Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân khiến gạo Việt Nam vững vàng dẫn đầu về giá khi xuất khẩu là do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của đối tác nước ngoài tăng cao, triển vọng rất lớn.
Vượt qua Thái Lan, Việt Nam vững ngôi đầu thế giới
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) về thông tin thị trường nông sản cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Điều đáng chú ý, tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 02/2021 và tăng 19,1% so với tháng 3/2020.
Còn tính bình quân trong quý 1 năm, giá xuất khẩu bình quân gạo đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547 USSD/tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân khiến gạo xuất khẩu được giá là do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của đối tác nước ngoài tăng cao.
Năm 2020, không chỉ nhiều lần vượt qua các đối thủ về giá bán, với khối lượng xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD, Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3/2021 trở đi sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu.