn đặt hàng từ Nhật Bản, Australia, Singapore, Việt Nam và các nước Trung Đông.