Cùng với việc rút khỏi Vinmart, mảng bán lẻ, Vingroup cũng thực hiện các giao dịch bán buôn bất động sản lợi nhuận cao, thâu tóm các công ty, đặc biệt là quyết định đầu tư xây dựng công ty công nghệ ở Hàn Quốc (VinTech Korea Research -VKR) hơn 11 triệu USD.
Với những ‘nước cờ chiến lược’, có thể thấy Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang dồn lực cho việc phát triển mảng công nghiệp, công nghệ sáng tạo -các cuộc chơi lớn với VinFast, Vinsmart.
Vingroup thoái vốn khỏi The CrownX ‘chiếc vương miện 7 tỷ USD’
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (HOSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong đầu năm 2021 liên tiếp rút vốn khỏi 2 doanh nghiệp là The Crown X và Vinatex.
Sau việc chính thức tung ra mẫu xe điện đầu tiên của nền công nghiệp ô tô “Made in Vietnam” VF e34 (VF e35 lộ diện riêng với thị trường Mỹ) khẳng định quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nỗ lực để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn – một Việt Nam hoàn toàn khác – trí tuệ, bản lĩnh với đội ngũ nhân lực trình độ cao, mọi động thái của Vingroup, VinFast, Vinhomes hay thậm chí là VinCommerce cũng đều được chú ý.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Vingroup (VIC), trong năm 2021 này, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhiều khả năng sẽ hoàn tất giao dịch bán nốt số cổ phần tại The CrownX ‘chiếc vương miện 7 tỷ USD’ - đơn vị hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer.
Báo cáo kiểm toán công ty mẹ của Vingroup cho thấy khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh đã giảm từ 9.539 tỷ đồng đầu năm xuống còn 5.538 tỷ đồng cuối năm (tính theo giá gốc). Đã có hơn 4,8 triệu cổ phiếu (4.809.729) trong đơn vị này đã được Vingroup chuyển nhượng trong năm 2020. Đối tác nhận chuyển nhượng là Masan.
Theo giải trình của Vingroup, đây là giá trị quyền chọn nhận cổ phần tại The CrownX, công ty do Masan Group lập ra để hợp nhất Vincommerce với Masan Consumer Holdings, hình thành nên một trong những đơn vị bán lẻ - sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam như đã thông tin trước đó.
Số cổ phần còn lại Vingroup đã ký hợp đồng đặt cọc vào ngày 31/12/2020 để chuyển nhượng. Báo cáo cũng lưu ý, nếu việc chuyển nhượng hoàn tất, Vingroup sẽ rút hoàn toàn khỏi công ty sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+.
Trên thực tế, theo thỏa thuận ban đầu, Masan sẽ nắm giữ 70% vốn của The CrownX, phía Vingroup nhận quyền chọn nắm giữ 30% còn lại.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Masan cho biết trong tháng 6 và 8/2020, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX với tổng giá trị 23.692 tỷ đồng. Sau giao dịch, lợi ích kinh tế của Masan trong đơn vị này tăng từ 70% lên 84,8%. Đồng thời, giao dịch này tương ứng định giá công ty CrownX khoảng 160.081 tỷ đồng, gần 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, phần giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần liên quan 14,8% vốn chủ sở hữu The CrownX chỉ là 1.672 tỷ. Điều này khiến Masan phải ghi nhận giảm hơn 22.000 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán cùng năm.
Sau khi chính thức tiếp nhận Vinmart và Vinmart+, tập đoàn Masan tiến hành đóng cửa loạt 700 cửa hàng Vinmart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Masan, quý IV/2020 vừa qua ghi nhận lần đầu tiên VCM ghi nhận lãi EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương.
Masan có kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng Vinmart+ thành điểm đến “tất cả trong một” (one-stop shop) phục vụ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe với mạng lưới 10.000 cửa hàng do Masan tự vận hành.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng có 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình.
Nói về The CrownX, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang coi là “viên ngọc quý trên vương miện” của tập đoàn. Tuy nhiên, tỷ phú cũng thừa nhận, đây là một lùi cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt cho 5 năm tới. Masan quyết tâm xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút vốn đầu tư ở Vinatex
Tuần qua ghi nhận động thái khá bất ngờ của tập đoàn Vingroup khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra quyết định đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam – VGT sau 7 năm đầu tư vào Vinatex.
