Động thái Hải quân Việt Nam điều tàu 016 Quang Trung (tàu hộ vệ lớp Gepard của Việt Nam do Nga cung cấp) ra Trường Sa diễn tập khẳng định chủ quyền của Hà Nội đối với quần đảo giữa lúc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang nóng lên.
Việt Nam bất ngờ điều tàu chiến ra Trường Sa giữa lúc Trung Quốc 'quậy' Biển Đông
Tàu hộ vệ Quang Trung tổ chức diễn tập các tình huống chiến đấu, phối hợp với trực thăng săn ngầm tại quần đảo Trường Sa.
"Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung là loại tàu chiến có chức năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến. Các tình huống chiến đấu được tổ chức diễn tập. Từng cán bộ chiến sĩ hải quân đều nỗ lực tuyệt đối với nhiệm vụ của mình", VTV hôm 4/4 đưa tin.
"Trên các đảo của quần đảo Trường Sa, công tác sẵn sàng chiến đấu cũng được thực hiện ở cấp độ cao nhất. Trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, ở từng vị trí, mỗi cán bộ chiến sĩ đều ra sức rèn luyện", VTV cho biết thêm.
016 Quang Trung là tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11661E "Gepard" được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162, Hải quân Việt Nam từ tháng 2/2018. Tàu được trang bị nhiều khí tài hiện đại do Nga sản xuất, nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Tàu hộ vệ lớp Gepard của Việt Nam được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, kết hợp giữa thân vỏ góc cạnh và sơn hấp thụ sóng radar, hạn chế tối đa diện tích phản xạ radar trước các hệ thống trinh sát của đối phương. Tàu cũng được trang bị các hệ thống gây nhiễu, tác chiến điện tử hiện đại.
Vũ khí chính của 016 Quang Trung là 8 tên lửa chống hạm 3M24E với tầm bắn 130 km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng thủ cực gần AK-630M cùng 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Tàu có thể mang theo một trực thăng Ka-28 để tăng khả năng phát hiện, tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
Bộ Ngoại giao nói gì về xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, 25/03 người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, bà Hằng nói thêm.