Tuyên bố chung thể hiện ý chí của những người đứng đầu cơ quan quân sự của Australia, Canada, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
«Chúng tôi lên án việc quân đội Myanmar và lực lượng an ninh hữu quan sử dụng vũ lực sát thương chống lại những người dân không có vũ khí. Binh sĩ chuyên nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn ứng xử quốc tế và chịu trách nhiệm bảo vệ, chứ không được làm tổn hại đến những người mà họ phục vụ. Chúng tôi kêu gọi lực lượng quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực và khôi phục sự tôn trọng và lòng tin với người dân Myanmar, thứ mà họ đã đánh mất do hành động của mình», - tuyên bố đăng trên trang web của Lầu Năm Góc.
Nhiều người chết trong cuộc biểu tình ở Myanmar
Hôm Chủ nhật, Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP) tuyên bố có hơn 90 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ngày thứ Bảy giữa người biểu tình và lực lượng an ninh do Chính phủ quân sự phái đến để đàn áp. Thông báo cũng cho biết, tổng số người chết do đụng độ giữa người biểu tình và công lực kể từ ngày 5 tháng 2 bắt đầu những cuộc biểu tình lớn chống chính quyền quân sự cho đến ngày 27 tháng 3 đã lên tới 423 người.
Trước đó, phái bộ Liên Hợp Quốc tại Myanmar đã báo cáo về ngày «đẫm máu nhất» kể từ thời điểm xảy ra đảo chính quân sự.
Đảo chính quân sự ở Myanmar
Ngày 1 tháng Hai, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong một năm và cách chức ban lãnh đạo đất nước. Đại diện phái quân sự giải thích lý do hành động này là do trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 đã có gian lận quy mô lớn.