Theo thông báo được đưa ra, giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 1/4 đến ngày 29/4, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Vingroup sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinatex từ 10% (tương ứng với 50 triệu cổ phiếu) xuống còn 5% (tương ứng 25 triệu cổ phiếu).
Với tỷ lệ này, Vingroup vẫn giữ được vị thế cổ đông lớn của Vinatex sau 7 năm đầu tư vào một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may Việt Nam kể từ hồi 2014 khi Vinatex bắt đầu cổ phần hóa.
Theo báo cáo tài chính năm 2014, giá trị khoản đầu tư vào Vinatex của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là hơn 551 tỷ đồng cho 50 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 11.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, hiện nay, ông Lê Khắc Hiệp - Ủy viên Hội đồng quản trị Vingroup cũng giữ vai trò là Ủy viên Hội đồng quản trị Vinatex. Tuy nhiên, ông Hiệp không sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp dệt may này.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có những giao dịch nào năm 2020?
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bên cạnh những giao dịch bất động sản đứng đầu, khuấy động cả thị trường Việt Nam thì còn liên quan, nắm giữ nhiều cổ phần quan trọng tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, do đó, từng bước đi, nước cờ của tập đoàn đều được các nhà đầu tư cũng như dư luận trong nước tập trung chú ý.
Nhìn lại năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, tập đoàn vẫn có những giao dịch đáng chú ý, những “nước cờ” thuận theo thời thế và được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường và mang lại lợi nhuận.
Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy, năm 2020, doanh thu thuần doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 110.462 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng.
Đến thời điểm cuối năm, tổng tài sản tập đoàn đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh do coronavirus gây ra.
Cùng với đó, báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Vingroup (VIC) cho biết, trong năm 2020, Vingroup chi hàng chục ngàn tỷ đồng để mua các công ty mới và thu lãi gần 17.000 tỷ đồng từ các giao dịch bán buôn.
Theo đó, các giao dịch bán buôn dự án bất động sản liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần tại ba doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam (Công ty MV), Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản MV1 Việt Nam (Công ty MV1) và Công ty cổ phần Kinh doanh Bất động sản S-Vin Việt Nam (Công ty S-Vin).
Cụ thể, năm 2020, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ban đầu góp 99,8% vốn điều lệ vào Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam (gọi tắt là Công ty MV), sau đó chuyển nhượng lại 80% sở hữu trong công ty với tổng giá 8.799 tỷ đồng.
Đồng thời, lãi chênh lệch từ giao dịch ghi nhận 7.148 tỷ đồng. Tổng giám đốc của Công ty MV Việt Nam hiện là ông Nakagawa Kyosuke (Nhật Bản) và là Tổng giám đốc phụ trách bất động sản, hạ tầng của Tập đoàn Mitsubishi tại Việt Nam.
Cùng với đó, Vingroup cũng thành lập Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản MV1 Việt Nam (Công ty MV1) rồi chuyển nhượng 80% sở hữu trong công ty này với giá 9.651 tỷ đồng, ghi lãi 6.785 tỷ đồng.
Mặc dù không còn giữ quyền kiểm soát nhưng Vingroup vẫn có ảnh hưởng đáng kể lên Công ty MV1. Công ty MV1 có vốn điều lệ 12.064 tỷ đồng, hiện 80% thuộc sở hữu bởi Công ty Drigp 2 (Nhật Bản), cũng liên quan đến tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản.
Các giao dịch này liên quan đến nghiệp vụ bán buôn dự án tại Vinhomes Grand Park (Quận 9, TP.HCM).
Ngoài ra, Vingroup thành lập Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản S-Vin Việt Nam (Công ty S-Vin) sau đó chuyển nhượng 90% với giá 3.273 tỷ đồng, thu lãi 2.948 tỷ đồng.
Tổng giám đốc của S-Vin hiện là ông Morita Naohiro, ông này đồng thời là Tổng giám đốc Samty Việt Nam (có trụ sở ở Nhật Bản).
Đầu năm nay, Vinhomes và Samty ký hợp tác cùng phát triển dự án The Sakura – Vinhomes Smart City (Hà Nội) xây dựng 4 tòa căn hộ trong khu đô thị Vinhomes Smart City.
Tổng giá chuyển nhượng ba giao dịch này là hơn 21.700 tỷ đồng, với khoản lãi chuyển nhượng (cho các công ty Nhật Bản) là gần 16.900 tỷ đồng., thu lãi 16.881 tỷ đồng.
