Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt

© Sputnik / Vũ Thị Thanh HoanMàu bánh trôi, bánh chay được chị Hoan nhuộm bằng những nguyên liệu tự nhiên.
Màu bánh trôi, bánh chay được chị Hoan nhuộm bằng những nguyên liệu tự nhiên. - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Theo truyền thống, vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, người Việt lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực: bánh trôi, bánh chay, với hương, hoa, trầu cau. Nhiều người tìm thấy niềm vui trong công đoạn nặn bánh, làm bánh, hoặc “chế” ra bánh ngũ vị, ngũ sắc. Một số cất công đi thật xa để thưởng thức bánh trôi, bánh chay ở một quán ngon.

Nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay

Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, nên Tết Hàn thực nghĩa là Tết ăn đồ lạnh. Tuy nguồn gốc bắt nguồn từ Trung Quốc hay Việt Nam của ngày này còn gây tranh cãi, song Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng. Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng giải thích:

“Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải. Khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, Tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày Tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày Tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường”.
© Sputnik / Vũ Thị Thanh HoanMâm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc của chị Hoan.
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Mâm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc của chị Hoan.

Tương truyền, loại bánh này còn bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, nhân thường là đỗ xanh đồ nhuyễn, khi ăn đổ nước đường lên trên. Vị bánh thanh mát, dễ ăn, phù hợp với những ngày nóng nực khi thời tiết bước vào tháng 3 âm lịch.

Làm bánh không quá khó, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến công đoạn nhào bánh, nặn bánh sao cho đều, đẹp mà khi luộc nhân đường phèn không bị trào ra ngoài. Ngày nay, nhiều bà nội trợ còn công phu lựa chọn những nguyên liệu tự nhiên có màu sắc đẹp để biến hóa món bánh trôi, bánh chay truyền thống trở nên bắt mắt, bắt vị hơn.

Bánh trôi, bánh chay ngũ sắc, ngũ vị

Như mọi năm, chị Vũ Thị Thanh Hoan, 31 tuổi, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã chuẩn bị cho ngày Tết Hàn thực từ rất sớm. Ấp ủ làm ra một mâm cúng bánh trôi, bánh chay không chỉ đẹp mắt, mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chị đã lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu từ trước đó nhiều ngày. Chị Hoan nói với Sputnik:

“Mình dự định làm mâm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc, không đụng hàng nên đã lên kế hoạch từ sớm. Để bánh có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, mình đã làm trước công đoạn nhuộm màu cho bột bánh. Màu xanh dương là màu của hoa đậu biếc. Màu xanh lá có nhiều lựa chọn từ lá nếp, rau ngót, cải bó xôi đến bột trà xanh tùy thích. Màu vàng của nhụy hoa nghệ tây (saffron). Màu cam từ cà rốt hoặc gấc. Màu tìm từ lá cẩm, bắp cải tím. Màu hồng dùng củ dền còn màu trắng thì ai cũng biết rồi. Độ đậm nhạt của bánh có thể điều chỉnh theo lượng nguyên liệu tự nhiên nhiều hay ít”.
© Ảnh : Vũ Thị Thanh HoanBánh trôi màu đỏ từ gấc.
Bánh trôi màu đỏ từ gấc.  - Sputnik Việt Nam
1/3
Bánh trôi màu đỏ từ gấc.
© Ảnh : Vũ Thị Thanh HoanBánh trôi từ màu hoa đậu biếc.
Bánh trôi từ màu hoa đậu biếc. - Sputnik Việt Nam
2/3
Bánh trôi từ màu hoa đậu biếc.
© Ảnh : Vũ Thị Thanh HoanBánh trôi làm từ màu lá cẩm.
Bánh trôi làm từ màu lá cẩm. - Sputnik Việt Nam
3/3
Bánh trôi làm từ màu lá cẩm.
1/3
Bánh trôi màu đỏ từ gấc.
2/3
Bánh trôi từ màu hoa đậu biếc.
3/3
Bánh trôi làm từ màu lá cẩm.

Chị Hoan cho biết công thức làm bánh thì hầu như bà nội chợ nào cũng biết nhưng mỗi người sẽ có những bí kíp riêng.

“Bánh trôi nên dùng nhân mật đường gừng ăn sẽ thơm hơn đúng kiểu ngoài lạnh trong ấm. Khi nặn bánh trôi nên dùng một miếng vải xô lót xuống, nặn xong cho bánh vào vải sẽ hút bớt nước ở bánh làm cho viên bánh cứng lại, sẽ tròn đẹp hơn. Muốn bánh bóng thì xoa nhẹ dầu ăn vào tay khi nặn luộc, bánh sẽ bóng. Khi luộc để bánh thơm thì cho vài cái lá nếp vào nước luộc. Đun lửa vừa cho bánh chín nở đều hãy vớt bánh sẽ dẻo lâu. Nên luộc bánh từ màu nhạt đến màu đậm để bánh ko bị mất màu”.

Nguyên liệu cho vỏ bánh chay cũng giống bánh trôi. Theo chị Hoan, bí kíp cho món bánh chay ngon bất bại chính là trộn gạo nếp với gạo tẻ theo tỉ lệ 5:1 để vỏ bánh không quá dẻo dính, khó tạo hình và cho vị ngon nhất.

