Với nỗ lực tăng cường đầu tư cho VinFast, Vinsmart và cam kết có đầy đủ tiềm lực kinh tế cũng như dòng tiền để thanh toán các khoản liên quan đến trái phiếu, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đang dần khẳng định vị thế, thương hiệu và uy tín vượt ra khỏi ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng huy động 500 triệu USD trái phiếu quốc tế
Việc Tập đoàn Vingroup (HoSE:VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiến hành lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án chào bán và niêm yết trái phiếu quốc tế là động thái gây chú ý đối với giới chuyên gia và nhiều nhà đầu tư.
Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Vingroup ( “đứa con tinh thần” của tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam Phạm Nhật Vượng) đã công bố kế hoạch phát hành và niêm yết trái phiếu trên thị trường quốc tế để lấy ý kiến cổ đông của Tập đoàn bằng văn bản.
Cần nhắc lại, ở Việt Nam quy định, “trái phiếu quốc tế” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trên thị trường tài chính quốc tế. Theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 17 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp sẽ không được Chính phủ bảo lãnh.
Doanh nghiệp bao gồm các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo thông báo của HĐQT, Tập đoàn Vingroup sẽ huy động tối đa 500 triệu USD trái phiếu chỉ trong một đợt phát hành.
Được biết, mệnh giá mỗi trái phiếu dự kiến là 200.000 USD. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm với kỳ thanh toán lãi 6 tháng/lần và thanh toán gốc cuối kỳ hoặc trước hạn tùy thuộc vào thị trường và điều kiện phát hành cụ thể.
Về phương thức thanh toán, Vingroup cho biết có thể được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thị trường.
Theo thông tin được công bố, lãi suất trái phiếu của Vingroup có thể là cố định, thả nổi hoặc kết hợp giữa hai phương thức này tùy theo sự phê duyệt của Hội đồng Quản trị phụ thuộc vào tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Bên cạnh đó, lần này, trái phiếu do Vingroup phát hành sẽ không có tài sản bảo đảm.
Tham gia mua trái phiếu quốc tế của Vingroup, các nhà đầu tư có thể sử dụng trái phiếu của mình để thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes do Vingroup hoặc Vinpearl sở hữu.
Đồng thời, giá thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu sẽ do Hội đồng Quản trị và lãnh đạo Vingroup quyết định trên cơ sở xem xét giá cổ phiếu Vinhomes tại thời điểm phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, giai đoạn thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu cũng sẽ do HĐQT Vingroup quyết định cụ thể trong các điều kiện, điều khoản phát hành.
“Vingroup cũng có quyền mua lại trái phiếu từ cuối năm thứ 3 nếu giá cổ phiếu Vinhomes cao hơn một mức giá nhất định”, Tập đoàn này khẳng định.
Đáng chú ý, vì là trái phiếu quốc tế nên đợt phát hành này sẽ không được chào bán, niêm yết, giao dịch ở thị trường Việt Nam. Tập đoàn Vingroup sẽ tiến hành niêm yết số trái phiếu này trên sàn Chứng khoán Singapore.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm gì?
Nếu được cổ đông thông qua và đi vào thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng huy động trái phiếu trên thị trường quốc tế dù các thông tin tương tự cũng đã xuất hiện thời điểm trước đó.
Được biết, hiện Vingroup vẫn chưa phát hành trái phiếu quốc tế và đã thực hiện phát hành trái phiếu trong nước với tổng giá trị huy động đạt 5.000 tỷ VNĐ. Đáng chú ý, trái phiếu đã phát hành của tập đoàn này vẫn chưa đến hạn thanh toán gốc và lãi.
Lý giải về việc huy động 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, Vingroup cho biết, nguồn vốn có được thông qua hoạt động niêm yết trái phiếu quốc tế lần này sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành, các khoản gốc, lãi và khoản phải trả khác đến hạn của một số khoản nợ nước ngoài của Vingroup.
