Chủ tịch tổng công ty đường sắt Việt Nam "kêu cứu" Bộ GTVT
Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐS).
Qua đó, văn bản nêu: với 3.143 km đường sắt, trong đó có 297 khu ga (hàng, khách) có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ; tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) đan xen giữa tài sản nhóm 1 (do Nhà nước đầu tư) và nhóm 2 (được đầu tư từ nguồn vốn của VNR).
Từ trước đến nay, việc khai thác được giao cho VNR trực tiếp tổ chức khai thác, nguồn kinh phí thu được trích nộp vào ngân sách nhà nước là 20%, 80% còn lại là doanh thu của Tổng công ty, dùng để chi cho các hoạt động phục vụ tổ chức khai thác (chi phí nhân công, chi phí duy tu, bảo trì tài sản,...). Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia và quy trình vận hành 3.143 km đường sắt, khắc phục sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt có liên quan chặt chẽ, mật thiết và phải do một chủ thể thống nhất quản lý điều hành. Chủ tịch HĐTV VNR - ông Vũ Anh Minh cho biết:
“Tuy nhiên, Đề án quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia do Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản KCHTĐS”.
Ông Vũ Anh Minh cho rằng, cách thức quản lý này hiện đang làm gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con (giấy phép con), đặc biệt vẫn đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam (cơ quan chỉ thực hiện chức năng tham mưu trực thuộc Bộ GTVT và không quản lý tài sản KCHTĐS). Đồng thời, đề xuất của Bộ GTVT tại Đề án sẽ phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì KCHTĐS với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt, làm đình trệ hoạt động vận tải đường sắt, triệt tiêu vận tải đường sắt vì khi đó VNR sẽ phải điều hành giao thông vận tải đường sắt trong điều kiện hệ thống KCHTĐS quốc gia bị chia cắt, thiếu sự kết hợp đồng bộ do có quá nhiều chủ thể quản lý, khai thác, phá vỡ nguyên tắc "thống nhất, tập trung" - nguyên tắc cơ bản, chủ chốt nhất trong hoạt động vận tải đường sắt từ trước đến nay.
Theo ông Vũ Anh Minh, đề xuất của Bộ GTVT tại Đề án không những không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho VNR, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản và có thể triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải. Cụ thể, theo dự toán hằng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống. Chính vì thế, 20 công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.
Đây không phải lần đầu tiên VNR kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì. Trước đó, tháng 2/2020, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết chưa nhận được dự toán, khiến 11.315 người lao động không có tiền lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu. Nguyên nhân cũng do vướng mắc tại cơ chế giao dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho VNR để tổ chức thực hiện không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo Chính phủ mới đây, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia cho VNR là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, việc đặt hàng bảo dưỡng KCHTĐS quốc gia phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019. Về phía Bộ GTVT, cơ quan này thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, việc giao dự toán bảo trì phải thực hiện theo quy định pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ GTVT đã thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong các cuộc họp trước đó.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, Bộ GTVT đề xuất giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thực hiện đặt hàng bảo dưỡng KCHTĐS quốc gia theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019. Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ:
“Hiện tại, Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện công tác đặt hàng bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 theo quy định. Trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VNR khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 với Cục Đường sắt Việt Nam để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động”.