Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông

CC BY 4.0 / Ministry of Defence of the Russian Federation / (cropped image)Tàu khu trục Quang Trung của Lực lượng Hải quân Việt Nam đã đến Vladivostok
Tàu khu trục Quang Trung của Lực lượng Hải quân Việt Nam đã đến Vladivostok  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Đăng ký
Việc Việt Nam điều tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung lớp Gepard 3.9 ra tập trận tại Trường Sa chứng tỏ rằng: Việt Nam không nói suông.

Trung Quốc dàn trận đồ 'bát quái' ở Biển Đông, khi cho hàng trăm tàu cá neo đậu ở đá Ba Đầu, khu vực bãi đảo Sinh Tồn Đông trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã cử tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung ra diễn tập ở Trường Sa. Hành động của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam mang ý nghĩa gì? Gepard 3.9 Quang Trung được trang bị và khả năng tác chiến của nó như thế nào? Câu trả lời bạn đọc có thể tìm thấy trong trả lời phỏng vấn Sputnik của ông Nguyễn Minh Hoàng – chuyên gia về những vấn đề quân sự và chính trị quốc tế từ Hà Nội.

Trung Quốc tiếp tục “chiến thuật vùng xám”

Sputnik: Hành động của Trung Quốc có bất ngờ không, thưa chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng? Và mục đích của Trung Quốc là gì?

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng:

Việc Trung Quốc cho hàng trăm tàu đánh cá hạng nặng tập trung đậu tại khu vực bãi Ba Đầu nằm trong nhóm đảo/đá/bãi Sinh Tồn Đông trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là điều đã được dự trước trong chuỗi âm mưu của Trung Quốc muốn thôn tính quần đảo này nói riêng cũng như thực hiện âm mưu “đường lưỡi bò”, bất chấp sự phản đối từ nhiều phía trên thế giới. Trước đây, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “dàn khoan đi trước, hải quân theo sau”, “tàu khảo  sát đi trước, hải cảnh theo sau” và “tàu đánh cá đi trước, hải giám theo sau” để cố khẳng định cái mà Trung Quốc gọi là chủ quyền của họ đối với “Vùng nước lịch sử nằm trong “đường lưỡi bò” hay đường 9 đoạn mà họ tự vạch vẽ ra trên bản đồ.

© REUTERS / 2021 Maxar TechnologiesTàu cá Trung Quốc tập trung quanh đá Ba Đầu
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Tàu cá Trung Quốc tập trung quanh đá Ba Đầu

Sputnik: Và chiến thuật Trung Quốc sử dụng lần này cũng không có gì mới?

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng:

Đúng vậy. Các chiến thuật của Trung Quốc cũng không có gì mới. Nó được gọi đích danh là “chiến thuật vùng xám”. Có nghĩa là biến vùng không có tranh chấp (còn gọi là “vùng trắng”) thành vùng tranh chấp (hay còn gọi là “vùng xám”) và sau đó thì dùng vũ lực để biến “vùng xám” đó thành “vùng đen” và cắm cờ chủ quyền của Trung Quốc lên đó. Chiến thuật này né tránh được một trong các điều của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bằng vũ lực đều là lãnh thổ bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.03.2021
Bộ Ngoại giao Việt Nam: Các tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Tuy nhiên, để tăng hiệu lực cho chiến thuật vùng xám này, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng dân quân biển, một tổ chức bán vũ trang của ngư dân Trung Quốc đặt dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam Hải của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (NPLA)  đóng căn cứ chỉ huy tại Trạm Giang. Dân quân Biển được biên chế thành các đại đội tàu đánh cá. Mỗi tàu đánh cá được bố trí một tiểu đội, ba tàu hợp thành một trung đội, mười tàu hợp thành một đại đội, trong đó có một tàu chỉ huy do các sĩ quan NPLA phụ trách. Lực lượng này được trang bị vũ khí bộ binh nhẹ gồm súng trường K63, tiểu liên K56, trung liên, đại liên, súng cối 81mm và pháo phản lực DKZ 75 mm. Đây chính là các vũ khí mà các tàu đánh cá Trung Quốc đã sử dụng khi phối hợp với 4 tàu tuần duyên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.

Với việc đưa dân quân biển ra dàn trận ở những vùng biển của Philippines và Việt nam mà Trung Quốc “nhận xằng” là thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc tránh mang tiếng là gây hấn” trên Biển Đông bằng lực lượng hải quân chính quy, một việc làm có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang quy mô vừa và lớn. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có thể không trú đóng dài ngày ở những vùng bãi đá nhưng chúng có thể thay phiên nhau đồn trú ở đó mà đối phương chỉ có thể dùng biện pháp hành chính để xua đuổi chúng. Điều này gây ra tâm lý căng thường thường trực, làm cho đối phương mệt mỏi, dễ dẫn đến mất cảnh giác. Khi đó, Trung Quốc sẽ dùng lực lượng mạnh để đánh úp và chiếm đóng, tạo nên một “sự đã rồi”. Một sự việc điển hình đã từng xảy ra vào năm 1995 khi Trung Quốc lấy cớ sửa chữa các “chòi ngư dân” ở bãi đá Vành Khăn” (Mischief Reef ) thuộc cụm Bình Nguyên để điều 7 tàu quân sự núp bóng tàu đánh cá đến bãi đá này, bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines đang trú đậu tại đây. Philippines đã phản ứng quyết liệt, sử dụng tàu hải quân bắn chìm một số tàu cá của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 1998, NPLA đã điều một hạm đội trang bị hùng hậu, đánh lui các tàu hải quân của Philippines và chiếm bãi đá Vành Khăn. Hiện nay, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép đá Vành Khăn thành một căn cứ quân sự với đường băng sân bay dài 3.000 m.

© REUTERS / Erik De CastroLá cờ Philippines trên con tàu ở Biển Đông
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Lá cờ Philippines trên con tàu ở Biển Đông

Năm 2012, cũng với thủ đoạn tương tự, Trung Quốc đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough (đá Hoàng Nham), Bãi cạn Scarborough chỉ cách vịnh Subic của Philippines khoảng 230 km về phía Tây, nằm trong EEZ của Philippines và được nước này tuyên bố chủ quyền nhưng không nằm trong phạm vi các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam không nói suông

Sputnik: Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung ra diễn tập ở Trường Sa. Động thái này của Việt Nam có ý nghĩa gì ? 

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng:

Trường Sa - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.08.2016
Hoàng Sa và Trường Sa: sự đe dọa của "đường lưỡi bò"
Việc Hải quân Việt Nam điều tàu khu trục hộ vệ mang tên lửa Quang Trung 016 ra diễn tập thực binh tại Trường Sa nằm trong kế hoạch luyện tập thường niên hàng năm để tăng cường năng lực phòng thủ biển đảo kết hợp với các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; việc Việt Nam triển khai vũ khí trên các thực thể địa lý thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông là hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế. Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác, không xâm phạm chủ quyền của nước khác cũng như không cho bất cứ bên nào sử dụng lãnh thổ của mình để xâm phạm chủ quyền của nước khác. Đó là một hành động hợp lý nhằm “nhắc nhở” phía Trung Quốc cần nhận thức được “lằn ranh đỏ” trước mặt họ để họ biết tự kiềm chế và hành động theo lẽ phải.

Trước việc Trung Quốc cho hàng trăm tàu đánh cá của dân quân biển tập trung quanh đá Ba Đầu với sự yểm hộ của một số tàu hải cảnh, ngày 25-3-2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nói rõ: “Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”. Bà cũng tuyên bố “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”. Vì vậy, có thể hiểu rằng, việc Việt nam điều tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung ra tập trận tại Trường Sa chứng tỏ rằng Việt Nam không nói suông.

Với tàu tên lửa Gepard 3.9 hải quân Việt Nam đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc

Sputnik: Tàu Quang Trung là lớp tàu chiến như thế nào? Nó có thể bảo vệ vùng biển của Việt Nam như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng:

Biển Hoa Nam (Biển Đông) - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.08.2019
Thách thức với ASEAN khi đàm phán COC với Trung Quốc

“016 Quang Trung” là tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard (“Báo đốm”) thuộc dự án 1166.1E nhằm thay thế cho lớp tàu hộ vệ hạng nhẹ Koni có từ thời Liên Xô. Tàu dài 102,4 m, chỗ rộng nhất 14,4 m, mớn nước 3,8m, được nhà máy đóng tàu Zelenodolsk tại Cộng hòa tự trị Tartastan, Liên bang Nga chế tạo từ thép, sợi thủy tinh, hợp kim aluminum-magnesium (dùng cho kết cấu thượng tầng). Tàu có tải trọng trung bình 1.900 tấn, đầy tải 2.100 tấn, được trang bị 2 động cơ diesel 61D công suất 8.000 mã lực mỗi chiếc, có thể đạt tốc độ di chuyển 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa lên tới 6.000 km với tốc độ trung bình 16 hải lý/giờ. Dự trữ hành trình 30 ngày với thủy thủ đoàn từ 84 người đến 100 người.

