"Hiệp sĩ Nga" thường xuyên biểu diễn tại các cuộc triển lãm hàng không và kỹ thuật - quân sự khác nhau. Nhưng đồng thời họ là những phi công quân sự, do đó việc trực tiếp huấn luyện chiến đấu được quan tâm hàng đầu. Tất nhiên, những pha nhào lộn trên không khó nhất cũng là một yếu tố trong không chiến.
Về phi đội độc đáo này của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, mà cả thế giới đều biết đến — theo tư liệu của "Sputnik".
Mọi việc bắt đầu thế nào
Mùa xuân năm 1989, Phi đội 1 Trung tâm giới thiệu Trang thiết bị Hàng không (lúc đó là Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 234) nhận vào biên chế máy bay tiêm kích thế hệ 4 Su-27. Các phi công nhanh chóng làm chủ kỹ thuật mới và bắt đầu bay theo đội hình "hình thoi". Các phi công đầu tiên là Anatoly Arestov, Alexander Dyatlov, Ivan Kirsanov và Vladimir Bukin. Không dễ dàng gì để nhóm thực hiện “thuật bay”. Lý do chính là kích thước và trọng lượng (và do đó là quán tính) của Su-27 (chiều dài - gần 22 m, sải cánh - gần 15 m, trọng lượng cất cánh - 30 tấn), và cả đặc tính khí động học tuyệt vời của máy bay.
Đầu năm 1991, đội nhào lộn trên không gồm 6 máy bay được thành lập. Nhóm trưởng là Vladimir Basov. Họ quyết định đặt cho đơn vị mới một tên gọi dễ nhớ. Trong số tất cả các lựa chọn, đã dừng lại ở từ "Vityaz" ("Hiệp sĩ") - cách gọi chiến binh chuyên nghiệp dưới thời nước Nga cổ. «Hiệp sĩ» trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu cao nhất, sức mạnh thể chất, sự quý phái và nam tính. Bộ đồ bay đặc biệt được may riêng cho các phi công của nhóm, màu sắc tươi sáng sơn cho những chiếc máy bay. Và ngày 5 tháng 4 năm 1991, đội nhào lộn trên không sử dụng máy bay chiến đấu - "Hiệp sĩ Nga", chính thức xuất hiện.
Những thành công đầu tiên
Mùa hè năm 1991, cái tên này lần đầu tiên vang lên ở nước ngoài: Vladimir Bazhenov biểu diễn màn nhào lộn solo tại triển lãm hàng không ở Ba Lan. Mùa thu cùng năm, 6 chiếc Su-27 xuất hiện trên bầu trời Vương quốc Anh, trình diễn tại triển lãm hàng không cùng với các đồng nghiệp Anh từ phi đội "Red Arrows". Sau đó, hai phi công "Hiệp sĩ Nga" trình diễn màn nhào lộn trên không trên chiếc Su-27UB hai chỗ ngồi tại triển lãm hàng không ở Praha. Hiệu ứng mạnh đến mức người Mỹ đã hủy trình diễn trên F-15 vì sợ bị "lạc trôi" so người Nga. Một tháng sau, các "Hiệp sĩ Nga" lần đầu tiên đến thăm Đông Nam Á, tham gia triển lãm hàng không LIMA-91 tại Malaysia.
Trong vài năm sau đó, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và tình hình kinh tế khó khăn ở Nga, nhóm bay vẫn tiếp tục gây kinh ngạc với kỹ năng của mình. Các buổi biểu diễn chung được tổ chức với các đội nhào lộn trên không từ Mỹ và Pháp. Tháng 8 năm 1993, Su-27 đã giành được "chiến thắng" khi huấn luyện với máy bay CF-18 Hornet của Canada. Cùng năm, nhóm biểu diễn tại triển lãm hàng không MAKS lần đầu tiên ở Zhukovsky (Nga). Tháng 10 năm 1994, các phi công của nhóm hộ tống danh dự chuyên cơ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II đến sân bay Moskva. Ngày 9 tháng 5 năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng, lần đầu tiên 6 "Hiệp sĩ Nga" tham gia Lễ duyệt binh Chiến thắng ở Moskva.
Tai nạn tại Cam Ranh
Màn trình diễn của các phi công hàng đầu của Nga bị gián đoạn do thảm kịch. Ngày 12 tháng 12 năm 1995, đội bay “Hiệp sĩ Nga" trở về sau một cuộc triển lãm hàng không ở Malaysia. Cần tiếp nhiên liệu ở Cam Ranh - một sân bay rất “khó khăn ” cho việc hạ cất cánh. Trong điều kiện sương mù dày đặc, 3 chiếc Su-27 đã lao vào núi. Bốn phi công - Đại tá Boris Grigoriev, Trung tá Alexander Syrovoy, Nikolai Grechanov và Nikolai Kordyukov - đã thiệt mạng. Sau đó, các sỹ quan được đưa về nhà và chôn cất với danh dự quân đội trong một nghĩa trang gần căn cứ không quân Kubinka.
