Vì sao Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính lại được chọn làm tân Thủ tướng của Việt Nam chứ không phải ông Vương Đình Huệ như nhiều người từng suy đoán? ĐBQH, cử tri, người dân Việt Nam kỳ vọng gì ở tân Thủ tướng Phạm Minh Chính?
‘Tất cả vì lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc’
Như Sputnik đã thông tin, ngày 5/4, Quốc hội Việt Nam chính thức tiến hành bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ sau khi đã kiện toàn xong nhân sự Tổng Bí thư (đồng chí Nguyễn Phú Trọng) và Chủ tịch Quốc hội (đồng chí Vương Đình Huệ).
Cụ thể, với 96,25% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu nhậm chức người đứng đầu Chính phủ, ông Chính cho biết, chức “Thủ tướng” vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề. Tân Thủ tướng Việt Nam khẳng định, với trọng trách mới được giao, ông nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ, nỗ lực cùng các đồng chí Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
“Tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Ông Chính mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giám sát của Quốc hội, của Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các vị đại biểu Quốc hội, của báo trí, cử tri, nhân dân.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Tôi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tuyên bố.
Vì sao Việt Nam lựa chọn ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng?
Vì sao ông Phạm Minh Chính được lựa chọn vào vị trí Thủ tướng của Việt Nam chứ không phải ông Vương Đình Huệ hay ai khác như nhiều người suy đoán?
Theo ý kiến của giới quan sát và nhiều chuyên gia, ông Phạm Minh Chính là ứng cử viên “phù hợp” cho vai trò người đứng đầu Chính phủ của Việt Nam. Vì sao?
Ông Phạm Minh Chính, với kinh nghiệm và bản lĩnh đi lên từ một cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kinh tế của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an Việt Nam) để trở thành người đứng đầu về công tác tổ chức, cán bộ của Việt Nam, đồng thời cũng được đánh giá là am hiểu sâu về chiến lược quốc phòng, an ninh của Hà Nội được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của người tiền nhiệm – đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.
Không thể phủ nhận, ông Vương Đình Huệ là một trong những nhà lãnh đạo ‘mạnh’ về kinh tế, ngân sách, tiền tệ, tài chính, kiểm toán của Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phù hợp hơn với vị trí người đứng đầu Quốc hội do một số lợi thế đặc biệt như là một chuyên gia am hiểu tài chính ngân sách, ngoài ra có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, nhờ đó, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng ông Huệ sẽ hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch Quốc hội, kế nhiệm đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân.
Về phần ông Phạm Minh Chính, các chuyên gia nhất trí với quan điểm, trong quá trình công tác của mình, đặc biệt là ‘dấu ấn Quảng Ninh’ với năng lực điều hành xuất sắc thông qua công tác lãnh đạo ở cơ sở cấp khi đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và có uy tín lớn trong điều hành Nhà nước ở cấp độ vĩ mô.
Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đánh giá khi ông Chính kết thúc nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của địa phương này xếp thứ ba cả nước. Trong thời gian gần đây, Quảng Ninh cũng luôn ở top về PCI. Ông Phạm Minh Chính được cho là có đóng góp xứng đáng trong công cuộc cải cách nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI của Quảng Ninh thông qua năng lực lãnh đạo hiệu quả.
Ông Chính cũng được đánh giá là nhà lãnh đạo kỹ trị, thực tế. Đặc biệt, cũng giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay người tiền nhiệm trước – nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Chính luôn xác định quan điểm bảo vệ sự trong sạch của bộ máy chính quyền, Chính phủ, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố đội ngũ lãnh đạo liêm chính.
Trong khi Quốc hội đã bao gồm các đại biểu ưu tú, những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân, thì Chính phủ cũng cần phải là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật với những đại diện ‘trong sạch nhất’.
Khi đảm trách vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính luôn kiên định lập trường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp.
Xác định “danh dự là thiêng liêng, cao quý nhất”, ông Phạm Minh Chính kêu gọi kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền trong nội bộ chính quyền Việt Nam.
Cùng với đó, phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Quan điểm tương tự cũng sẽ được duy trì khi điều hành Chính phủ.
PGS.TS Vũ Minh Khương, làm việc tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kì 2016-2021 cho rằng, ông Phạm Minh Chính có những thế mạnh quan trọng để trở thành “vị Thủ tướng xuất sắc” của Việt Nam.
