Về cơ chế hoạt động, ô tô điện (EV) là ôtô cắm điện với lực đẩy từ một hoặc nhiều động cơ điện, sử dụng năng lượng được lưu trữ trong pin sạc cho ôtô. Từ năm 2008, công nghệ này bắt đầu với ngành công nghiệp sản xuất EV, khi các động lực chính là những tiến bộ về pin, lo ngại dầu tăng giá và mong muốn giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, so với động cơ đốt trong, xe chạy EV êm hơn, không có khí thải đuôi xe và thường tạo ra lượng khí thải thấp hơn. Chính vì thế, một số chính quyền cấp quốc gia và địa phương đã đưa ra các khoản giảm thuế, trợ giá và ưu đãi khác để đẩy mạnh việc giới thiệu và áp dụng EV trên thị trường đại chúng.
Điều đặc biệt không thể không nhắc tới là sự tăng trưởng thần tốc của Tesla - hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk - được coi là minh chứng cho tương lai đầy hứa hẹn của EV. Dấu hiệu khả quan nhất là vào đầu năm 2021, giá cổ phiếu của Tesla ghi nhận mức tăng gần 800% so với 12 tháng trước đó. Đà tăng đưa CEO Elon Musk lên vị trí người giàu nhất hành tinh.
Các nhà đầu tư định giá Tesla cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của cả bốn đại gia tên tuổi trong ngành - Toyota Motor, Volkswagen, General Motors và Ford - cộng lại. Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Moya (Mỹ) nhận định tỷ phú Elon Musk đã "thay đổi thị trường EV mãi mãi". Ông Edward nói thêm:
"Hãng xe điện của ông tận dụng xu hướng năng lượng sạch, nhất là khi người dùng e ngại các phương tiện giao thông công cộng vì dịch Covid-19".
Vậy, ở thị trường Đông Nam Á thì sao?
Tham vọng đi đầu về xe điện tại Đông Nam Á
Vào tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan đã công bố lộ trình đặt mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện vào năm 2025, trong đó có 3.000 xe buýt chạy bằng điện và 53.000 xe máy điện. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak từng cho biết:
“Chính phủ muốn đưa Thái Lan trở thành một trung tâm chế tạo ô tô thế hệ mới trong khu vực ASEAN. Để thực hiện, Thái Lan sẽ sửa đổi những ưu đãi về xe chạy điện đối với các nhà chế tạo ô tô và phụ tùng, nhằm giúp cho sản xuất trở nên hấp dẫn hơn”.
Trước những động thái này của Thái Lan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu về đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện tại khu vực ASEAN của Thái Lan. Với thông điệp này, Chính phủ đang thể hiện mong muốn Việt Nam sẽ phát triển ngành sản xuất xe điện trong tương lai.
Trên thực tế, từ lâu, Chính phủ Thái Lan đã muốn tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển trở thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới. Cụ thể, quốc gia này đã đào tạo cán bộ và chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là phát triển nghiên cứu, chế tạo pin nhiên liệu, động cơ điện.
Tại Việt Nam, cũng đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện. Năm 2019, Công ty Vinfast đã cho ra mắt các phẩm xe máy điện và đạt doanh số bán tới 50.000 chiếc. Theo kế hoạch, tháng 4 năm nay, công ty này sẽ cho ra mắt chiếc ô tô chạy điện đầu tiên. Với các đối tác của là các công ty EDAG (CHLB Đức), Kreisel Electric (Áo), đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phát triển ô tô điện hiện nay, liệu “Giấc mơ ô tô điện” của Vinfast có thành hiện thực?
Theo khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) cho biết, có 33% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đều trả lời rằng họ nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu ra mắt. Có thể nói đây là một con số đầy tiềm năng để phát triển xe điện tại Việt Nam. Một trong những thế mạnh ở thị trường Việt Nam là có dân số trẻ, cùng với tốc độ kết nối Internet mạnh mẽ, cụ thể lượng người sử dụng Internet qua điện thoại thông minh rất cao. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế hiện nay như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian.
Những trở ngại trong thị trường ô tô điện tại Việt Nam
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với Việt Nam hiện nay là chưa có hạ tầng cho xe điện. Không có hệ thống các trạm sạc hay đổi pin rộng khắp, xe điện khó phát triển. Cùng với đó, các chính sách phát triển xe điện chưa đồng bộ. Cụ thể với ô tô điện, hiện chỉ được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và được miễn thuế nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Chưa kể các vấn đề về công nghệ như sạc pin tốn thời gian, quãng đường di chuyển ngắn.
Trả lời câu hỏi đó, Vingroup và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai hệ thống trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện. Theo kế hoạch, hai bên sẽ thiết lập 30.000-50.000 trạm sạc và thuê pin trên toàn quốc. Ngoài ra, chủ đầu tư một số khu đô thị, chung cư mới cũng đang xây dựng hạ tầng các trạm sạc pin, giống như một tiện ích để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác đối với xe điện là công nghệ lưu trữ năng lượng. Pin lithium (pin thể lỏng) hiện nay được cho đã tới hạn. Nếu muốn tăng dung lượng chứa điện, khối lượng của pin trở sẽ nên lớn, dẫn tới chi phí cao và khả năng vận hành kém. Cùng với đó là thời gian nạp đầy sẽ rất lâu.
Thử hình dung, một chiếc ô tô điện có thể di chuyển quãng đường 300 km thì hết điện và cần khoảng 6 tiếng để sạc đầy pin. Ước tính quãng đường, nếu lái xe từ Hà Nội đến Vinh thì vừa hết điện. Để xe điện hoạt động bình thường, đòi hỏi phải có hệ thống các trạm sạc và đổi pin trên đường. Nếu chưa có hạ tầng tốt, lái xe từ Hà Nội đến Vinh sẽ phải rất tiết kiệm. Có thể không sử dụng điều hòa, giữ dải tốc độ ổn định, không vọt ga, phanh gấp,... Nếu chẳng may gặp tắc đường, lại không thể tắt máy, thì có nguy cơ xe dừng giữa đường. Xét tình huống như vậy, chẳng ai muốn lái ô tô điện, cứ xe xăng mà chạy cho thoải mái.
Trên thực tế vào năm 2016, Tập đoàn Mai Linh có kế hoạch thay thế xe taxi chạy xăng bằng chạy điện, tuy nhiên đã phải hủy bỏ vì tính toán hiệu quả kinh doanh thấp. Xe chỉ chạy trong quãng đường ngắn, thời gian sạc đầy pin lâu và thiếu các trạm sạc trên đường. Nếu xe đang chở khách, hết điện sẽ thế nào? Thời gian sạc pin lâu cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của khách, giảm thời gian hoạt động của xe.
Theo tính toán, để đầu tư một trạm sạc pin, chi phí còn lớn hơn một trạm bán xăng dầu hiện nay bởi phải sử dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới sạc pin hay cho thuê pin rộng khắp không hề dễ dàng, đỏi hỏi rất nhiều vốn liếng và thời gian. Hơn nữa, giá ô tô điện hiện nay vẫn cao hơn ô tô chạy xăng, vì vậy cũng khó khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn.
Hiện sản xuất lắp ráp ô tô điện tại Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% so với xe chạy xăng dầu thông thường. Những chính sách này được cho là chưa đủ hấp dẫn với các DN và người tiêu dùng. Chính vì thế, cần phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triện mạng lưới trạm sạc pin. Nếu không, những chiếc ô tô điện nếu có chạy cũng chỉ loanh quanh trong khoảng cách ngắn. Hạ tầng chưa có thì dùng xe điện chỉ để “làm cảnh”.
Thực tế, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam đang tăng nhanh, đến 2025 sẽ đạt khoảng 800.000 xe/năm và 2030 đạt trên 1 triệu xe/năm. Số lượng ô tô tăng nhanh dẫn tới hệ lụy lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển ô tô điện sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.
Tuy nhiên, sự thành công của xe điện còn phụ thuộc vào việc hợp tác giữa Chính phủ, DN và các bên liên quan khác. Theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức), cho biết cần nghiên cứu và ban hành các chính sách đồng bộ sớm, để thúc đẩy sản xuất xe điện và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản.
Điều đó có nghĩa là việc sản xuất xe điện không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, mà còn ưu đãi thuế và hỗ trợ cho người dùng để xe điện thực sự phát triển ở Việt Nam.