Cũng trong ngày này, Công ty truyền thông quốc tế Al-Jazeera của Qatar, cơ quan ngôn luận chính đưa tin về các sự kiện Mùa xuân Ả Rập, đã gọi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là "chế độ", về cơ bản coi ông ta là nguyên thủ quốc gia bất hợp pháp.
Rồi sau đó, các sự kiện phát triển một cách nhanh chóng và đáng sợ: các cuộc đụng độ vũ trang, các âm mưu lật đổ chính phủ Assad, thương vong và tàn phá ngày càng gia tăng. Tình hình bất ổn và mong manh như vậy cho phép những kẻ khủng bố nổi dậy, gần như lập ra một vi quốc gia ở Syria trong năm 2015. Thảm họa ngày càng gia tăng đã được ngăn chặn nhờ sự hỗ trợ của Nga, vốn được chính phủ chính thức Damascus yêu cầu giúp đỡ hồi mùa thu năm 2015.
Đồng thời, chứng kiến quy mô thảm họa ngày càng gia tăng, EU và Hoa Kỳ cũng như hầu hết các nước Ả Rập đều phản đối chính phủ Bashar al-Assad: ít ai tin rằng ông ta sẽ có thể duy trì quyền lực và đưa các khu vực lãnh thổ thực sự diễn ra chiến tranh trở về dưới sự kiểm soát của chính phủ chính thức.
Âm mưu đảo chính đã dẫn đất nước Syria đi tới đâu? Thái độ của người dân Syria đối với các sự kiện đó đã thay đổi như thế nào trong những năm qua? Người dân Syria cảm nhận như thế nào về thiệt hại nặng nề đối với đất nước họ? Cư dân một số thành phố lớn ở Syria đã kể với Sputnik về điều này.
"Mong muốn tự do ngôn luận – kết quả nhận được là đói khát"
“Chúng tôi đã chiến đấu 10 năm rồi, mà vẫn chưa thể đưa đất nước trở về tình trạng trật tự. Tất cả bắt đầu bởi có một nhóm người mong muốn vào một ngày đẹp trời thức dậy và sống như ở Pháp hoặc Anh. Muốn có nhiều quyền tự do ngôn luận hơn, nhưng cuối cùng cái nhận được là đói khát. Và bây giờ, 10 năm trôi qua, cầm vũ khí đi trên đường phố thành chuyện thường ngày. Mọi người đã quen thấy quân cảnh và binh lính trên đường phố, quen với những vụ nổ và người chết. Thay vì dân chủ, trên lãnh thổ của mình, chúng tôi có những kẻ theo trào lưu chính thống, họ thực hiện những vụ giết người tàn bạo nhân danh Hồi giáo. Câu hỏi đặt ra là, tại sao?
Ở đây, tất cả chúng tôi đều là người Hồi giáo, chúng tôi chưa bao giờ sống trong thù hằn với những người theo đạo Thiên chúa. Thay vì một quốc gia hoạt động bình thường, chúng tôi không thể thoát khỏi sự chiếm đóng của người Mỹ trên lãnh thổ của mình trong 10 năm trời. Họ bòn rút của cải, giết hại người dân chúng tôi. Đây có phải là điều mà những kẻ gây ra bạo loạn 10 năm trước mong muốn hay không? Bây giờ chúng tôi buộc phải chứng kiến dòng chảy di dân đáng kinh ngạc, người dân chúng tôi bỏ đất nước ra đi: hiện giờ ai mà không biết về những người tị nạn Syria ở hàng chục quốc gia khác trên thế giới. Những tên kẻ cướp Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ không bao giờ rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Đất nước chúng tôi đã bị tàn phá như thế đấy”- ông Rayed al-Raheel, cư dân tỉnh Haseke của Syria, mô tả tình cảnh đất nước sau 10 năm nội chiến.