Phục hồi và bổ sung
Vụ tai nạn gây chấn thương tâm lý nặng nề và đến mùa xuân năm 1996, các phi công mới tiếp tục các chuyến bay huấn luyện. "Bộ sáu" hoàn toàn hồi phục chỉ vào năm 1997 và tiếp tục gây kinh ngạc với kỹ năng nhào lộn trên không. “Hiệp sĩ Nga" biểu diễn xuất sắc tại lễ kỷ niệm 850 năm thành lập Moskva; tháng 11 năm 1998, 5 máy bay của nhóm tham gia triển lãm hàng không ở Chu Hải (Trung Quốc).
Tuy nhiên, vào năm 2002, các "Hiệp sĩ Nga" lại phải hứng chịu mất mát: chỉ huy nhóm - đại tá Sergei Klimov, qua đời. Thay thế ông là Igor Tkachenko. Ngoài ra, do việc chuyển loại của một số phi công, “Hiệp sĩ Nga» trong một khoảng thời gian chỉ hoạt động với 4 chiếc.
Ngày 12 tháng 6 năm 2003, nhân Ngày nước Nga, hai đội nhào lộn trên không của Nga đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ theo một đội hình duy nhất: "Hiệp sĩ Nga" (4 Su-27) và "Strizhi" (6 MiG-29). Năm 2004, diễn ra tổ hợp các cuộc trình diễn bao gồm chuyến bay chung của cả hai đội bay: 9 máy bay (5 Su-27 và 4 MiG-29) trong đội hình "hình thoi" với đầy đủ chương trình nhào lộn trên không, trở thành kỷ lục thế giới trong lịch sử ngành hàng không. Ngày 9 tháng 5 năm 2005, 9 máy bay của "Hiệp sĩ Nga" và "Strizhi" bay qua Quảng trường Đỏ. Và vài ngày sau - lần đầu tiên thực hiện một chương trình hàng không tại Bắc Cực trên bán đảo Taimur.
MAKS-2007 trở thành một sự kiện quan trọng trong lịch sử của đội nhào lộn trên không. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới, đã thực hiện thuật bay phức tạp nhất – nhóm bay "thùng" nằm ngang bằng một nhóm 9 máy bay - gọi là "viên kim cương Kubinka".
Bay là một công việc rủi ro rất lớn và cần đến "thần kinh mạnh mẽ"
Hai năm sau, nhóm lại gặp rủi ro. Ngày 16 tháng 8 năm 2009, khi chuẩn bị cho MAKS-2009, hai chiếc Su-27 đã va chạm trên không gần sân bay Ramenskoye. Kết quả là Igor Tkachenko, nhóm trưởng “Hiệp sĩ Nga”, đã thiệt mạng. Do tai nạn, sự tham gia của đội nhào lộn trong triển lãm hàng không giới hạn trong một chuyến bay đơn giản để tưởng nhớ phi đội trưởng. Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, đại tá Igor Tkachenko được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.
Dù mất mát, nhưng nhóm “Hiệp sĩ Nga” tiếp tục hoạt động với trưởng nhóm mới - đại tá Igor Shpak. Và tiếp tục biểu diễn nhiều buổi ở Nga và nước ngoài. Đặc biệt mang tính biểu tượng là ngày 9 tháng 5 năm 2014, nhân kỷ niệm 69 năm Chiến thắng, hai nhóm "Hiệp sĩ Nga" và "Strizhi" lần đầu tiên diễu hành trên Sevastopol, căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen, trên vùng trời Crưm mới trở về Liên bang Nga.
Trang thiết bị mới
Giữa những năm 2010, những chiếc Su-27 trong đội bay đã hết thời hạn phục vụ. Mùa thu năm 2016, “Hiệp sĩ Nga” nhận được hai lô máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 Su-30SM mới.
Tháng 10 năm 2018, ở tuổi 30, nhóm bay thực hiện chuyến bay thẳng Kubinka-Krasnoyarsk (hơn 3500 km) với việc tiếp nhiên liệu trên không từ máy bay Il-78. Ngày 21tháng Ba năm 2019, trên đường sang Malaysia tham dự triển lãm LIMA-2019, 5 chiếc Su-30SM và vận tải cơ Il-76 đi cùng hạ cánh kỹ thuật xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
Tháng 11 năm 2019 và vào mùa hè năm 2020, phi đội “Hiệp sĩ Nga” được bổ sung các máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ Su-35S. Như chỉ huy của nhóm "Hiệp sĩ Nga" - Sergei Shcheglov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, hai buổi trình diễn ở nước ngoài đã được lên kế hoạch cho năm nay. Và, tất nhiên, ngày 9 tháng 5, trong Lễ diễu hành Chiến thắng, "Viên kim cương Kubinka" sẽ lại bay qua Quảng trường Đỏ: 5 chiếc Su-30SM và 4 chiếc MiG-29.
Phi công trong nhóm “Hiệp sĩ Nga” trước hết là các quân nhân. Do đó, họ cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự, với các khẩu pháo nạp đầy đạn, tên lửa và bom được gắn trên các móc treo.
Nhóm được bổ sung bằng các phi công trẻ, những người vẫn chưa trở thành "vua bầu trời" theo nghĩa đen, và do đó lịch sử hàng không quân sự và trường phái nhào lộn trên không của Nga vẫn tiếp tục.