Hoa Kỳ và Trung Quốc được hãng thông tấn nêu tên là những nước đứng đầu thế giới trong thời kỳ "sau đại dịch". Washington sẽ là đầu tàu phục hồi kinh tế với hàng nghìn tỷ đô la hỗ trợ ngân sách. Thành công của Bắc Kinh là nhờ vào quá trình chống dịch hiệu quả trong nước.
Kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch
Hãng tin lưu ý rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức kỷ lục kể từ những năm 1960 và sẽ lên tới 6,9%. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi này sẽ không phổ biến ở tất cả các quốc gia do tỷ lệ tiêm vắc xin và khả năng cung cấp thuốc khác nhau. Các chuyên gia của hãng thông tấn cho biết các nước đang phát triển và Liên minh châu Âu, trước hết là Pháp và Ý, sẽ nằm trong số những nước tụt hậu.
"Vắc xin vẫn chưa được cung cấp cho tất cả mọi người và không phải tất cả mọi nơi đều có. Quá nhiều người vẫn đang phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và nghèo đói gia tăng. Quá nhiều quốc gia đang bị tụt hậu", - hãng thông tấn trích lời người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva.
Các chuyên gia dự đoán rằng một số quốc gia sẽ cần tới vài năm để trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Riêng những nước có nền kinh tế tập trung vào du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong quý I năm nay kinh tế thế giới tăng trưởng 1,3%. Tỷ lệ tăng trưởng mạnh ghi nhận ở Hoa Kỳ, trong khi GDP của Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh và Nhật Bản đang giảm. Các nước Nga, Brazil và Ấn Độ vẫn đang tụt hậu so với Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng.
Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế, các chuyên gia nêu ra tỷ lệ tiêm chủng ngừa coronavirus trong dân và chính sách tiền tệ. Cụ thể, theo Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế đầu ngành tại ngân hàng JPMorgan Chase, vào năm 2020 ở hầu hết các quốc gia, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất cơ bản để chống khủng hoảng. Nhưng hiện tại họ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn gia tăng lạm phát hoặc thất thoát nguồn vốn ra ngoài.