"Những người trở về chủ yếu là dân cư của những ngôi làng không trực tiếp bị bắn phá và nằm ở ngoại vi khu vực diễn ra chiến sự vào thứ Bảy và Chủ nhật. Hai ngày qua bình yên, không có các cuộc đụng độ và đánh bom mới", - một trong những tình nguyện viên địa phương giúp đỡ những người tị nạn cho các phóng viên biết.
Ông nói thêm rằng, hôm thứ Hai, quân đội và cảnh sát biên giới Thái Lan đã được lệnh không cho phép người tị nạn mới vào Thái Lan sau khi hơn 3.000 người đã vượt biên vào thứ Bảy và Chủ nhật. Ngoại lệ chỉ dành cho những người bị thương.
"Hôm qua, những người tị nạn mới được giải thích rằng cho đến khi Bangkok có quyết định xử lý thế nào với họ, tốt hơn hết là họ nên trở về Myanmar, nếu có thể", - tình nguyện viên nói.
Những người tị nạn trên cả hai bờ Salween được các tình nguyện viên từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế và cư dân địa phương giúp đỡ.
"Tất nhiên chúng tôi chăm sóc họ. Cần hiểu rõ tình hình trên sông Salween: người Karen sinh sống ở cả hai bờ từ những ngày chưa có biên giới. Chúng tôi đều là họ hàng, dù xa hay gần. Có rất nhiều các cặp mà vợ hay chồng sinh ra và lớn lên ở bên bờ kia, và chúng tôi thường xuyên đi thăm họ hàng sang bên bờ Myanmar, họ cũng vậy", - ông nói.
Không có chốn trở về
"Bây giờ chúng tôi đang chờ đợi quyết định của chính phủ Bangkok. Nhiều người trong số những người ở lại lãnh thổ Thái Lan đã không còn nơi nào để trở về, nhà cửa của họ đã bị bom phá hủy. Hôm nay từ phía bờ bên kia lại nghe thấy tiếng súng bắn, sau đó một chiếc thuyền chở y tá và người bị thương sang đây. Chúng tôi đang chờ đợi tin tức từ phía người thân bên bờ kia: mạng di động và internet tạm thời vẫn còn hoạt động. Có thể trong những ngày tới sẽ có một dòng người tị nạn trở lại", - tình nguyện viên Karen nói.
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, Thái Lan không theo đuổi chính sách "đẩy" người tị nạn trở lại Myanmar và chấp nhận họ vì lý do nhân đạo.
Tình hình ở bang Karen
Người Karen, một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất ở Myanmar, sống ở bang Karen, giáp với miền bắc Thái Lan. Ngoài ra còn có nhiều khu định cư của người Karen ở Thái Lan, thuộc các tỉnh Chiang Mai, Chiang Rai và Tak.
Liên minh Quốc gia Karen đã chiến đấu chống lại chính phủ trung ương của Myanmar trong thời kỳ khi ở đất nước này xảy ra cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm. Sau khi giới quân sự lên nắm quyền ở Myanmar vào ngày 1 tháng 2 năm nay, tình hình ở bang Karen trở nên xấu đi, các hoạt động chiến sự được nối lại và quân đội Myanmar đã sử dụng máy bay quân sự.