Vũ khí chống tàu nổi của Gepard 3.9 gồm có:

  • 8 tên lửa chống hạm Kh-35 (2 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 ống phóng), tầm bắn từ 130 km đến 260 km tùy theo phiên bản tên lửa.
  • Phía mũi tàu được trang bị 1 pháo tự động lưỡng dụng đối hải và đối không kiểu AK-176M cỡ nòng 76,2 mm với 152 viên đạn, tầm bắn tối đa 15 km, sơ tốc đầu đạn 980 m/s. Tháp pháo nặng 9,5 tấn, giá đỡ pháo có góc xoay +/- 175 độ theo góc phương vị và độ cao -10 độ đến +85 độ. Pháo AK-176M có thể lựa chọn tốc độ bắn là 30, 60 và 120 viên mỗi phút. Pháo AK-176 có thể chống lại tên lửa đối hạm, trung bình 25 viên đạn có thể bắn hạ một tên lửa chống hạm cận âm kiểu Harpoon của hải quân Mỹ. Riêng các tàu “015 Trần Hưng Đạo” và “016 Quang Trung” được trang bị phiên bản pháo mới AK-176MA, có khả năng bắn bắn tối đa 150 viên/phút với độ chính xác cao hơn với trang bị hệ thống quang học Sfera-2 có phạm vi quan sát lớn hơn, trong khi khối lượng tháp pháo đã giảm xuống dưới 9 tấn.
© Sputnik / Vitaly Ankov / Chuyển đến kho ảnhLễ nghênh đón tàu khu trục "Quang Trung" của Hải quân Việt Nam tại Vladivostok
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Lễ nghênh đón tàu khu trục "Quang Trung" của Hải quân Việt Nam tại Vladivostok

Vũ khí phòng không của Gepard 3.9 là hệ thống phòng thủ tầm gần Palma-SU gồm:

  • 8 ống phóng với 32 tên lửa tầm gần 9M311-M1 dẫn bằng laser SOSNA-R với ngòi nổ vô tuyến, tầm bắn 10 km, độ cao tối đa 5 km.
  • 2 pháo bắn nhanh GSh-6-30 sáu nòng 30mm bắn đạn xuyên giáp (APDS) và đạn mảnh/cháy HEIF, tầm bắn từ 200 m đến 4.000 m, độ cao 3.000 m. Mỗi khẩu pháo có 1.500 viên đạn ở chế độ sẵn sàng, có tốc độ bắn đến 10.000 phát/phút, sơ tốc đạn là 1.100 m/s. GSh-6-30 được điều khiển bằng radar, quang học kết hợp hồng ngoại của hệ thống Palma, có thể phát hiện các tàu cỡ nhỏ ở khoảng cách 70 km và các mục tiêu máy bay chiến đấu nhỏ ở cự ly 7 km. Thời gian phản ứng của Palma-SU rất nhanh do nó được tự động hóa, thời gian từ khi phát hiện mục tiêu đến khi khai hỏa chỉ từ 3 đến 5 giây.
© Sputnik / Maksim BogodvidHạ thủy khu trục hạm thứ hai thuộc đề án "Gepard 3.9" ở Zelenodolsk
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Hạ thủy khu trục hạm thứ hai thuộc đề án "Gepard 3.9" ở Zelenodolsk

Vũ khí chống tàu ngầm của Gepard gồm có:

  • 4 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm được bố trí hai bên sườn. Ngư lôi được sử dụng là kiểu TEST-71M-NK, dài 7,93 mét, trọng lượng 1.820 kg và có đầu đạn 205 kg. Đây là loại ngư lôi có dây dẫn điều khiển, có thể chuyển sang mục tiêu thay thế và nó có thể cơ động theo hai trục. Ngư lôi TEST-71M-NK có tầm bắn 20 km và tốc độ 35 hải lý/giờ, có hai chế độ kích nổ bằng âm học và bằng từ trường.
  • 1 trực thăng Kamov KA-28 biệt danh “Ốc sên” trên sàn đáp phía đuôi tàu. Đây là loại trực thăng săn ngầm hiện đại được trang bị radar E801M Oko tầm quét từ 110 km đến 135 km. Ka-28 còn được trang bị hệ thống máy đo MAD để phát hiện các điểm từ trường bất thường dưới mặt nước, hệ thống radar sonar dò tìm tàu ngầm VGS kết hợp với phao thu sóng thủy âm RGB. Vũ khí trên chiếc Ka-28 gồm có ngư lôi dẫn đường các kiểu AT-1M, VTT-1, UMGT-1 Orlan, APR-2 Yastreb hoặc 36 tên lửa không điều khiển kiểu RGB-NM cùng một số bom chống ngầm.
© Ảnh : Russian HelicoptersKa-27/28
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Ka-27/28