Theo quan điểm của PGS.TS Vũ Minh Khương, ông Chính là người có tầm nhìn, tâm huyết, năng động và quyết đoán. Những phẩm chất này đã được tôi luyện và biến thành thành quả ấn tượng khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015) và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Lợi thế thứ hai, theo chia sẻ của PGS.TS Vũ Minh Khương trên VOV chính là, khi trở thành Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính sẽ được thừa hưởng một di sản quý mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại, không chỉ về tầm nhìn thôi thúc và nề nếp điều hành mà cả ở uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thế mạnh thứ ba, theo vị chuyên gia, đó chính là các thành viên “tứ trụ” khác như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều có thể sát cánh cùng ông Phạm Minh Chính.
“Tôi tin rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ ưu tú có tầm thời đại và hết lòng vì dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp tạo nên nền móng của một nhà nước hiện đại để Việt Nam trở thành một mô hình phát triển đặc sắc của thế kỷ 21. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ giúp tăng cường lòng tin của nhân dân vào đội ngũ lãnh đạo và hệ thống chính trị”, PGS.TS Vũ Minh Khương nêu ý kiến.
Đánh giá lựa chọn ông Phạm Minh Chính là điểm nhấn nhân sự “độc đáo” cho vị trí Thủ tướng Việt Nam, PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định, phương án này cho thấy khát vọng phát triển và ý chí hành động rất cao của tập thể lãnh đạo Việt Nam trong hành trình đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045.
Kỳ vọng gì ở tân Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Trao đổi với báo chí, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đều “đánh giá cao” phương án nhân sự với việc ông Phạm Minh Chính được bầu làm tân Thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau chỉ ra ba lợi thế vì sao ông Phạm Minh Chính được lựa chọn để giới thiệu bầu làm Thủ tướng.
Theo ông Vân, thứ nhất, ông Phạm Minh Chính là con người trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật, cho nên hơn ai hết tân Thủ tướng là người biết vận hành bộ máy hành pháp theo đúng quỹ đạo mà hiến pháp và pháp luật đã quy định, nên đương nhiên vận hành sẽ có kỷ cương, quy tắc.
“Do vậy tôi tin rằng kỷ cương phép nước sẽ được bảo đảm”, ông Lê Thanh Vân nói.
Tiếp đó, vị đại biểu đánh giá Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là con người hành động. Theo ông Vân, thời đồng chí Phạm Minh Chính còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã tạo ra kì tích rất rõ nét, cả về tổ chức bộ máy, vận hành các thiết chế kinh tế ở địa bàn có nhiều lợi thế. Nhưng rõ ràng, vai trò người đứng đầu đã được phát huy khi tìm kiếm được các chính sách, cơ hội, biến các thách thức thành cơ hội, thành quả mà Quảng Ninh đạt được không thể không nói đến vai trò của đồng chí Phạm Minh Chính.
Ông Lê Thanh Vân nhận định đây là lợi thế thể hiện qua tầm nhìn chính sách và phát huy những lợi thế so sánh, kinh nghiệm đó rất quý giá cho một vị trí là người đứng đầu Chính phủ.
“Do đó, kỳ vọng của tôi với Chính phủ nhiệm kỳ mới là tạo ra xung lực mới trong việc đột phá chính sách, từ bài học thực tiễn rút ra được những kinh nghiệm quy báu trong việc huy động các nguồn lực của cả nước, tập trung cho đầu tư phát triển”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu rõ.
Phân tích về lợi thế thứ ba, đại biểu Vân cho hay, từng nắm cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Phạm Minh Chính là người có nhiều đề xuất tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương ban hành nhiều văn bản, thể chế…
“Đây là lợi thế để đồng chí có thể “cầm cương” duy trì trật tự bộ máy, kỷ cương và công tác nhân sự. Trước hết đó là vận hành một đội ngũ cộng sự của mình trong Chính phủ và các thành viên Chính phủ, biết điều tiết, biết phát huy lợi thế của từng thành viên Chính phủ, biết sử dụng, sắp xếp nhân sự”, đại biểu nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Vân kỳ vọng rằng Chính phủ khóa mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là một Chính phủ mang đến những hơi thở mới, vận hành nhịp nhàng.