Bên cạnh đó, tiền huy động được từ nguồn trái phiếu quốc tế cũng sẽ giúp thực hiện các dự án do chính Vingroup làm chủ đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động thông qua việc đầu tư, góp vốn vào công ty con và bổ sung vốn hoạt động kinh doanh chung.
HĐQT Vingroup nhấn mạnh rằng, vì trái phiếu sẽ phát hành bằng USD nên tất cả khoản tiền phải thanh toán liên quan cũng sẽ bằng USD.
Do đó, sự biến động của tỷ giá VND và USD sẽ ảnh hưởng đối với các khoản thanh toán.
“Vingroup sẽ chủ động giám sát biến động tỷ giá VND và USD để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán”, Tập đoàn này khẳng định.
Hiện tại, Vingroup tin tưởng có đầy đủ tiềm lực kinh tế và dòng tiền để thanh toán các khoản liên quan đến trái phiếu.
Vingroup từng huy động vốn thành công trên thị trường quốc tế như thế nào?
Theo tìm hiểu, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng huy động vốn rất thành công trên thị trường quốc tế. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2019, Vingroup đã thực hiện tới 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền 7,6 tỷ USD (bao gồm vốn vay và vốn cổ phần).
Một số nguồn tin xác nhận, tháng 5/2013, thương vụ huy động vốn cổ phần đầu tiên của Vingroup là khoản đầu tư 200 triệu USD từ Warburg Pincus vào Vincom Retail.
Đến khoảng tháng 6/2015, quỹ đầu tư này tiếp tục rót thêm 100 triệu USD. Đầu tư 300 triệu USD để đổi lấy 20% cổ phần, Warburg Pincus đã lãi hơn gấp đôi khi Vincom Retail thực hiện IPO vào cuối năm 2017.
Sau đó tiếp tục là đợt huy động vốn lớn diễn ra vào tháng 5/2018 với 1,35 tỷ USD, đây là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của Vinhomes.
Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến việc trong năm 2018, số tiền Vingroup huy động từ thị trường quốc tế lên đến 4,4 tỷ USD, chủ yếu cho các đơn vị thành viên là Vinhomes và VinFast.
Đến tháng 5/2019, thương vụ huy động vốn đạt một tỷ USD của Vingroup được thực hiện với đối tác chiến lược SK Group.
Vừa qua, trong nước, Tập đoàn Vingroup đã công bố báo cáo kết quả đợt chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 huy động thành công 1.515 tỷ đồng/
Theo Vingroup, mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng, có kỳ hạn 3 năm. Đồng thời, trái phiếu trong cả ba đợt là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm. Vingroup hiện đang nỗ lực tăng vốn cho VinFast và Vinsmart.
Nỗ lực khẳng định thương hiệu, uy tín của Vingroup
Thông qua động thái huy động 500 triệu USD trái phiếu quốc tế của Vingroup có thể thấy, việc chủ động trong huy động vốn đầu tư qua kênh phát hành trái phiếu quốc tế thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công hoặc dựa vào các khoản vay của Chính phủ sẽ là xu hướng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Thực tế, trên thế giới, đã có nhiều doanh nghiệp đi theo cách này và gặt hái thành công. Thậm chí, tại một số quốc gia phát triển, chính quyền các thành phố hay Chính phủ có thể chủ động đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc huy động vốn thông qua trái phiếu quốc tế, đó không chỉ là vốn, mà còn là cách những doanh nghiệp lớn như Vingroup khẳng định thương hiệu, tên tuổi của mình vượt khỏi tầm Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đây là xu hướng cần thiết và tích cực thì doanh nghiệp Việt Nam (trong trường hợp này là Vingroup) cũng cần bị tinh thần làm việc chuyên nghiệp theo phong cách quốc tế, hướng tới sự minh bạch thông tin cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, tránh các rủi ro không cần thiết.