Chiều ngày 1/4, Lễ tiếp nhận hơn 811.200 liều vaccine do COVAX Facility cung cấp đã diễn ra long trọng tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Hà Nội.
Bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19
Phó Thủ tướng ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Tô Anh Dũng, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Đặng Đức Anh Viện, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam ông Kamal Malhotra, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới toàn thể người dân Việt Nam, đội ngũ nhân viên Y tế cùng toàn thể đại diện các tổ chức quốc tế chung tay cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.
“Nếu chúng ta cùng nắm tay nhau thì chúng ta sẽ vượt qua được Covid-19. Trong lúc khó khăn, giá trị này minh chứng cho sự cố gắng của tất cả các nhà khoa học đã nghiên cứu cho ra đời vaccine chống dịch. Các nước phát triển đã chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, hiện chưa có đủ tiềm năng trong đó có Việt Nam. Giá trị đó tôi mong rằng sẽ tiếp tục được phát huy. Tôi cám ơn một lần nữa các tổ chức trong và ngoài nước để hôm nay Việt Nam có thể không phải đeo khẩu trang. Tôi một lần nữa cảm ơn nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế trong thời gian qua đã ở lại Việt Nam trong thời gian đại dịch cùng đoàn kết, tuân thủ chống lại đại dịch và lời cảm ơn chân thành nữa dành cho các nhân viên y tế. Sức mạnh đó đã giúp chúng ta trong thời gian sau này". - Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam là nước đang phát triển nhưng cũng ý thức được rằng, Việt Nam không để bùng phát dịch bệnh, tích cực và chủ động phòng chống dịch. Đây cũng là đóng góp của Việt Nam chống dịch trên toàn cầu.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam ông Kamal Malhotra đánh giá, đây là sự kiện lịch sử đối với Việt Nam.
“Hôm nay là ngày lịch sử mà chúng ta rất vui mừng. Lô vaccine đầu tiên đã cập bến Việt Nam. Việc này là tin mừng đối với người dân Việt Nam. Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và kịp thời khi đối phó với đại dịch. Tất cả người dân và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đã cùng nhau vượt qua đại dịch. Ngày hôm nay là thời điểm bước ngoặt vì chúng ta không những nhận hơn 811.000 liều vaccine, mà còn đánh dấu sự chung tay giữa khu vực tư nhân và Liên hợp quốc đã cùng nhau chia sẻ vaccine . Chúng ta hiểu rằng, vaccine là tài sản chung của tất cả các quốc gia, bất kể nghèo hay giàu. Không có cách nào khác ngoài việc tiêm vaccine cho toàn thế giới tạo ra miễn dịch cộng đồng để ngăn biến thể xảy ra” - Ông Kamal Malhotra cho biết.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc cho rằng, vaccine COVID-19 là biểu trưng của tình đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới. Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh:
“Tôi xin cảm ơn đến tất cả các quốc gia có mặt ở đây và UN với những đóng góp đang thực hiện ngay cả khi chúng ta đang gặp khó khăn. Điều này đc đánh giá nhiều nhất trong lịch sử là chúng ta đã chia sẻ như thế nào. Nếu không làm được điều này thì hẳn là thảm hoạ về đạo đức".
Kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam
COVAX Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng Covid-19”. Cơ chế này được lập ra bởi WHO, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI, UNICEFF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh CEPI và các nhà sản xuất vaccine, các đối tác. COVAX được thiết lập nhằm bảo đảm cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine phòng Covid-19. Hiện có 92 quốc gia tham gia vào COVAX Facility.
Toàn bộ 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ được COVAX cung cấp miễn phí cho Việt Nam, thông qua UNICEF mua và cung ứng.
Số lượng vaccine COVAX thấp hơn số lượng dự kiến theo thông báo trước đó. Số lượng giao hàng của lô đầu tiên dựa trên tỉ lệ phân chia công bằng nguồn cung ứng hiện có đối với các thành viên thụ hưởng của chương trình COVAX Facility.
Theo dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.
Ngoài AstraZeneca, Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik của Nga để phục vụ nhu cầu cấp bách chống dịch. Nguồn vaccine trong nước, dự kiến cuối tháng 9, Việt Nam sẽ hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nanocovax.