Riêng tại TP.HCM, lãnh đạo Công an thành phố vừa lên tiếng thông tin về việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, đồng thời trấn an người dân rằng, thẻ căn cước không có chức năng theo dõi, và không sợ lộ thông tin cá nhân nếu bị mất thẻ.
Công an TP.HCM thông tin về thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử
Chiều 18/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về việc triển khai "Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" và "Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD)".
Buổi họp báo do Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, chủ trì. Thành phần tham dự còn có đại diện Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Là 1 trong 10 địa phương trọng điểm, TP.HCM được Bộ Công an giao chỉ tiêu phấn đấu đến ngày 30/4 phải hoàn thành cấp CCCD cho gần 4,2 triệu nhân khẩu trong diện cấp CCCD, trong đó có hơn 2,7 triệu nhân khẩu thường trú và gần 1,5 triệu nhân khẩu tạm trú.
Cụ thể, đến ngày 30/4/2021, phải hoàn thành việc cấp căn cước công dân có gắn chip cho 4.194.653 người (trong đó có 2.748.754 nhân khẩu thường trú và 1.445.899 nhân khẩu tạm trú) trong diện cấp CCCD.
Công dân sợ bị theo dõi khi thẻ căn cước có gắn chíp, Công an TP.HCM nói gì?
Giải đáp thắc mắc của dư luận trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM khẳng định chip gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí công dân.
“Bộ Công an đảm bảo việc tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp công dân đánh mất thẻ cũng không sợ bị lộ, lọt thông tin cá nhân”, Công an TP.HCM nêu rõ.
Cơ quan chức năng nêu rõ, trong thời gian này, CMND 12 số và CCCD mã vạch còn giá trị sử dụng và không thuộc các diện trên thì Công an Thành phố chưa thực hiện chuyển đổi sang thẻ CCCD gắn chip.
“Sau khi hoàn thành cấp cho diện thường trú sẽ cấp cho nhân khẩu tạm trú, thời gian cụ thể sẽ thông báo sau”, Phó Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) - Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang cho biết tại buổi họp báo.
Nhân dịp này, Công an TP cũng thông báo, khuyến khích người tạm trú thuộc các tỉnh, thành phố giáp ranh, gần địa bàn TP Hồ Chí Minh trở về nơi đăng ký thường trú để làm căn cước công dân nhằm giảm tải áp lực cho các lực lượng.
“Sau ngày 1/7, diện tạm trú và mọi trường hợp trên địa bàn TP có yêu cầu cấp CCCD gắn chip đều sẽ được Công an TP giải quyết”, đại diện Công an TP.HCM cho biết.
Thủ tục, lệ phí, thời hạn cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử
Tính đến ngày 16/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 212.510 hồ sơ cấp CCCD gắn chip trên tổng số 4.194.653 nhân khẩu trong diện cấp CCCD, đạt tỉ lệ 5,1%. Trong số đó, đã làm xong 41.288 thẻ CCCD gắn chip để trả cho công dân.
Tuy nhiên, Công an TP chưa cho biết đã phát đến tay người dân cụ thể bao nhiêu thẻ căn cước.
Về thủ tục làm căn cước gắn chip, công dân không phải kê khai hay ký bất kỳ giấy tờ gì như quy trình cấp CCCD mã vạch trước đây, trừ trường hợp công dân chưa có dữ liệu thông tin dân cư, hoặc thông tin của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh.
Về lệ phí cấp, chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD là 15.000 đồng/thẻ CCCD.
Đổi thẻ căn cước khi bị hư hỏng không sử dụng được, thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ khi công dân có yêu cầu thì 25.000 đồng/thẻ.
Trường hợp cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam là 35.000 đồng/thẻ CCCD.
Thời hạn cấp, Công an cho biết, trong thời gian 7 ngày làm việc đối với hồ sơ mới cấp đổi và 15 ngày làm việc đối với những trường hợp cấp lại, cần tra cứu, xác minh. Công dân có thể nhận căn cước công dân trực tiếp hoặc chọn đăng ký nhận thẻ qua bưu điện.
Công an TP.HCM đang “căng mình” làm căn cước công dân
Cũng trong chiều 18/3, Công an TP Hồ Chí Minh cho ra mắt hai xe lưu động được triển khai để phục vụ công tác làm thẻ CCCD gắn chip cho người dân.
Được biết, hai xe này được bố trí ở trụ sở Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và UBND phường Linh Xuân, TP Thủ Đức.
Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay trên địa bàn thành phố có 91 trạm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip. Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an sẽ tiếp tục cấp thêm 80 trạm thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng triển khai hai xe chuyên dụng (xe 30 chỗ ngồi) để tăng cường cho công an cơ sở trong việc cấp CCCD lưu động. Công an TP cũng phân công và bố trí đầy đủ cán bộ, chiến sĩ và trang thiết bị để thực hiện công tác này.
Hai xe này chính thức đi vào hoạt động từ 17h ngày 18/3, đặt tại trụ sở Công an xã Vĩnh Lộc B và UBND phường Linh Xuân để tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp CCCD cho người dân.
Theo đại diện lãnh đạo Côn an TP.HCM xe hoạt động từ 7h - 22h tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Thời gian làm việc có thể linh hoạt theo địa bàn, từ 6h đến 23, 24h để đảm bảo phục vụ công dân.
Công an TP.HCM khẳng định, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là lực lượng nòng cốt trong việc cấp CCCD gắn chip. Ngoài ra, Công an TP cũng huy động tối đa các lực lượng khác để triển khai nhiệm vụ này, với 3.464 cán bộ chiến sĩ nhằm thực hiện chiến dịch cấp CCCD, 5.538 cán bộ chiến sĩ thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công an TP giao chỉ tiêu cấp phát cho từng đơn vị trên từng trạm thu nhận phải đạt ít nhất 300 hồ sơ/trạm thu nhận/ngày có 3 ca tham gia thực hiện. Địa điểm cấp căn cước công dân gồm trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1) tiếp nhận hồ sơ cho công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố và trụ sở Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tiếp nhận hồ sơ cho người dân trên địa bàn đó cùng với các điểm lưu động.
Bộ Công an khẳng định căn cước công dân gắn chíp không định vị, theo dõi
Trước đó, trên cổng thông tin Bộ Công an cũng giải đáp thắc mắc của công dân Võ Thái Trung về việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân không, qua đó khẳng định, không hề có việc căn cước công dân gắn chíp có chức năng định vị, theo dõi.
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Theo cơ quan Công an Việt Nam, dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cũng nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Về băn khoăn, lo lắng việc sử dụng thể căn cước công dân có gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân hay không, Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ căn cước này là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
“Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin”, Bộ Công an nhấn mạnh.
“Trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch”, Bộ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo cơ quan Công an, chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người.
Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
“Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội”, Bộ Công an nêu rõ.