Sau khi chuyển cho các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Vingroup cho biết, tập đoàn không còn nắm giữ quyền kiểm soát cũng quyền quyết định đối với các công ty này.
Theo tính toán của Vingroup, các giao dịch bán buôn bất động sản tại các đô thị mà tập đoàn này triển khai vừa giúp doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sớm có được dòng tiền mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Đồng thời, ciến lược bán buôn được Vinhomes (đơn vị thành viên của Vingroup) triển khai khi công ty này có đầy đủ tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu đô thị lớn, đóng vai trò kiến tạo cho các chủ đầu tư khác triển khai dự án.
Bên cạnh các giao dịch bán buôn dự án bất động sản, Vingroup cũng chuyển nhượng 25% tỷ lệ sở hữu trong Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc với giá chuyển nhượng là 1.950 tỷ đồng. Khoản lãi từ giao dịch này là hơn 1.400 tỷ.
Trước đó, tháng 1/2020, Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Công ty Du lịch Phú Quốc nhằm khai thác kinh doanh các khách sạn, sân golf, biệt thự biển thuộc Khu du lịch sinh thái Bãi Dài và Vinpearl Safari nằm ở khu vực phía Bắc, đảo ngọc Phú Quốc.
Năm 2020 vừa qua, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng tiến hành chuyển nhượng 40% cổ phần tại Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng trước thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hùng Vương (hay còn được mệnh danh là vua cá tra) . Giao dịch này được thực hiện với giá trị 1.285 tỷ đồng, phần lãi là 627 tỷ đồng.
Liên quan đến các giao dịch thâu tóm công ty, trong tháng 12/2020, Vingroup hoàn tất mua 96,5% vốn của Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Lai với mức giá 2.780 tỷ đồng.
Công ty Bảo Lai và các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản và các sản phẩm liên quan ở tỉnh Yên Bái. Trong năm 2020, doanh thu hợp nhất của công ty này đạt 482 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế 367 tỷ.
Ngoài ra, Vingroup cũng mua lại một công ty khai thác tài nguyên khác – Hương Hải – Quảng Ngãi với giá 450 tỷ đồng.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chi 4.600 tỷ đồng mua Công ty Đại An, chi 880 tỷ đồng mua Công ty Đầu tư Phát triển Nguyên Phú.
Tập đoàn này chi 9.153 tỷ đồng mua Công ty Du lịch Hòn Một và Công ty Đầu tư Cam Ranh để phát triển lĩnh vực khách sạn, du lịch.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án khu đô thị Đại An, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trị giá 1,4 tỷ USD do Vinhomes làm chủ đầu tư.
Vingroup còn đang tính xa hơn nữa với VinTech Korea
Bước sang năm 2021, báo cáo của tập đoàn cũng cho biết thêm, trong tháng 3 vừa qua, Vingroup đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần tương ứng 56% tỷ lệ lợi ích tại một công ty nước ngoài với tổng giá phí là 11,4 triệu USD.
Cụ thể, Công ty VinTech Hàn Quốc trực thuộc Công ty Cổ phần và Phát triển Công nghệ VinTech được Vingroup khai trương hôm 4/3 ở Daegu Hàn Quốc. Theo đó, VinTech, VinFast có ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Daegu, Khu kinh tế Tự do Daegu Gyeongbuk và Công ty Ajinextek.
Với việc nhượng lại mảng bán lẻ cho Masan cũng như rót hẳn 11 triệu USD đầu tư VinTech Korea Research, có thể thấy, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tập trung dồn sức cho mảng công nghiệp và công nghệ sáng tạo với những ưu tiên cho VinFast, Vinsmart.
Với việc VinTech Hàn Quốc có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, robotics và phát triển các sản phẩm, giải pháp về ô tô, xe máy, nhà máy thông minh, có thể hỗ trợ tối đa cho các sản phẩm của VinFast, Vinsmart.
Với những động thái này, có thể thấy rõ những tính toán chiến lược của Vingroup khi lựa chọn cơ sở nền tảng đầu tư chú trọng về chỉ số sáng tạo công nghệ cao, khả năng chuyển giao công nghệ cũng như kiểm định chất lượng, đồng thời tạo bước đệm chuẩn bị nguồn lực (tài chính, nhân lực, vật lực) chất lượng cao cho những dự án đồ sộ sau này.