Vị đại biểu đoàn Cà Mau tin rằng, nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới dưới dự lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính sẽ có cách tiếp cận mới, phong cách, phương pháp, sẽ có những lựa chọn đột phá, những chuyển biến về kinh tế, nguồn lực đầu tư cho xã hội.
ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, đoàn Thanh Hóa cho rằng, ông Phạm Minh Chính đã thể hiện hình ảnh của người lãnh đạo rất kiên quyết, rất bám sát cơ sở khi ông làm Bí thư của tỉnh ủy Quảng Ninh, sau đó là Trưởng Ban tổ chức Trung ương.
Theo ông Lợi, ông Chính còn là người rất thấu hiểu các nguyên tắc hoạt động của Đảng.
“Với tinh thần đó, với sự lăn lộn đó, gắn bó với thực tiễn, tôi hoàn toàn kỳ vọng Thủ tướng là người quyết liệt, tập trung vào những vấn đề quan trọng của đất nước, giải quyết những vấn đề bức bách mà người dân đang mong đợi”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng thể hiện sự tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính khi từng kinh qua nhiều cương vị.
Bà Hải cho hay, dấu ấn đặc biệt nhất của ông Chính phải kể đến là những biến chuyển của Quảng Ninh - từ kinh tế “nâu” chuyển sang “xanh”. Quảng Ninh trước đó là địa phương có môi trường ô nhiễm, nói đến Quảng Ninh là nói đến khói, bụi, than, nhưng nay địa phương này đã khác.
Nhắc lại việc về Quảng Ninh, mọi người đều nhắc tới dấu ấn của ông Phạm Minh Chính. Những dấu ấn ấy đã được ghi vào trong nghị quyết từ thời ông làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến nay Quảng Ninh vẫn đi theo chủ trương, đường lối đã được xây dựng từ thời đó, trở thành điển hình của khu vực Đông Bắc Tổ quốc về phát triển kinh tế, xã hội
“Đây là kinh nghiệm tốt mà tôi trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy cần học tập”, bà Hải chia sẻ đồng thời bày tỏ tin tưởng trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong điều hành sẽ có những điểm đột phá để đưa đất nước thực hiện khát vọng trở thành nước Việt Nam hùng cường.
Đối với tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong thực hiện công tác trước đây đồng chí đã có nhiều tham mưu mang tính chất đột phá, đã thể hiện sự quyết liệt, am hiểu về kinh tế - xã hội, theo đuổi mục tiêu lớn lao khi thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo địa phương.
“Tôi tin rằng, ở cương vị mới, đồng chí Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất để tạo ra những thành tựu mới cho đất nước”, ông Hiểu bày tỏ.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đặc biệt nêu bật những thành tựu cùng năng lực lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính được thể hiện từ thời còn là Bí thư Quảng Ninh.
Với thực tiễn lãnh đạo địa phương, lĩnh vực, ngành quan trọng then chốt, ông Sinh cho rằng, tân Thủ tướng còn có tư duy đột phá trong xây dựng Nhà nước, xây dựng tổ chức bộ máy. Ở địa phương hay ngành, lĩnh vực mà ông từng lãnh đạo, quản lý đều có sự đột phá và phát triển bền vững với bước đi, cách làm chắc chắn.
Theo đại biểu Quốc hội, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã tham mưu, báo cáo Trung ương ban hành rất nhiều quyết sách, đặc biệt là Nghị quyết 18, 19 về tổ chức, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
“Việc này đã tạo ra bước đột phá về tổ chức bộ máy, tạo động lực thúc đẩy mỗi cán bộ công chức nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, tạo sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị Việt Nam”, ĐBQH bày tỏ.
Thách thức nào mà tân Thủ tướng Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiệm kỳ này?
Bên cạnh những lợi thế để hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Thủ tướng, kế nhiệm người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, theo các đại biểu Quôc hội và chuyên gia, đồng chí Phạm Minh Chính cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, thứ nhất là khó khăn, trở ngại về thể chế, chính sách còn tồn tại, ngổn ngang nhiều vấn đề. Đó là thể chế về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thể chế về tổ chức bộ máy cũng đang quá trình hoàn thiện, đặc biệt thể chế về nhân sự còn rất nhiều vấn đề bất cập, theo tiêu chí về hình thức hay nội dung, theo tiêu chí bằng cấp hay thực chứng.
Cũng theo ông Lê Thanh Vân, đó còn là những thách thức để lựa chọn được đội ngũ cộng sự cho mình. Vấn đề thứ hai là áp lực về những tồn tại đầu tư công, tài chính công, vận hành như thế nào để tạo ra xung lực mới, gần như không thay đổi về nguồn lực, thậm chí dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn. Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để đạt được các kỳ vọng đó thì đây là thách thức với tân Thủ tướng.
“Tôi nghĩ rằng tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo ra xung lực. Theo tôi xung lực ấy chính là dân chủ. Chỉ có dân chủ mới huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó về tài lực chỉ là một nguồn lực thôi, nguồn lực lớn nhất là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc”, ông Vân nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc Chính phủ cần huy động được sức mạnh, gây dựng được niềm tin trong xã hội, ông Vân cho rằng, đây chính là áp lực, thách thức với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Tôi rất kỳ vọng vào tân Thủ tướng và Chính phủ mới sẽ có nhiều đột phá chiến lược”, ĐBQH đoàn Cà Mau bày tỏ.
PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, con thuyền Việt Nam lớn nhanh thì sóng gió cũng lớn nhanh, cùng với các thay đổi cục diện địa chính trị và cạnh tranh kinh tế sẽ không chỉ khốc liệt hơn, chưa kể đến những cú sốc hay mọi diễn biến bất thường đều có thể xảy ra.
Nhấn mạnh giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa trọng yếu trong kiến tạo nền tảng cho hành trình để Việt Nam làm nên kỳ tích phát triển trong 2-3 thập kỷ tới, chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất cho một công cuộc phát triển không ở đâu xa mà nằm ngay trong lợi thế mà mình có sẵn.
“Đó là nguy cơ xem nhẹ và để sa sút ba trụ cột quyết định hiệu lực của một Chính phủ. Đó là lòng tin của dân, tư duy thực tế chiến lược và trọng dụng hiền tài. Nếu không thấy hết nguy hại của những thách thức này, dân sẽ mất lòng tin, Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách thiếu thực tế và nền tảng chiến lược và người tài sẽ bỏ đi”, PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM nêu quan điểm, bên cạnh các vấn đề về giáo dục, xã hội đang tồn tại, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ trong nhiệm kỳ mới cần lưu tâm giải quyết ba điểm nghẽn.
Thứ nhất là cần chóng giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế. Đó là hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông số, hạ tầng về kinh tế số. Thứ hai là vấn đề về thể chế, sớm trình ra Quốc hội chỉnh sửa hệ thống luật pháp để doanh nghiệp an tâm đầu tư. Vấn đề thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chúng tôi tin Chính phủ mới là tiếp tục là Chính phủ hành động như nhiệm kỳ trước, giải quyết nhanh các điểm nghẽn trong nền kinh tế”, ông Ngân khẳng định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Chính phủ mới phải làm sao để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, để các doanh nghiệp “không thua ngay trên sân nhà” và vượt qua thử thách khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.
Ngoài ra, ông Phạm Minh Chính cũng được kỳ vọng có thể cải thiện được “sức ì” của bộ máy hành chính. Phải làm sao để đội ngũ cán bộ trong bộ máy quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các chuyên gia cũng đánh giá, thực tế, ông Phạm Minh Chính hiểu rất rõ những vấn đề nội tại của đất nước, ưu tiên của Chính phủ và những quyết sách cần thực hiện.
Một nhà lãnh đạo tài ba là người luôn biết biến thách thức thành cơ hội và tận dụng lợi thế sẵn có để cùng đội ngũ xuất sắc của mình củng cố bộ máy, tiến những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển của Việt Nam, đảm bảo đất nước vượt qua khó khăn, sẵn sàng đủ tiềm lực đương đầu với thử thách, cạnh tranh với các nước lớn trong cuộc đua trở thành quốc gia phát triển, người dân có thu nhập cao, ấm no, hạnh phúc trong thời gian tới.
Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thành công khi Việt Nam liên tục gây bất ngờ với thế giới, hãy cùng chờ đợi những quyết sách đột phá mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và đội ngũ của mình sẽ tạo nên trong 5 năm tới đây cho khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Việt Nam giành được độc lập, tự do và hạnh phúc.