Tối hậu thư hay tẩy chay?
Mỹ muốn thảo luận cùng các đồng minh và đối tác lập trường phối hợp về sự tham gia Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. Tuyên bố này được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao mỹ Ned Price đưa ra hôm thứ Ba trong bối cảnh ngày càng có nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng cách tiếp cận phối hợp không chỉ vì lợi ích của Hoa Kỳ mà còn vì lợi ích của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Sau đó ông Ned Price giải thích trên Twitter rằng đây là nói về điều phối quan điểm, chứ không phải thảo luận về một cuộc tẩy chay chung.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà khoa học chính trị Nga, giáo sư tại Đại học Quốc gia Moskva Andrei Manoilo dự đoán rằng trong khuôn khổ liên minh cũng có thể kêu gọi tẩy chay Thế vận hội:
"Thay vì một bước, tức là phát động tẩy chay hoặc phong tỏa, sẽ có hai giai đoạn. Có thể đưa ra các yêu cầu cuối cùng đối với Bắc Kinh. Phương Tây sẽ kiên quyết yêu cầu tuân thủ nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vốn được cho là đang bị vi phạm. Phương Tây sẽ đưa ra những yêu cầu này, đương nhiên Bắc Kinh sẽ không đồng ý, như vậy sẽ có bước thứ hai là kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh".
Theo ông Andrei Manoilo, Mỹ sẽ kêu gọi các đồng minh thân cận nhất của minh lập ra liên minh chống Thế vận hội Bắc Kinh, bởi vì Mỹ sẽ rất khó nhận được sự ủng hộ rộng rãi:
"Một bộ phận đáng kể trong số các đồng minh quân sự-chính trị của Mỹ hiện đang ngoan ngoãn tuân theo mọi chỉ thị từ Washington. Có quá nhiều đòn bẩy gây áp lực lên họ, và nhiều nước sẵn sàng và tự nguyện làm điều đó, như Vương quốc Anh chẳng hạn. Theo một chương trình nghị sự chính trị tương đối mềm - chúng ta không nói về chiến tranh, mà nói về Thế vận hội ở Bắc Kinh, theo một cách nào đó Mỹ có thể tập hợp một liên minh chống Trung Quốc như vậy. Nếu Mỹ cố gắng lập ra một liên minh rộng lớn hơn, để lôi kéo các nước châu Phi và châu Á chẳng hạn, thì Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn".
Nhật Bản và Hàn Quốc phản đối chính trị hóa Thế vận hội
Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố rõ rằng họ không có ý định tham gia vào việc chính trị hóa Thế vận hội Bắc Kinh. Đồng thời, Nhật Bản tuyên bố điều này trước thềm cuộc gặp sắp tới vào ngày 16 tháng 4 tại Washington giữa Thủ tướng Yoshihido Suga và Tổng thống Joe Biden.
Ngày 7/4, tại cuộc họp báo thường kỳ, Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, Nhật Bản không thảo luận với Mỹ về các vấn đề liên quan đến cách tiếp cận Thế vận hội Bắc Kinh. Tuyên bố được đưa ra để đáp lại câu hỏi về việc thảo luận khả năng tẩy chay Thế vận hội 2022. Hai ngày trước đó, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định Nhật Bản sẵn sàng cùng với Trung Quốc hỗ trợ lẫn nhau để tổ chức xứng đáng Thế vận hội Mùa hè ở Tokyo và Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng Hàn Quốc và Trung Quốc vào ngày 3 tháng 4 ở Hạ Môn, phía Hàn Quốc đã tuyên bố ủng hộ Thế vận hội Bắc Kinh.
Kinh nghiệm Thế vận hội 2008
Trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, Phương Tây cố gắng lập ra liên minh chống Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn Sputnik, bà Yana Leksyutina, Giáo sư Đại học Quốc gia St. Petersburg, cho biết lý do đưa ra khi đó là vấn đề Tây Tạng:
"Trên thực tế, ở một mức độ nào đó, chúng ta đang chứng kiến tình huống năm 2008 đang được lặp lại. Sự khác biệt nằm ở trong điều kiện cơ bản mới, khi sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang phát triển một cách khách quan. Giờ đây, ý định của Washington vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng - liệu đó có thực sự là tẩy chay Thế vận hội, không tham gia Thế vận hội hay đó là những cách để cản trở, không cho sự kiện được tổ chức thành công".
Theo bà Yana Leksyutina, Trung Quốc sẽ đáp trả các nỗ lực của phương Tây nhằm tạo ra căng thẳng xung quanh Thế vận hội Olympic.
"Rất có thể, Trung Quốc sẽ tăng cường chiến dịch thông tin gần đây đáp trả cái gọi là lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Có thể chúng ta cũng sẽ theo dõi chiến dịch thông tin xung quanh Thế vận hội Olympic. Trung Quốc sẽ phát biểu tại tất cả các địa điểm tiềm năng về việc tẩy chay Thế vận hội, không thể chấp nhận việc xáo trộn vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa hai nước và các vấn đề không liên quan, ví dụ như chuyện tổ chức Thế vận hội Olympic".
Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ, bà Susanne Lyons cho biết rằng các cuộc tẩy chay Olympic đều không mang lại hiệu quả, mà chỉ trừng phạt các vận động viên một cách thiếu công bằng. Trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây, bà Susanne Lyons thừa nhận rằng việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội Moskva 1980 đã không thu được kết quả, đồng thời kêu gọi kiểm tra hậu quả tẩy chay. Việc tẩy chay chỉ làm tổn thương các vận động viên được đào tạo để đại diện cho đất nước của họ.