“Bánh chay nhân đậu xanh ai cũng biết. Nhưng theo mình, nhân đậu xanh trộn với đường mật giã nát thay vì đường kính sẽ thơm hơn. Nước đường chan bánh chay nên cho thêm vài sợi gừng cho nước thơm và ngon hơn, nấu bằng đường thốt nốt là ngon nhất hoặc đường phèn nếu muốn ngọt thanh. Khi ăn rắc thêm dừa nạo hoặc vừng hoặc vài hạt đậu xanh ở trên”, chị Hoan chia sẻ tỉ mỉ công thức làm bánh chay của mình.
© Ảnh : Vũ Thị Thanh HoanMâm bánh trôi ngũ sắc của chị Hoan
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Mâm bánh trôi ngũ sắc của chị Hoan

Bánh trôi bên ngoài vỏ mềm, dẻo, dai, nhân đường phèn đỏ thơm lừng, khi cắn vỏ bánh, nhân sẽ tan chảy trong miệng. Còn bánh chay, lớp vỏ mềm bao phủ nhân đậu xanh mềm, ngọt, thơm, thanh mát, người cầu kỳ còn quấy bột sắn ướp hoa bưởi làm nước chan, khiến vị bánh thêm cầu kỳ, hấp dẫn.

Bánh trôi hình thú, hình trái cây

Để chiều lòng các con nhỏ, chị Trần Hà Ly, quận Long Biên, người có lòng đam mê ẩm thực, đã sáng tạo làm ra món bánh trôi hình thú hết sức dễ thương. Chị Hà Ly chia sẻ với Sputnik ngày 14/4:

“Ý tưởng nặn bánh trôi thành nhiều hình ngộ nghĩnh đáng yêu dựa trên cảm hứng từ việc muốn làm mới món bánh trôi truyền thống, tạo sự thích thú cho các bé khi làm cùng với mẹ, nhờ thế bé sẽ hiểu hơn, nhớ hơn về ngày Tết Hàn Thực trong phong tục của Việt Nam. Hơn nữa nhìn những chiếc bánh nhiều màu sắc sinh động đẹp mắt thì khi ăn cũng cảm giác ngon hơn”.
© Ảnh : Trần Hà LyChị Ly nặn bánh trôi hình thú cùng các con.
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Chị Ly nặn bánh trôi hình thú cùng các con.

Để chế biến ra món bánh trôi độc đáo này, chị Hà Ly đã tìm ra loại nguyên liệu theo cách không giống ai, đó là từ khoai dẻo – thường được dùng để nấu chè.

Được quây quần cùng ông xã và các con để nặn và tạo hình bánh trôi, với chị Hà Ly, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Không chỉ thế, chị có thể dạy các con về một phong tục đẹp của Việt Nam, cũng như tấm lòng hướng đến tổ tiên, hướng về cội nguồn. Chị Hà Ly nói:

“Tự tay làm bánh không chỉ bày tỏ lòng thành tâm, tăng tinh thần đoàn kết mà còn giúp các con trong gia đình hiểu hơn về văn hóa, phong tục của người Việt”.

Chị Linh Vy – nữ doanh nhân ở Tp. Hồ Chí Minh được biết đến là “nữ hoàng đất sét” – đã nâng tầm món bánh trôi lên thành nghệ thuật. Từ miếng bột dẻo, chị khéo léo nhào nặn thành đủ hình cây trái trên đời: từ thanh long, đu đủ, bí đỏ, roi, khế, dâu, táo, cà tím, cà rốt đến ớt chuông, ớt tiêu...

© Ảnh : Linh VyBánh trôi hình trái cây
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Bánh trôi hình trái cây
© Ảnh : Linh VyBánh trôi hình các loại rau củ quả của nữ hoàng đất sét Linh Vy
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Bánh trôi hình các loại rau củ quả của nữ hoàng đất sét Linh Vy

Để truyền lại niềm đam mê và nét văn hóa đẹp đến các bạn nhỏ, chị đã mở lớp làm bánh trôi trái cây cho các bạn nhỏ trên 5 tuổi.

Đi chợ mua bánh trôi, bánh chay – thú vui đặc biệt

Không khéo tay hay làm như các bà nội trợ bên trên, cùng với cuộc sống bận rộn, nhiều bạn trẻ tìm cách đón ngày Tết Hàn thực bằng việc mua sẵn các loại bánh này ở chợ, siêu thị, hàng quán lề đường hoặc tìm đến một quán ngon, quen thuộc để thưởng thức. Chị Nguyễn Linh Chi, 21 tuổi, cho biết:

“Ngày 3/3 âm lịch năm nào mình cũng cùng bạn bè lên phố để ăn bánh trôi nước nhà bác Phạm Bằng. Dù nhà xa nhưng đây là một trải nghiệm rất đặc biệt. Bánh ở đấy rất ngon, tuy hơi khác loại bánh truyền thống của Việt Nam vì là nhân vừng đen, dừa thay vì đỗ xanh nhưng mình rất thích. Ngày này, nhiều khi đến sẽ phải xếp hàng vì quán hơi nhỏ, nhưng chắc chắn món bánh ở đây sẽ làm thỏa lòng bất cứ ai”.
© Ảnh : Nguyễn Linh ChiChị Chi đón Tết Hàn thực với Bánh trôi tàu, Lục tàu xã, Chí mà phù.
Muôn cách thưởng thức bánh trôi, bánh chay của người Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Chị Chi đón Tết Hàn thực với Bánh trôi tàu, Lục tàu xã, Chí mà phù.

Chia sẻ chung quan điểm với chị Linh, anh Nguyễn Minh Hoàng, 28 tuổi, ở La Thành (Hà Nội), nói:

“Bố mẹ, mình và em trai đều đi làm từ sáng nên đến chiều về mình sẽ mua bánh trôi, bánh chay ở chợ. Chợ La Thành bày bán rất nhiều, cả loại truyền thống lẫn ngũ sắc và cũng rất ngon. Nhà mình sẽ đón Tết Hàn thực đơn giản như vậy thôi, quan trọng là không quên đi ý nghĩa của nó là hướng về cội nguồn”.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала