Quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo vệ tốt hơn
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn bà Nguyễn Thị Thủy tán thành báo cáo công tác tư pháp của các cơ quan trong nhiệm kỳ. Ngoài ra, đại biểu này còn phân tích thêm một số kết quả nổi bật trong công tác tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua. Bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh:
“Trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này đã cho bị can được đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án. Tôi còn nhớ, khi xây dựng điều kiện này thì mọi người rất lo ngại. Ngại bị can sẽ xé hay hủy tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên vừa qua, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an đã tiến hành rất chặt chẽ, cho bị can đọc trên bảo sao hồ sơ hoặc trên máy vi tính. Hiện nay, việc này đã đi vào nề nếp. Qua đó bảo đảm quyền hiến định của người bị buộc tội. Đó là quyền đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án để thực hiện quyền tự bào chữa trong trường hợp không có đủ tài chính thuê người bào chữa”.
Tư pháp Việt Nam tiệm cận với thế giới
Một kết quả ấn tượng nữa trong công tác của ngành tư pháp nhiệm kỳ vừa qua, theo bà Nguyễn Thị Thủy, đó là việc bắt buộc thực hiện ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm:
“Trước đây chỉ ghi âm, ghi hình khi xét thấy cần thiết. Còn như thế nào là cần thiết thì lại thuộc quyền đánh giá của các cơ quan tố tụng. Qua giám sát, tôi thấy Bộ Công an đã rất khẩn trương cho việc này. Phải khẳng định rằng, đây là thành tựu của nền tư pháp nước nhà trong việc chống bức cung và nhục hình. Đồng thời, đây cũng chính là chứng cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ hỏi cung đã tiến hành tố tụng đúng luật”.
Cũng theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn, ngành tư pháp Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã tiệm cận được với nhiều tiến bộ của tư pháp thế giới, trong đó Tòa án Tối cao đã áp dụng nhận đơn khởi kiện qua mạng internet. Hệ thống này cho phép người dân gửi đơn trực tuyến mà không phải trực tiếp đến tòa, tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể cho xã hội, đồng thời hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ tố tụng.