Cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) diễn ra trong hình thức trực tiếp ở cấp Giám đốc chính trị vào thứ Ba tại Vienna. Mặc dù có sự tham gia của phái đoàn Hoa Kỳ, sẽ không có tiếp xúc trực tiếp nào giữa người Iran và người Mỹ tại cuộc họp hôm thứ Ba, trước hết vì phía Iran chưa sẵn sàng cho việc này.
«Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ là bước đi đầu tiên và cần thiết nhất để khôi phục Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện. Iran hoàn toàn sẵn sàng để dừng các biện pháp sửa chữa của mình, trở lại thực hiện đầy đủ JCPOA, ngay khi dỡ bỏ trừng phạt và điều đó được xác minh», - Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố trong cuộc gặp ở Vienna của Ủy ban về thoả thuận hạt nhân.
Tiếp sau thông báo của Bộ Ngoại giao Iran, tại Vienna đã diễn ra vòng đàm phán đầu tiên của Uỷ ban hỗn hợp về JCPOA, trong đó Uỷ ban này quyết định tiến hành các cuộc tham vấn chuyên gia về vấn đề dỡ bỏ trừng phạt và hoạt động hạt nhân.
Vấn đề hạt nhân Iran
Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện do «bộ sáu» (Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Pháp) và Iran ký kết vào năm 2015 quy định việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran như là sự bảo đảm để Tehran không sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng thoả thuận này không kéo dài được đến 3 năm: vào tháng 5 năm 2018, Hoa Kỳ tuyên bố đơn phương rút khỏi kế hoạch và tái áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn chống Tehran.
Vào năm 2019, đúng một năm sau khi Hoa Kỳ rút khỏi giao kèo, Iran tuyên bố cắt giảm dần theo từng giai đoạn những nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, từ bỏ hạn chế trong nghiên cứu hạt nhân, máy ly tâm và mức độ làm giàu uranium. Đến cuối năm 2020, Iran bắt đầu thực thi đạo luật quy định làm giàu uranium ở mức cao (từ 20% trở lên), sử dụng các máy ly tâm có công suất mạnh vượt quá các quy định của thỏa thuận, và từ chối không tiếp nhận các cuộc kiểm tra mở rộng của IAEA chừng nào Tehran chưa được tự do buôn bán dầu mỏ và thực hiện giao dịch tài chính.