Hệ thống tác chiến điện tử của Gepard 3.9 gồm có:

  • Bộ radar cảnh giới 3 chiều Pozitiv-ME1 hoạt động trên băng tần X, có thể theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc trong khi vẫn có khả năng chỉ thị từ 3 đến 5 mục tiêu cho tên lửa. Pozitiv-ME1 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 150 km bay ở độ cao tới 30.000 mét. Nó có thể phát hiện các mục tiêu trên không có kích thước máy bay chiến đấu với diện tích phản xạ lớn hơn 1 m vuông bay ở độ cao 1.000 mét ở cự ly 110 km cũng như tên lửa chống hạm có diện tích phản xạ từ 0,03 mét vuông trở lên  bay ở độ cao 15 mét ở khoảng cách từ 13 đến 15 km.
  • Bộ radar điều khiển hỏa lực Mineral-ME dùng cho tên lửa chống hạm Kh-35. Ở chế độ chủ động, radar có phạm vi phát hiện tối đa 250 km, trong khi ở chế độ thụ động có thể phát hiện mục tiêu ở phạm vi lên tới 450 km. Nó có thể điều khiển tên lửa có hiệu quả ở phạm vi 30 km trong khi đồng thời theo dõi tới 10 mục tiêu. Radar có thể giám sát tới 200 mục tiêu mặt nước, theo dõi tới 50 mục tiêu (chế độ thụ động) hoặc 30 mục tiêu (chế độ chủ động) trong khi trao đổi dữ liệu mục tiêu với tối đa 9 tàu mặt nước khác.
  • Bộ Radar điều khiển hỏa lực MR-123 Laska dùng cho cho pháo bắn nhanh 30 mm, pháo hạm 76 mm và cho hệ thống phòng không tầm gần Palma.
© Sputnik / Maksim Bogodvid / Chuyển đến kho ảnh Nghi lễ hạ thủy khu trục hạm "Gepard-3.9" ở Zelenodolsk
Đưa Gepard 3.9 mang tên Quang Trung ra Trường Sa, Việt Nam không nói suông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Nghi lễ hạ thủy khu trục hạm "Gepard-3.9" ở Zelenodolsk

Vũ khí phòng thủ thụ động của Gepard 3.9 gồm có:

  • Hệ thống ECM MP-405 E và MP-407E, được thiết kế để ngăn chặn khí thải và tín hiệu của các nền tảng phản xạ điện tử trên không và trên thân tàu như radar phát hiện mục tiêu, radar điều khiển vũ khí và radar tìm kiếm tên lửa chống tàu. Hai hệ thống này có khả năng tự động phân loại các mối đe dọa dựa trên mức độ nguy hiểm của chúng và cung cấp biện pháp gây nhiễu đối với các mối đe dọa. Các hệ thống này cũng tạo ra các tín hiệu giả nhằm phá vỡ hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương. Các hệ thống này còn bao gồm 2 thiết bị đánh chặn thụ động Bell Shroud và 2 thiết bị gây nhiễu Bell Squat.
  • Hệ thống phóng mồi nhử PK-10: các viên đạn do nó phóng ra tạo thành các mồi nhử và pháo sáng để đánh lừa tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại hoặc radar. Một bệ phóng mồi nhử PK-10 mang 10 viên đạn 120mm có chiều dài là 1,22 mét và trọng lượng 25 kg, là loại đạn A3-SR-50, A3-SO-50 hoặc A3-SOM-50.

Toàn bộ các radar được kết nối đồng bộ với hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) Sigma-E là trái tim của con tàu. CMS gồm các máy tính và phần mềm tích hợp tất cả vũ khí, dữ liệu, cảm biến và thiết bị khác của một con tàu vào một hệ thống, tất cả các cảm biến và hệ thống vũ khí của tàu được kết nối với CMS và được điều khiển từ nó. CMS là bộ phận chỉ huy và ra quyết định trung tâm trong hệ thống chiến đấu của tàu. Về cơ bản, nó cho phép phi hành đoàn chống lại các mối đe dọa nhanh hơn và hiệu quả hơn, đặc biệt là trong các hoạt động chiến đấu. Hệ thống quản lý chiến đấu Sigma-E có thể được trang bị tới 12 trạm làm việc để giám sát một loạt các quy trình chỉ huy và kiểm soát.

Với những trang bị nói trên lớp tàu Gepard 3.9 là một trong những thế hệ vũ khí tin cậy và mạnh mẽ, giúp Hải quân Nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, trong đó có huyện đảo Trường Sa.

Sputnik: Cảm ơn chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала