Trong vụ án hình sự về vụ mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C ở Công ty Thoát nước Hà Nội của bị can Võ Tiến Hùng, ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung) có liên quan như thế nào?
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố vụ mua chế phẩm Redoxy-3C?
Ngày 17/3, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng Giám đốc Công ty Arktic Nguyễn Trường Giang đã bị khởi tố liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C sai quy định.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ban hành quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung. Ông Chung được xác định có liên quan trong vụ mua chế phẩm Redoxy -3C trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Vụ việc này nằm trong khuôn khổ vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Cơ quan công an xác định, ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - Cộng hòa Liên bang Đức qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc.
Việc mua chế phẩm trên là để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vụ việc có dấu hiệu làm trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trên cơ sở đó, ngày 17/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ”Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Đi kèm với đó là quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 2 bị can Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Trường Giang về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các lệnh nói trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) phê chuẩn. Vụ án đang tiếp tục được mở rộng, điều tra triệt để và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Hồi tháng 8/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin cho biết, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án hình sự.
Trong đó, vụ án đầu tiên đã được đưa ra xét xử là Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan vụ Nhật Cường (của Bùi Quang Huy), bị cáo Nguyễn Đức Chung bị HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên 5 năm tù.
Vụ án thứ hai là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội liên quan việc mua chế phẩm Redoxy-3C.
Thứ ba là vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Đức Chung có trách nhiệm gì vụ mua chế phẩm Redoxy-3C?
Như Sputnik Việt Nam thông tin trước đó, thanh tra TP Hà Nội từng kết luận, từ năm 2016 đến quý I/2019, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ.
Đây là nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích theo dự toán đặt hàng với giá mua chế phẩm đã được Liên ngành chấp thuận và thành phố đồng ý.
Công ty Thoát nước Hà Nội mua 400 tấn chế phẩm Redoxy 3C, có giá trị hơn 137 tỷ đồng (với giá 295.000 đồng/kg và 320.000 đồng/kg theo đường biển). Chế phẩm đã được nhập kho, theo dõi, quản lý trên hồ sơ, sổ sách kế toán của Công ty Thoát nước Hà Nội.
Theo chỉ đạo của thành phố, chế phẩm Redoxy 3C được xử dụng để xử lý sự cố cá chết Hồ Tây, xử lý nước thải bãi bùn khu C, Yên Sở, xử lý nước rỉ rác tại khu Xuân Sơn, thí nghiệm tại bãi rác Nam Sơn.
Còn lại, Công ty Thoát nước Hà Nội sử dụng hơn 365 tấn chế phẩm Redoxy 3C (chiếm 90,6% tổng lượng) để xử lý ô nhiễm 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành; duy trì chất lượng nước 85 hồ nội thành theo quy trình tạm thời được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận.
Căn cứ kết quả làm việc của đoàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gửi thư mời Tổng giám đốc Công ty Watch Water GmbH sang thăm và làm việc với thành phố về lĩnh vực bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Được biết, Watch Water GmbH là công ty có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức, có nhiều năm kinh nghiệm trong trong ngành xử lý nước.
Sau khi khảo sát, lấy mẫu nước hồ tại Hà Nội về nghiên cứu, Watch Water GmbH đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm nước hồ Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy 3C.
Đến tháng 9/2016, Watch Water GmbH ký các giấy tờ, văn bản đồng ý cho Công ty Arktic được quyền đại diện kinh doanh và cung cấp dịch vụ đối với các sản phẩm của Watch Water GmbH tại Việt Nam, trong đó bao gồm chế phẩm Redoxy 3C.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung bị cơ quan điều tra xác định có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, con trai cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung liên quan thế nào?
Được biết, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (gọi tắt là Công ty Arktic) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 2/11/2015 (trụ sở ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Các thành viên góp vốn của công ty gồm ông Đào Xuân Tấn và ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung). Trong đó, ông Đào Xuân Tấn là đại diện pháp lý của công ty.
Đến tháng 6/2016, ông Tấn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho ông Nguyễn Trường Giang. Sau đó, ngày 23/7/2016, ông Nguyễn Đức Hạnh cũng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại Arktic cho ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.
Ngày 26/7/2016, Công ty Arktic đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (lần thứ 3). Hai thành viên góp vốn lần này gồm có ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng (trụ sở ở số 12, Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Ông Nguyễn Trường Giang là người đại diện pháp lý của công ty.
Từ ngày 1/8/2016 đến ngày 4/6/2019, Công ty Arktic có 2 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty) và bà Nguyễn Thị Bích Hằng. Từ ngày 4/6/2019 đến nay, công ty gồm 2 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Trường Giang và ông Đỗ Xuân Hùng.
Biên bản kiểm tra thuế năm 2015 - 2017 của Chi cục thuế quận Đống Đa cho thấy, trong năm 2015, Công ty Arktic không phát sinh doanh thu. Chỉ sau khi được Công ty Watch Water ký văn bản thỏa thuận cho phân phối độc quyền vào tháng 8/2016, Công ty Arktic mới phát sinh doanh thu về việc bán chế phẩm Redoxy 3C và thực hiện kê khai, nộp thuế.
Từ năm 2019, khi dư luận bắt đầu xôn xao về một số vấn đề xoay quanh chế phẩm Redoxy 3C, ông Nguyễn Đức Chung mới yêu cầu Thanh tra UBND. TP Hà Nội vào cuộc.
Mặc dù vậy, kết luận thanh tra lại tiếp tục gây ra sự hoài nghi trong dư luận. Trong Văn bản số 555, ban hành ngày 12/2/2020 của Thanh tra Thành phố, có chỉ ra nhiều sai phạm trong việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C. Đến ngày 26/2/2020, Chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy tiếp tục ban hành Văn bản số 794 thay thế Văn bản số 555.
Đáng lưu ý, văn bản thay thế này chỉ đưa ra các thông tin chung chung như thực trạng xử lý ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối chế phẩm Redoxy 3C, quá trình thử nghiệm, mua chế phẩm về quản lý, sử dụng... chứ không nói đến sai phạm tồn tại.
“Đại diện chính quyền địa phương và khu dân cư đều đề nghị TP tiếp tục thực hiện công tác xử lý và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C như trong thời gian vừa qua”, kết luận khi đó nêu.
Vụ lùm xùm với chuyên gia Nhật thí điểm làm sạch sông Tô Lịch?
Tại Hà Nội, việc tìm ra phương pháp làm sạch nước sông Tô Lịch nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia cũng như người dân thủ đô.
Năm 2019, một công ty liên kết với phía Nhật Bản đưa ra công nghệ sục dùng khí nano-bioreactor để thí điểm xử lý nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch.
Cụ thể, Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản (JEBO) thử nghiệm công khai làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ nano, có sự chứng kiến của người dân Hà Nội.
Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ xảy ra khi việc thí điểm gần như sắp đến đích, được báo chí truyền thông đưa tin rầm rộ, thì giữa tháng 7/2019, nước từ Hồ Tây lại bị xả ào ạt, cuốn trôi thành quả của nhóm chuyên gia Nhật Bản.
Ngày 15/7, trả lời báo chí, ông Bùi Ngọc Uyên, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, vệc xả nước Hồ Tây là điều tiết nước bình thường theo quy định.
“Mực nước hồ Tây đang cao hơn quy định nên phải xả chứ không có vấn đề gì”, vị lãnh đạo này cho hay.
Khi báo chí và dư luận nêu vấn đề về việc xả nước Hồ Tây ra sông Tô Lịch có ảnh hưởng thế nào đến kết quả thí điểm làm sạch, ông Bùi Ngọc Uyên nhấn mạnh, đó là việc của đơn vị thí điểm. Còn chế độ vận hành hệ thống thoát nước thành phố vẫn theo quy định bình thường.
“Nước hồ đầy thì phải xả lấy chỗ chứa chuẩn bị mùa mưa”, vị này lý giải.
Cũng liên quan đến việc thử nghiệm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây, hôm 7/2, Tổ chức JEBO của Nhật Bản có thông cáo báo chí cho rằng, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã “thông tin sai sự thật” về việc JEBO thử nghiệm mà không xin phép Hà Nội.
Cùng với đó, JEBO cũng bác bỏ việc Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Dục cho rằng các nhà khoa học Nhật Bản đã thử nghiệm thất bại.
“Với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của người Nhật, chúng tôi thấy cần công bố rõ thông tin chi tiết, tài liệu bằng chứng liên quan để dư luận được biết”, JEBO khẳng định.
Đơn vị này cho biết đại diện chính quyền Hà Nội đã có kết luận “Đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với JVE thực hiện thí điểm xử lý làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản”.
Tổ chức Nhật Bản “cảm thấy buồn” vì ngài Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (ông Nguyễn Đức Chung) lại “thông tin sai sự thật” – về việc JEBO tự ý làm mà không xin phép.
“Đến giờ phút này, biết bao công sức, tiền của, thời gian của chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý sông Tô Lịch này nhưng JEBO thấy buồn vì Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã thông tin không đúng sự thật, rằng chúng tôi tự ý làm chui, không hề xin phép”, văn bản của JEBO nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 6/2, khi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, ông Chung khẳng định, cơ quan Nhật Bản vào thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch mà không hề xin phép. JEBO chỉ thông qua Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Nói về vụ lùm xùm báo chí đưa khi xả nước Hồ Tây, cuốn trôi thành quả thử nghiệm, ông Chung nói đây là “trong quá trình làm thì xảy ra câu chuyện có mưa”…
“Xin khẳng định với các bác (cử tri - PV) là tôi chịu trách nhiệm về việc này. Trước khi xả nước Hồ Tây đã thông báo đầy đủ cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Nhật Bản (JEBO)”, ông Chung khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, việc phía Nhật mời báo chí truyền thông đến đưa tin việc thử nghiệm để khuếch trương khi chưa có kết quả thử nghiệm, chưa được cơ quan chức năng đánh giá, không phối hợp với các cơ quan xử lý thông tin là “gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận”.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 28/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Giám đốc Công an Hà Nội mang quân hàm Thiếu tướng bị Bộ Công an ra lệnh bắt và khám xét nơi ở, nơi làm việc.
Ngày 26/11, ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo khoản 3, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 10-15 năm tù. Tuy nhiên, tại phiên xử hôm 11/12/2020, ông Chung chỉ bị tuyên phạt 5 năm tù.
Ngày 17/3, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại tiếp tục bị khởi tố thêm tội danh mới, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong vụ án mua chế phẩm Redoxy 3C để làm sạch sông, hồ ở TP.Hà Nội, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.