Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga RDIF ông Kirill Dmitriev xác nhận phía Việt Nam đã chính thức cấp phép cho Sputnik V đồng thời nhấn mạnh đây là một trong những vaccine tốt nhất thế giới.
Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga
Ngày 23/3, Bộ Y tế Việt Nam đã có quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine Sputnik V (Gam Covid-Vac) của Nga dành cho nhu cầu tiêm chủng cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Trương Quốc Cường ngày 23/3 đã ký Quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V) của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn tin từ Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga RDIF cũng xác nhận việc Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt Sputnik V của Nga.
Vietnam becomes the 56th country to approve Sputnik V.
— Sputnik V (@sputnikvaccine) March 23, 2021
Việt Nam trở thành quốc gia thứ 56 phê duyệt vắc xin #SputnikV.
👇https://t.co/fgjJlHnAPL
Theo ông Kirill Dmitriev, CEO của Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, việc Việt Nam phê duyệt vaccine chống coronavirus Sputnik V của Nga không chỉ góp phần củng cố tăng cường quan hệ Nga – Việt mà còn có tác động đến tình hình chung của khu vực Đông Nam Á thông qua hiệu quả bảo vệ người dân và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Nga và Việt Nam có lịch sử quan hệ đối tác lâu dài bao hàm nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có những nỗ lực chung để đấu tranh chống đại dịch. “Sputnik V” là một trong những loại vaccine tốt nhất trên thế giới. Được phê duyệt ở Việt Nam, một trong những đất nước đông dân nhất ở Đông Nam Á, vaccine này sẽ giúp bảo vệ mọi người và cho phép tiến gần hơn đến việc dỡ bỏ các hạn chế vốn phải áp dụng do dịch bệnh coronavirus”, lãnh đạo RDIF nhấn mạnh.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) thông báo về việc vaccine “Sputnik V” ngừa coronavirus đã được Bộ Y tế CHXHCN Việt Nam cấp phép đăng ký.
RDIF tuyên bố rằng, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 56 phê chuẩn sử dụng vaccine của Nga. Việc đăng ký “Sputnik V” được thực hiện trong khuôn khổ thủ tục ủy quyền sử dụng khẩn cấp (emergency use authorization, EUA).
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga cũng khẳng định, vaccine “Sputnik V” được chấp thuận phê duyệt ở các nước với số dân tính chung lên đến hơn 1,5 tỷ người. Về số lượng nhận phê chuẩn của các cơ quan quản lý Nhà nước của các quốc gia, “Sputnik V” đứng thứ hai trên thế giới.
Bộ Y tế thông tin về vaccine Sputnik V của Nga
Như vậy, với việc phê duyệt Sputnik V, chế phẩm của Nga trở thành vaccine thứ 2 trên thế giới được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt, cấp phép sau AstraZeneca (hồi đầu tháng 2/2021).
Thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết, vaccine Sputnik V được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm do JSC Generium - Liên Bang Nga sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng thông tin, Cục Quản lý Dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu vaccine theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu cũng như thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Bộ Y tế Việt Nam cho hay, mỗi liều vaccine Sputnik V 0,5ml thành phần I (mũi tiêm 1) có chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt virus Adeno type huyết thanh 26 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, mỗi liều 0,5ml thành phần II (mũi tiêm 2) chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt vi rút Adeno typ huyết thanh 5 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Sputnik V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V của Nga chứng minh hiệu quả lên tới 91,6 % trong việc chống lại virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19.
Đặc biệt, đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ hiệu quả lên tới 91,8%. Sau khi tiêm, 98 % tình nguyện viên được ghi nhận quá trình sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2.
Quá trình Việt Nam đánh giá tính an toàn và phê duyệt Sputnik V của Nga
Được biết, tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga.
Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế cũng là đơn vị có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine.
Ngoài ra, POLYVAC cũng là bên chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vaccine.
Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam cũng giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine Sputnik V.
Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vaccine trước khi đưa ra sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Y tế Việt Nam cho hay, vaccine Sputnik V được phê duyệt dựa trên các thông số, dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế cung cấp cho Bộ tính đến ngày 25/2.
Đồng thời, POLYVAC cũng là đơn vị cam kết về tính chính xác, xác thực của những tài liệu đã cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam liên quan đến vaccine Gam-COVID-Vac.
Như đã thông tin, từ ngày 25/2/2021, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga.
Lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga đã được chuyển sang Việt Nam hôm 16/3 trong chuyến công tác hai ngày của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga đến Hà Nội.
Đây là quà tặng mà Liên bang Nga gửi tặng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam, khẳng định tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp cũng như nỗ lực chung trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Việt Nam đạt bước tiến dài trong phát triển vaccine Covid-19
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 từ ngày 8/3.
Theo số liệu từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến ngày 22/3, tổng cộng đã có hơn 36.082 người được tiêm vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế Việt Nam khẳng định vừa tiến hành tiêm vừa tuân thủ và kiểm soát nghiêm ngặt quy trình an toàn khi tiêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn trước đó cho biết, trong năm nay Việt Nam đã chắc chắn có 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ chương trình cung ứng vắc xin toàn cầu COVAX, 30 liều do Việt Nam đặt mua từ nhà sản xuất này trước đó.
Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam hiện cũng đang tích cực đàm phán với các hãng dược Pfizer, Moderna (Mỹ) và Sputnik V của Nga để đa dạng thêm nguồn vaccine.
GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam không thiếu vaccine để tiêm cho người dân. Kế hoạch mục tiêu của Việt Nam là có đủ 150 triệu liều vaccine trong năm 2021.
Tin vui nữa là tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 22/3, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, đồng thời hy vọng vào cuối Quý III tới Việt Nam sẽ có vaccine Covid-19 đầu tiên để tiêm.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 vừa nhanh, khẩn trương nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ quy trình, quy chuẩn, không bỏ qua bất cứ giai đoạn then chốt nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Vaccine của Việt Nam như Nanocovax và Covivac đang được giới chuyên gia đánh giá cao về chất lượng, khả năng sinh miễn dịch tốt và tính an toàn cao.