"Bây giờ chúng tôi không còn gì cả, nhờ ơn nước Mỹ"
“Ở đây Mỹ tiến hành cuộc chiến chống nhân dân Syria. Hậu quả rõ ràng là chúng tôi không có xăng, không có ma dút, không có khí đốt - không có gì cả. Tất cả điều đó đều là do hành động của người Mỹ gây ra. Các vị nghĩ mà xem, chúng tôi thậm chí không bị tắc đường trong thành phố, bởi vì không có xăng để đổ vào ô tô. Và người dân không có nguồn dự trữ trong nhà. Đây là cuộc chiến của Mỹ chống người dân Syria” - một cư dân cố tình giấu tên ở Aleppo chia sẻ ý kiến.
"Rất khó khăn, nhưng chúng tôi có thể khắc phục"
“Tất nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, tình cảnh chúng tôi vô cùng khó khăn. Bây giờ nhìn lại, những năm trước chiến tranh tưởng như là thiên đường. Chúng tôi tiếp tục tồn tại khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, một phần bị chiếm đóng và các vấn đề nghiêm trọng khác. Nhưng cần lưu ý rằng, vài năm qua, trong khu vực của chúng tôi tình hình bắt đầu cải thiện rõ rệt. Mọi người bắt đầu hy vọng hơn một chút về tình trạng công ăn việc làm, đã có cơ hội kiếm một ít tiền.
Tất nhiên, mọi việc vẫn còn rất khó khăn cho chúng tôi: cuộc đấu tranh vì thứ "tự do" ảo tưởng từng được áp đặt cho chúng tôi chẳng đáng giá. Kết quả thật thảm hại. Nhưng tôi tin tưởng rằng người dân Syria chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi sẽ khôi phục lại những gì đã bị tàn phá, chúng tôi sẽ nâng cao kinh tế, sẽ có thể điều trị tử tế cho các nạn nhân chiến tranh. Đơn giản là cần có thời gian. Tâm trạng như vậy có thể cảm nhận ở khắp Syria - đặc biệt là ở Hasek” – ông Khaled Khaddar, chủ một cửa hàng trong khu chợ ở Hasek, cho biết
"Cuộc sống vẫn tiếp diễn"
“Các vị cũng thấy đấy, mọi người dân đều nhận thức được những khó khăn đã đến với chúng tôi trong 10 năm qua. Tôi muốn nói điều này: bất chấp thảm họa mà chúng tôi đang phải trải qua, bất chấp mọi mất mát mà nhân dân Syria chúng tôi phải gánh chịu, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và chúng tôi từng bước quay về với cuộc sống đó. Nhờ ơn trên, mọi việc chắc chắn sẽ suôn sẻ, chúng tôi nhất định sẽ vượt qua sự suy sụp kinh tế và xã hội” - ông Madinah al-Ahmad, Hiệu trưởng trường phổ thông ở thành phố Deraa của Syria, khẳng định.
Thậm chí 10 năm sau thảm kịch nổ ra ở Syria, phương Tây vẫn tiếp tục gây sức ép với chính phủ Syria hợp pháp. Các biện pháp trừng phạt và phong tỏa kinh tế khắc nghiệt nhất vẫn tiếp tục giáng xuống nền kinh tế đang suy kiệt của Syria. Người Syria bình thường phải gánh chịu những thiệt hại không thể bù đắp được ở mức độ lớn hơn: nhiều người không có thuốc men, không có bánh mì, hiện giờ đang đối mặt với thảm họa nhân đạo.
Xét theo các tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao và Nghị viện châu Âu, phương Tây sẽ không giảm bớt áp lực đối với Syria và chính phủ nước này. Bất chấp tất cả những điều đó, với sự trung gian của Nga, trên thực tế chính phủ chính thức Damascus đã ổn định tình hình trong nước, ngoại trừ tỉnh Idlib. Chính phủ chính thức Damascus không chỉ đang tìm cách ổn định chính sách đối nội, mà còn thiết lập cả chính sách đối ngoại. Hiện giờ họ đang chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội. Tóm lại, chính phủ của Tổng thống Assad đang tiến tới ổn định tình hình trong nước, và không để lại bất kỳ điều kiện tiên quyết nào khiến chính bản thân ông ta phải ra đi.